Tạo thế và lực phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2018, phát huy những thành tựu đã đạt được, huyện Thăng Bình huy động đồng bộ các nguồn lực để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện Thăng Bình thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp. Ảnh: N.Q.V |
Những điểm nhấn
Kết thúc năm 2017, kinh tế huyện Thăng Bình tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Đối chiếu với nghị quyết của Huyện ủy Thăng Bình, năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 14,2% (tăng 3,2%). Có được thành quả đó là nhờ huyện ủy đã cụ thể hóa các chủ trương của đảng bộ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chỉ đạo các ngành, 22 xã, thị trấn tập trung huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, nông thôn... Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo đúng định hướng, giá trị nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ tương ứng là 20,9% - 32,6% - 46,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 2.681 tỷ đồng, tăng 14,1%, giá trị thương mại - dịch vụ đạt 3.865 tỷ đồng, tăng 20,3%.
Năm qua, huyện Thăng Bình thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, huyện đã thực hiện tốt kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tập trung nguồn vốn nhà nước cho các dự án, công trình hạ tầng trọng điểm. Các công trình trong danh mục đầu tư xây dựng năm qua đều được tổ chức triển khai thực hiện. Tổng chi đầu tư phát triển là 295,972 tỷ đồng. Địa phương đã triển khai thực hiện 7 tuyến đường ĐH với chiều dài 9,8km, thực hiện 22,76km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí là 16,538 tỷ đồng. Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư để xây dựng thị trấn Hà Lam đạt chuẩn đô thị loại IV, xã Bình Minh đạt đô thị loại V vào năm 2020. UBND huyện chú trọng quản lý, triển khai các quy hoạch được phê duyệt.
Về cải thiện môi trường đầu tư, huyện Thăng Bình tiếp tục triển khai kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Huyện triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để phát triển công nghiệp đồng thời tiếp tục vận dụng các cơ chế, chính sách, các lợi thế về đất đai để thu hút các nhà đầu tư. Trên địa bàn huyện hiện có 12 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các cụm công nghiệp, giải quyết được gần 4.400 lao động. UBND huyện đã làm việc với 9 nhà đầu tư trong năm qua, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Đối với phát triển nguồn nhân lực, huyện triển khai thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. UBND huyện đã tổ chức hội nghị tư vấn việc làm, gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động năm qua cho 1.355 thanh niên, người lao động tại 22 xã, thị trấn.
Đồng bộ các giải pháp
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, năm 2018 huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá; triển khai hiệu quả xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; tập trung xây dựng đô thị văn minh; bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Để tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, huyện phát huy lợi thế về đất đai, nguồn lực lao động, cơ chế chính sách để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến tại các cụm công nghiệp. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, giá trị sản phẩm công nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Địa phương tập trung quảng bá và phát triển đa dạng các loại hình du lịch, dịch vụ, phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Theo đó, sẽ xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên sông Trường Giang, tạo ra các sản phẩm du lịch mang thương hiệu của địa phương đồng thời liên kết bền vững với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các địa phương khác.
Đầu tư xây dựng hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm của Thăng Bình. Huyện tập trung phát triển mạng lưới giao thông, các công trình trọng điểm, chiến lược. Theo đó, huy động tối đa các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã có kế hoạch vốn; hoàn chỉnh các tuyến giao thông huyện, xã đảm bảo khớp nối với các tuyến ĐT, quốc lộ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phục vụ nhu cầu dân sinh. Huyện nỗ lực hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thi công tuyến giao thông quốc lộ 1 ở nút giao thông Cây Cốc đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và nút giao thông này đến đường bộ ven biển 129. Cải thiện môi trường đầu tư để thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp sẽ được tăng cường. Cùng với đó là áp dụng các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong năm mới.
NGUYỄN QUANG VIỆT