Tiêm chủng vắc xin 2018: Đủ và toàn diện

NGUYỄN DƯƠNG 04/01/2018 14:17

Quảng Nam đã chuẩn bị vắc xin đầy đủ đáp ứng quy định mới của Bộ Y tế về danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, có hiệu lực từ 1.1.2018.

Đối với các huyện miền núi, người dân cần chủ động đưa trẻ em trong độ tuổi đến cơ sở y tế để được tiêm phòng theo đúng quy định. Ảnh: N.D
Đối với các huyện miền núi, người dân cần chủ động đưa trẻ em trong độ tuổi đến cơ sở y tế để được tiêm phòng theo đúng quy định. Ảnh: N.D

Đảm bảo đầy đủ vắc xin

Theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, bệnh truyền nhiễm và vắc xin tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi gồm 10 bệnh: viêm gan vi rút B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae thể B, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella. Trong đó, có 2 vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho các bé sơ sinh (viêm gan vi rút B sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao tiêm 1 lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh). Ngoài ra, thông tư này cũng quy định tiêm chủng bắt buộc 8 bệnh truyền nhiễm với những người ở vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch, gồm: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản, bệnh dại. So với quy định cũ, các vắc xin này đã giảm 13 loại không còn trong danh mục tiêm bắt buộc. Giải thích về điều này, ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tùy theo từng trường hợp cụ thể của mỗi địa phương, đối với những bệnh có thể gây ra dịch trước đây thì phải tiêm chủng đầy đủ (ngoài 10 vắc xin bắt buộc). “Ví dụ như nếu phát hiện một trường hợp bị bại liệt ở trẻ sơ sinh do vi rút gây ra thì buộc phải tiêm phòng trên diện rộng. Bởi dù một trường hợp nhưng đây vẫn là một ổ dịch. Vì vậy, cần phải tiến hành tiêm phòng ngay. Còn ví dụ ở Quảng Nam, với các bệnh thương hàn, bệnh tả thì không tiến hành triển khai tiêm phòng do tình trạng của bệnh đã được kiểm soát” - ông Hoàn cho biết.

Cũng theo ông Hoàn, tiêm phòng không phải chỉ ở trẻ em mà còn cả ở người lớn đối với những bệnh có thể lây lan trên diện rộng như: bạch hầu, sởi - rubella... “Thông thường, mỗi mũi vắc xin có hiệu lực chừng 5 năm trở lại, qua thời gian này vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, nếu có điều kiện cần tiêm nhắc lại để phòng chống bệnh tốt hơn. Không có chuyện một mũi tiêm có thể phòng chống bệnh cả đời được” - ông Hoàn thông tin thêm. Đối với các loại vắc xin chuẩn bị cho đợt tiêm mới trong năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ, đều đặn theo từng quý, nhằm đảm bảo liều lượng cung cấp cho nhu cầu tiêm chủng của trẻ trong năm mới.

Chú trọng cho miền núi

“Hiện nay, có nhiều nơi ở miền núi còn là vùng lõm tiêm chủng nên trong thời gian tới, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân kết hợp với tổ chức các đợt tiêm chủng mở rộng, bổ sung để đảm bảo quyền lợi của người dân và trẻ em nơi đây”.
(Ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong năm 2017 toàn tỉnh đã có 95,3% trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng với danh mục bắt buộc. Nhiều nơi vẫn chưa đạt được số lượng tiêm phòng đầy đủ do ở nhiều miền núi, dân cư không tập trung nên khó khăn trong việc tổ chức tiêm chủng tập trung. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh sẽ phối hợp với cơ sở y tế địa phương tổ chức tiêm phòng trên diện rộng, đảm bảo đầy đủ cho những trẻ em còn thiếu. “Nhất là đối với bệnh dịch bạch hầu ở các địa phương miền núi như: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang... tiến hành tiêm phòng cho cả người lớn để tránh việc dịch bệnh có thể bùng phát” - ông Hoàn cho hay.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, sau khi xảy ra dịch bạch hầu làm cho 4 người chết ở địa phương, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các cơ sở địa phương tiến hành tiêm phòng vắc xin bạch hầu 100% cho người dân trên toàn huyện. “Đối với tiêm chủng bắt buộc trẻ em 1 - 5 tuổi toàn huyện đạt hơn 98% số trẻ được tiêm phòng đúng theo quy định. Hàng tháng, tại các trạm y tế xã đều tổ chức tiêm phòng định kỳ cho trẻ em trong độ tuổi. Còn đối với những điểm thôn rải rác chúng tôi phải lên tận nơi để tiến hành tiêm phòng theo đúng quy định” - bác sĩ Thông cho biết.
Còn đối với huyện Nam Trà My, sau khi bùng phát dịch bạch hầu ở xã Trà Vân, các cơ sở y tế đã tiến hành tiêm vắc xin bạch hầu cho người dân ở trong vùng dịch đợt 1 đạt 85%. Hiện nay huyện tiếp tục triển khai đợt 2, tiến hành tiêm mũi 2 và tiêm mũi đầu tiên cho những người chưa tiêm đợt 1 khoảng hơn 90%. “Đối với chương trình tiêm chủng cho trẻ em, chúng tôi đạt hơn 95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng. Người dân hiện nay hầu hết đã ý thức được sự nguy hiểm của các căn bệnh nên chủ động tới cơ sở y tế để tiêm phòng cho các cháu” - bác sĩ Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My thông tin.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG