Lạc nội mạc tử cung: Bệnh khó cho phụ nữ lẫn thầy thuốc
Bệnh lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là một tình trạng có những mảnh mô tương tự nội mạc tử cung xuất hiện ở những vị trí khác nhau bên ngoài tử cung. Tỷ lệ mắc bệnh thường là 5 - 10% ở phụ nữ độ tuổi hoạt động sinh sản (25 - 35 tuổi) và 50% liên quan đến phụ nữ hiếm muộn, vô sinh.
Bệnh này có thể phát hiện ở buồng trứng, bàng quang, ruột, và trong một số trường hợp, có thể xuất hiện ở khắp vùng chậu và một số cơ quan khác. Bệnh LNMTC gây đau vùng chậu triền miên và dai dẳng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Tùy theo vị trí của mô LNMTC, có thể gây ra sự kết dính, chảy máu hoặc tắc nghẽn đường ruột, rối loạn chức năng của bàng quang làm cho người bệnh đi khám và được chẩn đoán viêm đại tràng hay nhiễm trùng tiết niệu. Các triệu chứng có thể trầm trọng hơn theo thời gian, đau vùng chậu mạn tính, kéo dài và hiếm muộn, khối u phần phụ, rối loạn kinh nguyệt, là triệu chứng thường gặp của LNMTC.
Chẩn đoán LNMTC dựa vào hỏi bệnh sử và thăm khám có thể phát hiện khối u buồng trứng, đôi khi chỉ thấy nề cứng hoặc dày lên của thành chậu. Siêu âm có thể phát hiện khối echo kém một hoặc hai bên buồng trứng. Đôi khi cần chụp MRI để chẩn đoán các LNMTC sâu. Một số trường hợp có chỉ định soi bàng quang, đại tràng để loại trừ các tổn thương khi có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa hay tiết niệu. Nội soi từng được xem là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán LNMTC nhưng hiện nay không còn là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Hiệp hội Y học sinh sản Hoa Kỳ 2014 khuyến cáo mức độ và đặc điểm đau không liên quan đến độ nặng của bệnh, khám vùng chậu không đánh giá hết tổn thương LNMTC, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X quang, siêu âm, MRI không cải thiện việc đánh giá chính xác. Phẫu thuật là phương pháp chẩn đoán chính xác và phải có bằng chứng mô học. Nội soi ổ bụng trước khi chẩn đoán và điều trị nội khoa là lý tưởng.
Việc điều trị LNMTC phải cá thể hóa trên từng bệnh nhân. Có thể điều trị nội khoa, ngoại khoa hoặc phối hợp nội ngoại khoa tùy lứa tuổi, mong con hay đủ con, hay tái phát. Mục tiêu của điều trị nội khoa là làm giảm đau, đảm bảo hiệu quả, an toàn sử dụng cho đến khi mãn kinh hoặc đến khi mang thai như mong đợi. Vì bệnh LNMTC là bệnh về nội tiết tố và hệ miễn dịch, nên ngoài thuốc ra còn có những điều khác giúp cơ thể phụ nữ bị bệnh đạt được trạng thái thăng bằng như thay đổi chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều rau cải tươi hơn và nhiều trái cây cũng như các vitamin và giảm bớt lượng cafein. Việc luyện tập thể dục và dành thêm thời gian nghỉ ngơi có thể giảm bớt các tác động phụ của thuốc và tăng khả năng hồi phục nhiều hơn.
Điều trị ngoại khoa vừa giúp chẩn đoán vừa đánh giá mức độ tổn thương của LNMTC và giải quyết các mục tiêu giảm đau, giảm tái phát và tăng tỷ lệ có thai. Qua phẫu thuật, có thể đánh giá độ nặng của LNMTC, tiên lượng khả năng có thai, chỉ định hỗ trợ sinh sản khi cần thiết, tránh những lãng phí về thời gian và tốn kém trước khi bệnh nhân hết khả năng có thai. LNMTC là một phẫu thuật khó khăn vì các tổn thương thâm nhiễm xung quanh, do đó cần phải thực hiên bởi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Ngoài việc tổn thương các cơ quan lân cận, việc can thiệp ngoại khoa nhiều lần có thể làm giảm dự trữ buồng trứng, ảnh hưởng đến hoạt động nội tiết và khả năng sinh sản của người phụ nữ.
BS. NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH
(Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam)