Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Mở rộng đối tượng

TRẦN HỮU 17/01/2018 08:54

Nhiều doanh nghiệp khai thác nguồn nước mặt từ sông suối hay xả khí thải, sẽ là đối tượng có nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường (DVMTR) theo luật định. Mở rộng đối tượng chi trả DVMTR chắc chắn sẽ giúp người dân khu vực miền núi cải thiện thu nhập, ràng buộc trách nhiệm với đối tượng khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Cuộc sống người dân miền núi bắt đầu thay đổi từ ngày được nhận giao khoán bảo vệ rừng qua chi trả dịch vụ môi trường rừng.    Ảnh: HỮU PHÚC
Cuộc sống người dân miền núi bắt đầu thay đổi từ ngày được nhận giao khoán bảo vệ rừng qua chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: HỮU PHÚC

Sau khi Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR ra đời, thì từ năm 2012, địa bàn Quảng Nam mới triển khai ở các cơ sở, nhà máy sản xuất thủy điện, nước sạch và hoạt động dịch vụ du lịch. Mỗi năm nguồn thu từ các doanh nghiệp này khoảng 100 tỷ đồng, phục vụ lại cho trồng rừng thay thế, trả tiền công cho người dân trong nhận khoán bảo vệ rừng. Từ năm 2018, đối tượng chi trả DVMTR sẽ được mở rộng thêm là các nhà máy trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp sử dụng nước mặt và gây ra khí thải.

Theo Sở TN-MT, tính đến tháng 8.2017 có 84 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước trên địa bàn tỉnh, trong đó 6 cơ sở có sử dụng nước mặt. Theo kế hoạch, năm 2018, có 6 đối tượng chi trả DVMTR mở rộng sẽ thực hiện thí điểm gồm Công ty CP Prime Đại Lộc, Công ty CP Xi măng Quảng Nam (Tập đoàn Thái Lan), Công ty CP Than - điện Nông Sơn, FOCOCEV Quảng Nam, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam.

Để có cơ sở cho UBND tỉnh quyết định đơn giá chi trả DVMTR, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh (đơn vị được ủy quyền thu - chi nguồn DVMTR) sẽ lần lượt làm việc với các cơ sở sản xuất công nghiệp khai thác nước mặt. Luật Lâm nghiệp còn quy định: “Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng”, nên thời gian đến sẽ có thêm nhiều cơ sở “trả nợ rừng”.  

Đàm phán với doanh nghiệp

Đi vào hoạt động nhiều năm, nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn) hầu như lấy toàn bộ nguồn nước mặt từ sông Thu Bồn phục vụ cho quy trình làm mát thiết bị máy móc từ dây chuyền sản xuất, nước cho mục đích sinh hoạt… Nếu không có lượng nước đầu vào lớn thì chắc chắn nhà máy này sẽ không thể hoạt động. Có mặt tại 2 vị trí lấy nước và xả nước của nhà máy, chúng tôi nhận thấy lượng nước khổng lồ khi ra vào nhà máy. Nước ở cống xả trực tiếp xuống sông Thu Bồn chảy mạnh như… ghềnh thác. Để đề phòng tai nạn đuối nước, quanh khu vực này đặt biển cấm để cảnh báo. Theo Công ty CP Than - điện Nông Sơn, việc sản xuất của nhà máy chỉ bị ảnh hưởng khi dòng sông gần trơ đáy vào mùa khô. Đơn vị sẵn sàng hợp tác, chi trả tiền DVMTR để tăng độ che phủ rừng cho lưu vực.

Theo Giấy phép khai thác nguồn nước mặt do Sở TN-MT cấp thì nhà máy này khai thác hơn 171 nghìn mét khối nước/ngày đêm. Tuy nhiên, ông Võ Đình Đạt - Phó Giám đốc Công ty CP Than - điện Nông Sơn thông tin, năng lực hoạt động thực tế của nhà máy chỉ đáp ứng một nửa so với công suất thiết kế ghi trong giấy phép, được cơ quan có thẩm quyền cấp. Nguồn nước lấy từ sông đưa vào làm mát động cơ máy móc trong dây chuyền sản xuất, sau đó sẽ cho chảy trực tiếp ra sông bằng hệ thống đường ống xây dựng riêng, chỉ giữ lại cho nhà máy một khối lượng nước ít ỏi. Theo ông Đạt, doanh nghiệp sẽ bị nhiều thiệt thòi nếu chi trả DVMTR dựa vào con số ghi trong giấy phép. Do vậy, đơn vị kiến nghị với Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh nên căn cứ vào công suất hoạt động thực tế của nhà máy để tính toán chi trả. “Với đơn giá doanh nghiệp đề xuất 40 đồng/m3, thì ước tính mỗi năm công ty bỏ ra 2 - 3 tỷ đồng chi phí DVMTR. Trong trường hợp, ngành chức năng dựa vào hồ sơ giấy tờ, thì công ty sẽ điều chỉnh lại giấy phép cho phù hợp với năng lực khai thác nước mặt” - ông Đạt nói.

Nhà máy sản xuất cồn của Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm.
Nhà máy sản xuất cồn của Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm.

Tương tự, để sản xuất sản phẩm xăng sinh học, nhà máy sản xuất cồn thuộc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (đóng tại xã Đại Tân, Đại Lộc) phải sử dụng nguồn nước mặt. Mỗi ngày, nhà máy này khai thác hơn 7.800m3 nước để làm mát động cơ máy móc. Nhà máy lấy nước từ sông Vu Gia đưa lên chứa ở công trình xây dựng tại xã Đại Phong (Đại Lộc), sau đó dẫn về khu vực sản xuất. Theo Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, nước rất quan trọng cho các quy trình sản xuất xăng sinh học nên doanh nghiệp ý thức được trách nhiệm chi trả DVMTR theo quy định của pháp luật. Vấn đề ở chỗ cơ quan chức năng cần phê duyệt đơn giá như thế nào cho phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh vừa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Cần cơ chế minh bạch

Tham vấn ý kiến mở rộng chi trả dịch vụ rừng

Chiều 16.1, thông qua dự án Trường Sơn Xanh do  Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh tổ chức hội thảo tham vấn kết quả đánh giá tiềm năng mở rộng chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.

Sau khi thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ năm 2010 về chi trả DVMTR, ngoài 3 đối tượng thuộc diện chi trả là các nhà máy sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch, hoạt động du lịch, từ năm 2018 sẽ mở rộng thí điểm thêm 2 dịch vụ nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và giảm phát thải. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá tính khả thi cho việc mở rộng chi trả DVMTR; công bố kết quả nghiên cứu định lượng và bản đồ hóa DVMTR trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước mặt và phát khí thải. Hội thảo đã mổ xẻ, tham vấn ý kiến của ngành chức năng, các doanh nghiệp, làm căn cứ hoàn thiện bản đánh giá, trình cấp thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện thí điểm mở rộng chi trả DVMTR.
H.PHÚC

Rừng suy thoái gây hệ lụy thiếu nước, phát sinh chi phí đầu tư cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Báo cáo sơ bộ của Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho thấy, từ năm 2012 đến nay có hơn 22 nghìn hộ dân được chi trả DVMTR, còn  gần 14.000 hộ dân sẽ được cải thiện thu nhập nếu họ được nhận tiền từ việc mở rộng chi trả DVMTR. Bình quân mức thu nhập từ nguồn tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh là 3 triệu đồng/hộ/năm, một số tiền ít ỏi. Các hộ dân mong việc chi trả các loại DVMTR khác sẽ được thực hiện sớm để họ được tăng thêm thu nhập. Ông Phan Quang Tĩnh, cán bộ Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh khẳng định, thời gian đến đối tượng chi trả DVMTR được triển khai mở rộng, Nhà nước đầu tư lồng ghép các chương trình, dự án phát triển rừng bền vững. Khi có nguồn lực lớn, đơn giá cho trả dịch vụ cao hơn, người dân chắc chắn sẽ cải thiện thu nhập, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo ở miền núi.

Quỹ bảo vệ - phát triển rừng cũng nhìn nhận có khó khăn nhất định để tìm phương pháp tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp. Lượng nước sử dụng cho sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào loại sản phẩm và quy mô sản xuất ở các cơ sở. Thời gian qua tổng lượng nước khai thác thực tế được các cơ sở theo dõi qua công suất máy bơm, bể chứa, hoặc đồng hồ đo nước thường thấp hơn lượng nước ghi trong giấy phép khai thác. Lúng túng của ngành chức năng hiện nay là lượng hóa được cơ sở nào gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; tiêu chí xác định… Quỹ bảo vệ - phát triển rừng đánh giá, hầu hết đối tượng thực hiện chi trả DVMTR tiềm năng được khảo sát đều ý thức được tầm quan trọng của các dịch vụ hệ sinh thái rừng đối với hoạt động sản xuất của họ và sẵn sàng đóng góp vào việc bảo vệ và quản lý rừng. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa thanh toán chi trả DVMTR với thuế tài nguyên và phí môi trường.

Theo kinh nghiệm thực tiễn từ tỉnh Sơn La, Lâm Đồng trong chi trả DVMTR, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cần tập trung phát triển một cơ chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR dài hạn, minh bạch. Không chỉ những đối tượng chi trả tiềm năng mà cả những đối tượng đang thực hiện chi trả có quan tâm đến tính minh bạch và hiệu quả của việc sử dụng các khoản thanh toán chi trả DVMTR cho bảo vệ, phát triển rừng. Thêm nữa, cần thực hiện sớm các nghiên cứu tiếp theo để giải quyết các trở ngại kỹ thuật hiện có trong việc mở rộng chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ carbon.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU