Hay cãi của người Quảng

NGUYỄN HẢI TRIỀU 06/01/2018 10:32

Cãi được xem như một công cụ tinh thần hỗ trợ cho phương pháp tư duy tìm ra chân lý để tồn tại và phát triển. Cãi còn thể hiện tính cách con người của vùng đất Quảng Nam.

Cãi thể hiện tính cách con người của vùng đất Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cãi thể hiện tính cách con người của vùng đất Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đi bất cứ đâu trên xứ sở Quảng Nam, ta thường nghe những câu nói cửa miệng: “Ráng gân cổ lên mà cãi”, “Cãi đến đỏ mặt tía tai”, “Cãi chày cãi cối”, “Thằng chết cãi thằng khiêng”, “Đội mồ lên mà cãi”, “Mất ăn mất ngủ cũng cứ cãi”... Cãi có lề lối, bài bản chứ không tính những loại cãi vặt.

Cãi... để tồn tại

Từ năm 1832, vua Minh Mạng có cuộc cải cách hành chính lớn, chia nước ra thành 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Lúc này, địa giới từng vùng đất đã rạch ròi, đã ra nếp ăn nết ở mỗi nơi, rồi trải qua nhiều đời hình thành nên tính cách thì lại có câu “Quảng Nam hay cãi; Quảng Ngãi hay lo; Bình Định nằm co; Thừa Thiên ních hết” .

Cãi, yếu tố trước tiên có thể là sự thích ứng. Ngay từ những ngày đầu chân ướt chân ráo di cư đến vùng đất biên viễn đầy sự đe dọa của chết chóc, nơi “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh” này, muốn sinh tồn, con người phải biết tạo ra một vỏ bọc tương đối chắc chắn để tự bảo vệ mình trước cuộc sống xa lạ, cam go. Có lẽ cãi cũng là một trong những biện pháp tốt để sống còn của các tiền nhân thời mở cõi. Bằng khả năng lý luận của mình, đôi khi có thể bằng suy luận chủ quan, áp đặt một tư duy nào đó trong cách nghĩ về tâm linh, về nếp sống sinh hoạt hằng ngày cho thích nghi, phù hợp với nơi mới đến để được hòa đồng, để được tồn tại.

Trong dân gian có những câu chuyện như sự tích Bà Thu Bồn, Bà Phường Chào… thể hiện nét tương đồng giữa tục thờ Mẫu của người Việt và Mẹ Xứ sở của người Chăm. Hình tượng một vị nữ thần bản địa được những người mới đến tiếp nhận và “Việt hóa” để trở thành vị nữ thần chung. Quá trình thích ứng độc đáo này diễn ra trong nhiều thế kỷ mở cõi, thiển nghĩ nếu không có lý sự, không có yếu tố “hay cãi” góp phần, thì làm gì tạo ra được sự giao lưu, tiếp biến văn hóa độc đáo này.

Theo các nhà nghiên cứu, có ba dạng cãi, là biết mới cãi, cãi hoài nghi và cãi hàm hồ.

Biết mới cãi

Trong xã hội, kẻ sĩ có vai trò và vị trí quan trọng. Tiếng nói của họ được công chúng nghe theo và ủng hộ. Phần lớn họ là những người có trình độ, có học vị khoa bảng, có uy tín trong làng xã. Tiêu biểu cho hàng khoa bảng, thấy chuyện bất bình có người dám cãi lại cả vua như phó bảng Hồ Hằng Tánh. Ông người làng Phú Mỹ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc. Làm quan đến chức Lang trung Bộ Lễ, do tính tình khẳng khái, cương trực đã dám can gián vua Tự Đức trong việc phế trưởng lập thứ nên ông đã bị phế truất phẩm hàm, cho về nguyên quán. Nhưng với cốt cách thanh cao của kẻ sĩ, ông tiếp tục mở trường dạy học và học trò nhiều người đỗ đạt cao ra làm quan, có lòng yêu nước thương dân. Người thứ hai phải kể đến cử nhân Hồ Lệ. Ông là học trò tiêu biểu của Hồ Hằng Tánh. Sau khi thi đỗ cử nhân, ông kinh qua nhiều chức vụ tại kinh đô Huế và ở nhiều địa phương, là người luôn biết giữ mình, có một cuộc sống thanh liêm, cương trực. Năm 1893, ông được phong chức Tổng đốc Nghệ An - Hà Tĩnh. Do bất bình với Nguyễn Thân - Cần chánh Lãnh binh Bộ Thượng thư, người sau này trở thành kẻ ôm chân giặc Pháp, chuyên đem quân đi khủng bố đàn áp các phong trào yêu nước - cụ Hồ Lệ đã từng cự cãi với ông ta, bất cần quan tước, xin về quê với lý do dưỡng bệnh. Theo gương thầy mở trường dạy học và học trò của ông nhiều người đỗ đạt, nổi tiếng trong cả nước như Phạm Liệu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…

Bên cạnh những bậc khoa bảng đỗ đạt ra làm quan, dạng biết mới cãi còn có thành phần thầy đồ, thầy cãi, học trò có uy tín trong làng, xã. Bằng tài văn chương, chữ nghĩa, uy tín, đức độ của mình, mỗi người một cách thể hiện độc đáo tính cách cãi, nhưng đều giống nhau ở chỗ tấm lòng cương trực, thẳng thắn phê phán những thói hư tật xấu của xã hội, đặc biệt là bọn quan lại, cường hào hại nước, hại dân. Ngọn lửa phong trào chống sưu thuế ở Đại Lộc - Quảng Nam đã bùng lên và lan nhanh khắp các tỉnh Trung kỳ vào năm 1908 là một chứng cứ về tính cách hay cãi của con người xứ Quảng.

Cãi hoài nghi và cãi hàm hồ

Hoài nghi cũng cãi mà hàm hồ cũng cãi. Mỗi người hiểu một kiểu rồi nổi gân cổ lên cãi để bảo vệ cái mà mình cho là đúng. Xoay quanh nội dung này, trong đời sống thường nhật có biết bao nhiêu chuyện cãi vô cùng lý thú, nó thể hiện tính cách bộc trực, thẳng thắn của người Quảng từ xưa đến giờ, những câu chuyện trên đã làm giàu thêm đời sống tinh thần trong cộng đồng.

Ai cũng không nín cười được khi nghe kể câu chuyện vui rằng, có một nhóm cán bộ của một cơ quan đi công tác xa vào miền nam. Khi bắt đầu lên xe, vài ba câu chuyện phiếm là… cãi. Cãi quá đến nỗi anh trưởng đoàn mới ra một “quyết nghị”, rằng không được cãi nữa, nếu ai cãi thì phải trả tiền cơm trưa cho cả nhóm. Xe chạy thêm một đoạn, đến khúc đường vắng tài xế dừng lại cho mọi người xuống nghỉ giải lao. Biết trong nhóm một anh có “máu lý sự”, từ lúc cấm cãi anh ta uất ức, khó chịu lắm, thế là một người nhìn mấy vạt cỏ voi người ta trồng bên đường (cỏ trồng để chăn nuôi), lên tiếng: “Chà, ở đây mía trồng nhiều như ri mà chẳng thấy nhà máy ép đường đâu hỉ?”. Bắt trúng chỗ ngứa, anh chàng có “máu lý sự” chụp liền: “Ông nói nghe lạ chưa? Cây ni mà ông gọi là cây mía hử? Cỏ voi mà nói mía, lạt nhách!”. Tất nhiên, anh chàng lý sự nọ phải chịu tiền cơm trưa cho cả nhóm.

Hay cãi là một đức tính tốt, nó thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh… trước cuộc sống, để bảo vệ lẽ phải. Cho dẫu như vậy, ta vẫn thường nghe những câu nói cửa miệng: “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”… Muốn làm được điều đó, xin những người hay cãi phải tự cãi với chính mình trước.

NGUYỄN HẢI TRIỀU

NGUYỄN HẢI TRIỀU