Hoàn thiện kỹ năng nghề du lịch

GIA KHANG 13/01/2018 08:21

Hoàn thiện kỹ năng nghề du lịch không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển mà còn là cách để người lao động sống được với chính nghề nghiệp của mình.

Mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của lao động ngành du lịch hiện nay chỉ đạt tỷ lệ từ 40% – 60%
Mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của lao động ngành du lịch hiện nay chỉ đạt tỷ lệ từ 40% – 60%

Hướng đến chuẩn kỹ năng nghề

Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, tính đến hết năm 2017 ngành du lịch Quảng Nam sử dụng khoảng 13 nghìn lao động, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở dịch vụ du lịch (lưu trú, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ nhà hàng, hướng dẫn viên…). Trong đó, khối lưu trú chiếm số lượng nhiều nhất (60%); lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên (10%); khối các dịch vụ khác (30%). Nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam bên cạnh ưu điểm như đa số lao động trẻ tuổi, năng động, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ tốt do được đào tạo bài bản, phù hợp với yêu cầu công việc thực tiễn, môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp… thì cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như chất lượng không đồng đều; thiếu lao động lành nghề, khan hiếm về nhân lực cấp quản lý có chuyên môn cao; chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên còn yếu về kỹ năng, kinh nghiệm; khả năng giao tiếp ngoại ngữ, nhất là những ngoại ngữ hiếm như Nhật, Hàn, tiếng Thái, tiếng Trung… còn hạn chế.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn VTOS (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) tương đối thấp (khoảng 20%); chứng chỉ đào tạo viên (khoảng 10%); mức độ đáp ứng yêu cầu công việc chỉ đạt tỷ lệ từ 40% – 60% tùy theo ngành nghề; khoảng 10% đáp ứng vượt mức kỳ vọng của công việc, tập trung chủ yếu ở khối cơ sở lưu trú du lịch (từ 3 sao trở lên) hoặc doanh nghiệp quốc tế và các cơ sở dịch vụ, du lịch cao cấp. Chính điều này đã tạo nên sự dịch chuyển gay gắt và thiếu hụt về lao động giữa các doanh nghiệp đã và chuẩn bị hoạt động, nhất là các cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống, tập trung vào lao động lành nghề hoặc cấp quản lý.

Theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, một trong những vấn đề ngành du lịch đối diện hiện nay là lao động và đào tạo lao động. Vì vậy, bên cạnh hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề du lịch áp dụng bộ tiêu chuẩn 10 kỹ năng nghề VTOS 2013 vào giáo trình giảng dạy, các trường cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo về ngoại ngữ trong phạm vi nghề (lễ tân, buồng, bàn, hướng dẫn…); các chương trình sales-marketing trong khách sạn, lữ hành phù hợp với nhu cầu tuyển dụng hiện nay kết hợp với đào tạo kỹ năng mềm (giao tiếp, xử lý tình huống và chăm sóc khách hàng) cho sinh viên ngành du lịch, khách sạn…

Hỗ trợ đào tạo nghề du lịch

Để chuẩn bị cung cấp nguồn lao động đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay và thời gian tới, ngành du lịch cùng các ngành liên quan cần nhanh chóng triển khai các hoạt động phối hợp, liên kết đồng bộ. Cụ thể liên kết 3 bên gồm: cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; thường xuyên cung cấp thông tin về du lịch đến các cơ sở đào tạo để điều chỉnh giáo trình giảng dạy phù hợp thực tiễn; giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình thực tế để tuyển dụng và đào tạo cũng như trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập….

Bà Lê Thị Châu Trinh – Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở VH-TT&DL) cho rằng, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra các tiêu chuẩn nghiệp vụ, ngoại ngữ của hướng dẫn viên, thuyết minh viên được cấp thẻ và nhân viên tại các cơ sở lưu trú…, việc hợp tác với các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế, các chuyên gia du lịch giỏi tham gia tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý điều hành sales marketing… cho toàn hệ thống khách sạn cũng như tổ chức điều tra khảo sát tổng nguồn nhân lực du lịch hằng năm... cần phải được chú trọng. “Sự tham gia của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo lao động là quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên. Riêng các cơ sở đào tạo, việc tổ chức các chương trình định hướng nghề du lịch tại trường phổ thông và trường nghề để thu hút sinh viên đầu vào cần làm thường xuyên. Đặc biệt, cần nghiên cứu điều chỉnh xây dựng giáo trình đào tạo, tham khảo các bộ tiêu chuẩn nghề để đảm bảo học viên được trang bị đầy đủ các kỹ năng và kiến thức phục vụ công việc trong thực tế…” - bà Trinh gợi ý.

Theo ông Phan Văn Bình – Phó Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH), một thuận lợi là tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 và các quy định khác với 5 nghề liên quan đến du lịch. Trong đó, người học nghề; các doanh nghiệp, chương trình, dự án; các trường cao đẳng, trung cấp nghề hoặc có tham gia dạy nghề có địa chỉ… sẽ được hưởng lợi. Qua 2 năm triển khai đã có khoảng 2.000 học viên tham gia, trong đó có nhiều lao động hoạt động trong ngành du lịch. “Việc 5/8 ngành nghề được nhà nước hỗ trợ liên quan đến du lịch, dịch vụ đã khẳng định được sự quan tâm của tỉnh đối với ngành kinh tế mũi nhọn này, qua đó hướng đến hoàn thiện và thúc đẩy nhiều lao động tham gia hoạt động du lịch” - ông Bình nhìn nhận.

GIA KHANG

GIA KHANG