Cứu hộ chim yến trên đảo Cù Lao Chàm
TP.Hội An đang nỗ lực cứu hộ chim yến sinh sống trên đảo Cù Lao Chàm nhằm cải thiện tình trạng sụt giảm nghiêm trọng nguồn lợi yến sào được mệnh danh là “vàng trắng” của xứ Quảng.
Một góc hang Mũi Dứa Cù Lao Chàm. |
Nỗ lực nghiên cứu
Có gần 10 năm bám đảo Cù Lao Chàm để nghiên cứu về đàn chim yến tự nhiên, nghiên cứu sinh Võ Tấn Phong của Đội Quản lý và khai thác yến Hội An không khỏi lo lắng khi thấy sản lượng yến sào tại đây ngày càng sụt giảm. Anh cho biết, qua nghiên cứu trực tiếp và so sánh, chim yến tổ trắng cùng loài tại các vùng đảo có vĩ độ khác nhau thì kích thước và khối lượng có sự khác nhau. Cụ thể, chim yến đảo từ Khánh Hòa ở vĩ độ 120 trở xuống Malaysia ở vĩ độ 80 ít có sự sai khác về kích thước và khối lượng, chiều dài cánh từ 119,3 - 120,0mm, chiều dài đuôi từ 50,3 - 50,7mm, khối lượng từ 13,2 - 13,5g. Trong khi đó, chim yến tổ trắng vùng đảo Cù Lao Chàm ở vĩ độ 160 có kích thước và khối lượng lớn hơn hẳn chim yến tổ trắng các khu vực còn lại với dài cánh 122,9mm, dài đuôi 53,8mm và khối lượng 14,4g. Tuy nhiên, sau năm 2009, năm khai thác đạt cao nhất với hơn 1,3 tấn, sản lượng tổ giảm dần. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, sản lượng tổ liên tục giảm, chỉ còn hơn 750kg trong năm 2017. Nghiên cứu sinh Võ Tấn Phong nói: “Có nhiều nguyên nhân nhưng theo khảo sát thì nguyên nhân chính là nơi làm tổ không đảm bảo và điều kiện thức ăn ngày càng khan hiếm, tỷ lệ chim con rời tổ thành công rất thấp. Chính vì vậy chúng tôi chọn giải pháp cứu hộ là giải pháp căn cơ”.
Mỗi mùa khai thác yến tại Cù Lao Chàm đều ảnh hưởng đến trứng và chim yến non.. Ảnh: Q.H |
Mỗi năm, yến sào tại đảo Cù Lao Chàm được khai thác 2 vụ. Vụ 1 khai thác từ ngày 15 đến ngày 30.4, thu hoạch tổ và bỏ trứng, vụ 2 khai thác từ ngày 15 đến ngày 30.8, thời điểm chim con đã rời khỏi tổ. Trong quá trình chim mẹ ấp trứng và chăm sóc chim con ở vụ 2, do nhiều yếu tố tác động, một số tổ bị rơi rụng và chim non bị rơi ra khỏi tổ. Chim yến con rơi ra gần như không có cơ hội sống sót, hiện tượng này có xu hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại những hang có mật độ tổ cao. “Trong quá trình chim yến nuôi con ở vụ 2 thì số chim con rơi khỏi tổ khá nhiều, trên vài nghìn con. Đây là một trong những nguyên nhân làm suy giảm đàn yến của Cù Lao Chàm. Xuất phát từ tình hình đó, chúng tôi cùng một số nhà khoa học trên địa bàn xúc tiến một đề tài nghiên cứu và đề xuất giải pháp để cứu hộ chim non rơi khỏi tổ. Hy vọng đề tài sẽ xây dựng được mô hình cứu hộ chim non” - kỹ sư Huỳnh Ty, Đội phó Đội Quản lý và khai thác yến Hội An chia sẻ.
Giải pháp cứu hộ
Kỹ sư Huỳnh Ty cho biết thêm, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong thời gian 2 năm, từ nay đến năm 2019 là “Kỹ thuật xây dựng nhà nuôi và nhà tập bay để cứu hộ chim yến đảo Cù lao Chàm” với mục đích cứu hộ các chim non bị rơi khỏi tổ, giúp chúng tiếp tục phát triển để bay theo đàn, tăng tỷ lệ chim non tái đàn mỗi năm. Qua khảo sát tất cả vị trí tại 10 hang yến ở đảo Cù Lao Chàm, Đội Quản lý và khai thác yến Hội An đã chọn hang Mũi Dứa, một hang mới cải tạo để dẫn dụ chim yến nằm bên cạnh hang Cả để xây dựng khu cứu hộ. Nhà nuôi được xây gạch, tường dày 20cm, nền láng xi măng; trụ bê tông cốt thép, sàn bê tông cốt thép dày 12cm, trên sàn là hồ chứa nước ngọt với mực nước từ 40 đến 50cm. Trong nhà lắp đặt hệ thống nuôi côn trùng, nguồn cung cấp thức ăn cho chim. Sau khi chim được cứu hộ, vào giai đoạn chim chuyền, chim tự chuyển qua giai đoạn tập bay, đồng thời bổ sung thêm một số thức ăn để tập cho chim tự bắt mồi trong tự nhiên.
PGS-TS. Đinh Thị Phương Anh (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, nhà thực nghiệm cứu hộ chim yến non nên ở vị trí một trong các đảo có chim yến làm tổ, gần hang có mật độ tổ yến cao và được xây dựng theo kiểu bán hoang dã, gần các đảo có phủ kiểu thảm cây bụi và trảng cỏ, có hệ côn trùng phong phú, đặc biệt là phải gần nguồn nước ngầm, có hệ nước mặt tự nhiên hoặc nhân tạo. Yến rất nhạy cảm với mùi lạ, âm thanh lạ, độ ẩm và nhiệt độ thay đổi. Do đó, môi trường bên trong quyết định 50% sự thành công của nhà yến; nên cứu hộ trứng và chim non ở vụ 1, cứu hộ tối đa số lượng cá thể chim non khỏe mạnh ở vụ 2; nhà tập bay nên liên thông với nhà nuôi. Cả nhà cứu hộ và tập bay của chim yến non phải tạo môi trường an toàn cho chim bằng cách tiêu diệt địch hại và tránh những loài vật có hại như chuột, dơi, rắn, nhện, ong, kiến…
Biện pháp kỹ thuật
“Để cứu hộ, việc đầu tiên là phải xây dựng quy trình cứu hộ chim yến non rồi quy trình tập bay để tái nhập vào đàn cho chúng. Để có cơ sở, phải xây dựng nhà thực nghiệm để đánh giá hiệu quả của quy trình. Theo tôi, mô hình thực nghiệm càng gần với tự nhiên càng tốt và phải đảm bảo các điều kiện cung cấp nguồn thức ăn và nguồn nước cho chim yến. Sau này sẽ có nhiều giải pháp kỹ thuật khác nhưng để nhanh chóng phục hồi đàn yến thì đó là giải pháp đầu tiên”. (PGS-TS. Đinh Thị Phương Anh - Đại học Đà Nẵng) |
Trên cơ sở mô hình cứu hộ đã triển khai tại Khánh Hòa, kỹ sư Nguyễn Xuân Viễn - Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, công ty hiện quản lý 33 đảo yến với 173 hang và từng bước nghiên cứu hoàn thiện quy trình cứu hộ chim yến ở các đảo trong toàn tỉnh. Trong quá trình nuôi chim cần phải thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe, màu sắc chim con. Đặc biệt phải quan sát phân chim để đánh giá tình trạng sức khỏe chim nuôi. Lưu ý là khi chim khỏe, phân chim có hai khổ màu trắng đen; chim yếu, phân có nước, có mùi tanh, chim có triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Đối với những con này phải tách biệt sang chuồng riêng biệt, tránh lây nhiễm những con khỏe và được chăm sóc riêng. Kỹ sư Nguyễn Xuân Viễn nêu kinh nghiệm: “Thức ăn luôn đảm bảo tươi, sạch và được bảo quản nơi thoáng mát, giai đoạn chim dưới 30 ngày tuổi khi cho ăn phải được cắt nhỏ, phù hợp với cỡ miệng chim. Thao tác cho ăn phải cẩn thận, tránh không để thức ăn dính miệng. Ngoài ra phải luôn đề cao phòng chống địch hại để đảm bảo đàn chim nuôi, kết hợp khi cho ăn tiến hành cho chim uống nước 2 - 3 lần/ngày”.
PGS-TS. Trương Xuân Lam - Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cho biết, nguồn thức ăn cho chim yến là vấn đề rất quan trọng. Ở đâu có cây cối, rác rưởi, phế thải nông - lâm nghiệp, có côn trùng là có thức ăn cho chim yến. Thường các côn trùng này bị cuốn và bay theo các luồng gió, luồng không khí và chim yến lợi dụng việc này để thu bắt con mồi. PGS-TS. Trương Xuân Lam cho biết: “Qua nghiên cứu đã xác định được 21 loài có trong dạ dày chim yến, các loài sâu hại 11 loài và 10 loài sâu trên cây trồng”. Còn PGS-TS.Nguyễn Lân Hùng Sơn (Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thì đề nghị, Hội An cần chủ động phối hợp với các đơn vị nghiên cứu và sản xuất để hợp tác phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh tạo nguồn thức ăn nhân tạo cho nuôi chim yến, cần chú trọng quy hoạch vùng kiếm ăn tự nhiên của chim ở các vùng ven bờ thuộc Quảng Nam và Đà Nẵng. “Việt Nam đã xây dựng các mô hình cứu hộ trên đất liền, gắn liền giữa các nhà yến với hệ thống cứu hộ, nhân nuôi, tập bay cho chim yến và Công ty Yến sào Khánh Hòa đã hoàn chỉnh mô hình này. Nhưng trên đảo và làm trực tiếp trên điều kiện bán hoang dã thì Việt Nam chưa có. Nếu chúng ta hoàn thiện được mô hình thì không chỉ có ý nghĩa riêng với Cù Lao Chàm - Hội An mà nó sẽ tạo ra một mô hình để áp dụng trên toàn bộ hệ thống đảo duyên hải, dọc bờ biển. Đấy là cái mà chúng tôi rất kỳ vọng mặc dù điều kiện nghiên cứu trên đảo đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn và khắc phục rất nhiều khó khăn, kể cả kinh phí lẫn nguồn nhân lực” - PGS-TS.Nguyễn Lân Hùng Sơn nói.
Hy vọng, giải pháp cứu hộ chim non để tái hòa nhập đàn này sẽ sớm được áp dụng vào thực tế, góp phần tăng số lượng đàn yến trắng tự nhiên, từ đó nâng cao sản lượng tổ, tăng nguồn lợi từ yến sào Cù Lao Chàm - Hội An.
QUỐC HẢI