Ba năm dự án Triêm Tây
Chính thức triển khai năm 2015, dự án “Phát triển làng du lịch cộng đồng Triêm Tây” (Điện Phương, Điện Bàn) đã trở thành một trong những mô hình du lịch cộng đồng thành công trên địa bàn tỉnh.
Một số dự án du lịch đã đầu tư vào Triêm Tây. Ảnh: VĨNH LỘC |
Làng du lịch cộng đồng điển hình
Đầu năm 2015, thị xã Điện Bàn được dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014-2015” hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại làng Triêm Tây. Với sự tham gia tư vấn của UNESCO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Trung tâm VH-TT Điện Bàn đã xây dựng Tổ nòng cốt hỗ trợ phát triển du lịch thị xã gồm 7 thành viên, được cán bộ dự án Văn phòng UNESCO và ILO tại Hà Nội chuyển giao kiến thức tổng quát về phương pháp lập kế hoạch phát triển một điểm du lịch tại địa phương, từ đó áp dụng vào Triêm Tây cũng như những nơi khác sau này.
Từ các nguồn hỗ trợ của ILO, UNESCO và ngân sách thị xã, qua 3 năm triển khai bộ mặt Triêm Tây đã hoàn toàn thay đổi, nhiều công trình hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch được đầu tư hoàn thiện. Trong đó, xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng Triêm Tây; xây dựng cầu neo tàu và nhà đón tiếp tại bến thuyền Triêm Tây; cải tạo mô hình homestay tại 3 hộ dân trong làng; đầu tư hạ tầng điện thủy lợi tại vườn cộng đồng Triêm Tây; xây dựng nhà vệ sinh công cộng Triêm Tây; đầu tư cải tạo tuyến đường chính tại làng Triêm Tây... Đặc biệt, thông qua các cuộc tọa đàm và hội thảo, nhận thức của cán bộ, người dân về phát triển du lịch cộng đồng tại Triêm Tây được nâng lên rõ rệt. Hầu hết người dân Triêm Tây tham gia, hưởng ứng tích cực các hoạt động dự án; điểm thu hút khách trong làng cũng được người dân đánh giá và bình chọn để đưa vào khai thác như khu du lịch nhà vườn Triêm Tây, làng nghề dệt chiếu chẻ truyền thống, nhà cổ ông Phó Ba, nhà cổ ông Nghè Phụng, giếng cổ, cây Thị trăm tuổi, nghề đắp vẽ nghệ thuật bằng xi măng, miếu thờ Thành hoàng, lăng Ngũ Hành Tiên Nương, cồn hoang Triêm Tây, cồn Hến, lạch Bến Quế…
Cùng với đó, việc thành lập hợp tác xã với các tổ dịch vụ nhằm tập hợp người dân vào cùng hợp tác hoạt động đón khách và chia sẻ lợi ích từ du lịch mang lại cũng được triển khai đồng bộ. Đến hết năm 2017, tổng lượng khách đến tham gia các dịch vụ tại Triêm Tây ước tính gần 10.000 lượt người, doanh thu hoạt động gần 900 triệu đồng. Đặc biệt, Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch địa phương. Và tháng 3.2017, Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây được Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên trao chứng nhận danh hiệu “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN 2017 - 2019” (ASEAN Community Based Tourism 2017 - 2019). Bà Phan Thị Thái Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT Điện Bàn cho biết, hiện đã có 15 dự án đầu tư vào Triêm Tây, từ đó làm bất động sản tăng cao lên gấp 10 lần.
Những thách thức
Không phủ nhận dự án “Phát triển làng du lịch cộng đồng Triêm Tây” đã mang đến nhiều thay đổi cho vùng đất nơi hạ nguồn sông Thu Bồn này. Ông Nguyễn Yên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây nhìn nhận, từ khi dự án triển khai đã giúp người dân hiểu được rằng phát triển du lịch cộng đồng chính là gắn với phát triển kinh tế; ý thức bảo tồn văn hóa, bảo vệ tài nguyên du lịch được hình thành và củng cố. Nhiều gia đình chủ động và tham gia hiệu quả vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt; xây dựng hàng rào xanh, triển khai mô hình homestay… để đón khách du lịch tham quan, lưu trú. Dù vậy, Triêm Tây cũng đối diện những thách thức, thể hiện rõ nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng. Cụ thể, việc bê tông tuyến đường chính của Triêm Tây đã không phù hợp với một ngôi làng thuần Việt, làm mất đi cảnh quan nông thôn của Triêm Tây. Việc bảo trì chăm sóc hàng rào xanh đang dần bị người dân lơ là; mối quan hệ xóm làng đã bắt đầu có những rạn vỡ, nhất là trong việc cung cấp dịch vụ du lịch… Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất chính là công tác quản lý quy hoạch chưa sâu sát, nguy cơ phá vỡ không gian làng đang dần hiện hữu. Đã bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà bê tông cao tầng; những lũy tre đã bị đốn phá; nhiều hộ treo bảng bán đất; nét yên bình của một làng quê điển hình đang đứng trước nhiều thách thức nếu không có những giải pháp đồng bộ và sự hưởng ứng của người dân.
Theo ông Nguyễn Yên, người dân làng Triêm Tây không thể không xây nhà cao tầng vì nơi đây vùng trũng thấp, dễ bị ngập khi có lũ. Còn ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, dù việc ban hành quy hoạch tại Triêm Tây đã được triển khai nhưng thực tế khác rất xa, chưa kể hiện quy hoạch Triêm Tây cũng chỉ mới là quy hoạch theo nông thôn mới, quy hoạch 1/500 vẫn chưa được thực hiện. “UBND thị xã Điện Bàn đã đề nghị Sở Xây dựng triển khai quy hoạch 1/500 nhưng vẫn chưa thấy trả lời, nên thực tế cũng khó kiểm soát việc xây dựng nơi đây” - ông Hà cho biết.
Ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương nói, hiện Trung tâm VH-TT Điện Bàn đã bàn giao Dự án “Phát triển làng du lịch cộng đồng Triêm Tây” cho UBND xã Điện Phương triển khai thực hiện giai đoạn II, tuy nhiên xã cũng chưa thể làm gì được. “Dù xã đã ban hành quy chế quản lý hoạt động của hợp tác xã và làng Triêm Tây; quy định về quy hoạch không gian kiến trúc; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân… nhưng thực tế rất khó. Vì đây là vùng đất ngập lụt nên cũng khó nói người dân xây nhà thấp. Còn việc bán đất, dân thấy lên giá thì bán chứ xã không thể quản lý vì đất thuộc sở hữu của họ. Nói chung từ khi Trung tâm VH-TT thị xã bàn giao cho đến nay, địa phương cũng chưa hình thành ý tưởng phát triển thế nào. Sắp tới phải họp bàn, trao đổi, đánh giá lại để đảm bảo cho Triêm Tây phát triển tốt” - ông Thu chia sẻ.
KHÁNH LINH