Quản bùn cát, cứu bờ biển
Nhiều giải pháp, ý kiến đóng góp từ các chuyên gia trong và ngoài nước về hạn chế tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại (Hội An) đã được nêu ra trong một hội thảo liên quan tới vấn đề này diễn ra cuối tuần qua tại TP.Đà Nẵng.
Tin liên quan
|
Việc xây dựng các công trình ven biển cũng làm gián đoạn dòng lưu chuyển bùn cát dẫn đến sạt lở bờ biển. |
Nhiều tác nhân dẫn tới xói lở
Dưới sự chủ trì của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, hội thảo “Khảo sát, thu thập số liệu tại các lưu vực sông phục vụ quản lý bùn cát tổng hợp trên hệ thống các sông khu vực miền Trung Việt Nam” đã công bố kết quả khảo sát, thu thập sau một thời gian dài nghiên cứu, trong đó đặt trọng tâm vào lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và hiện tượng xói lở nghiêm trọng ở bờ biển Cửa Đại. Tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Tính toán quản lý bùn cát hợp lý để chống xói lở là điều rất cần thiết, tuy nhiên cũng cần cân nhắc để hài hòa lợi ích phát triển của địa phương bởi việc khai thác tài nguyên cát trên sông phục vụ xây dựng là điều không thể tránh khỏi”.
Theo kết quả nghiên cứu của JICA, hiện nay trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang xuất hiện nhiều hình thái tác động dẫn tới xói lở ở hạ du như: mật độ dày đặc các đập thủy điện ở thượng nguồn, khai thác cát và rừng bất hợp lý, xây dựng cầu, đập dâng, đê hay kè bảo hộ… Chuyên gia Vũ Thị Lan Hương (Nhóm nghiên cứu JICA) cho biết: “Từ những tác động của con người kể trên đã khiến lượng trầm tích từ nguồn giảm xuống và xuống hạ lưu, hướng lưu chuyển bùn cát bị thay đổi, từ đó việc xói lở lòng sông, bờ sông, bờ biển hay xâm thực vùng cửa sông là hệ quả tất yếu”. Theo tính toán, từ năm 2008 đến nay, đã có tới 10 triệu mét khối cát được khai thác từ các kênh sông, tuy nhiên đó chỉ mới là con số cơ quan chức năng quản lý được, còn một lượng lớn cát khai thác chui thì không thể thống kê.
Cũng với nghiên cứu của các chuyên gia JICA, việc xây dựng các công trình ven biển cũng làm gián đoạn dòng lưu chuyển bùn cát dọc bờ góp phần gây nên sạt lở bờ biển. Với trường hợp cụ thể là biển Cửa Đại, quá trình mở rộng và thu hẹp bãi bồi tại cửa sông Cửa Đại có liên quan chặt chẽ đến tình trạng sạt lở bờ biển này, trong đó sạt lở xảy ra mạnh mẽ và rõ ràng hơn từ năm 1993 sau khi bãi bồi bị mất hoàn toàn. Do phân bố bất đối xứng của dòng bùn cát, từ năm 1993 đến nay, đường bờ trái gần cửa sông Thu Bồn đã bị xói hơn 200m; lượng trầm tích cung cấp cho bờ trái sụt giảm nghiêm trọng, xuống khoảng 230 triệu mét khối/năm so với 590 -770 triệu mét khối/năm trước kia. Cũng từ thời điểm năm 1993 đến nay, lượng trầm tích đổ ra biển sâu đã giảm gần một nửa so với giai đoạn 1973 - 1992 (từ 6.090 triệu mét khối chỉ còn 3.590 triệu mét khối).
Tìm giải pháp ứng phó
Xác định việc giảm lượng bùn cát từ sông là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sạt lở ở vùng hạ du, nhất là ở cửa biển, đối với bãi biển Cửa Đại, các chuyên gia tham dự hội thảo đều đồng tình rằng việc tăng cường quản lý bùn cát một cách hợp lý là giải pháp quan trọng để hạn chế, tiến tới khắc phục sạt lở. Theo tính toán của JICA, lượng bùn cát cung cấp cho cửa sông Cửa Đại hiện nay đã giảm tới 40% so với thời điểm 1997. Theo bà Vũ Thị Lan Hương: “Các biện pháp chống xói lở mà không tính đến quá trình lưu chuyển dòng bùn cát dọc bờ không những không có hiệu quả mà còn ảnh hưởng xấu đến khu vực lân cận”. Cụ thể, sau đợt lũ tháng 12.2016, một cửa sông mới được hình thành sẽ cung cấp một lượng bùn cát lớn về phía bắc, tuy nhiên do việc xây dựng cọc cừ thép đã dẫn đến lượng bùn cát này không thể dịch chuyển đến khu vực phía bắc, từ đó biển Cửa Đại vẫn tiếp tục sạt lở nặng nề.
Đồng tình với kết quả khảo sát của JICA, PGS-TS.Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, những giải pháp triển khai để chống sạt lở là cần thiết nhưng không nên can thiệp quá thô bạo sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Kè cứng xây dựng tại vùng sạt lở dễ bị xói lở chân kè do dòng chảy đáy xuất hiện trong vùng sóng vỡ dẫn đến sụp kè, thêm vào đó cát sau kè bị giữ lại không thể vận chuyển gây ra việc thiếu hụt bùn cát dọc bờ trên diện rộng. Băn khoăn với những giải pháp đề xuất về việc tăng lượng bùn cát để cứu bờ biển của JICA, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, lưu tốc của sông Thu Bồn rất thấp (trừ mùa mưa lũ) do nhiều hồ thủy điện ở thượng lưu được xây dựng dẫn đến lượng cát bù ra cửa sông hạn chế thì lấy đâu ra đủ lượng cát để cung cấp cho cửa sông. Ngoài ra, ông Thanh cũng cho biết, theo nghiên cứu của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), dòng chảy ven bờ ở sông Thu Bồn không thuần túy đi từ nam ra bắc mà có những đoạn chảy phức tạp nên việc xây dựng kè ở bờ phải để dịch cát về bờ trái là không hề dễ dàng.
Về vấn đề này, chuyên gia người Nhật Bản Nagasawa (Nhóm nghiên cứu JICA) cho rằng, xây dựng hệ thống kè ở bờ biển là cần thiết nhưng cần tính toán các cơn sóng lớn nhất tác động đến bờ biển này trong vòng 50 năm nhằm đưa ra nhận định tương đối chính xác về lượng cát mất đi để bồi đắp lượng cát cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu việc lưu chuyển cát tích tụ trên thượng lưu do bị chắn lại ở các đập về bồi đắp ở cửa sông. Giải pháp ngắn hạn mà các chuyên gia JICA đưa ra là thực hiện nuôi bãi kết hợp xây dựng hệ thống công trình nắn dòng để ưu tiên tận dụng năng lượng tự nhiên phục hồi để kiểm soát sạt lở. Một hạn chế khác trong việc kiểm soát sạt lở cũng được các chuyên gia nêu ra chính là việc cơ quan chức năng không có giải pháp phòng mà để sạt lở xảy ra mới loay hoay tìm cách chống, hay việc xây dựng đê chống sạt lở mà không tính toán các hệ quả, rủi ro do nó gây ra sau vài chục năm.
QUỐC TUẤN