Cửa ngõ hàng hóa
Nằm trên tuyến sông Trường Giang sát với cửa biển, 2 cảng Kỳ Hà và Chu Lai (còn tên gọi khác là cảng Tam Hiệp) được xem là cửa ngõ hàng hóa của Quảng Nam xuất đi thị trường trong nước và quốc tế. Cái không khí trên bến dưới tàu vào thời điểm cuối năm của hai “cửa ngõ” này giờ đây đã trái ngược nhau, như nốt nhạc trầm bổng của mặt sông khi những con tàu đến và rời cảng…
Ngày cuối năm, cảng Chu Lai luôn bận rộn với nhiều tàu chở hàng. Ảnh: H.PHÚC |
1. Nghĩ rằng, cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành) nằm sát cửa biển sẽ tấp nập tàu ra vào dịp cuối năm như trước đây, nên tôi chạy thẳng ra vị trí cầu cảng. Không ngờ trước mắt là khung cảnh vắng vẻ, chỉ lưa thưa vài con tàu nhỏ chở hàng dăm gỗ, xi măng, bột sắn neo đậu. Dưới sông, nhiều con tàu chở hàng hóa từ biển chầm chậm “ngó lơ” cảng Kỳ Hà tiến vào phía cảng Chu Lai (xã Tam Hiệp, Núi Thành) và từ luồng hàng hải của cảng này dễ dàng bắt gặp hình ảnh tàu thuyền nối đuôi nhau rời sông ra biển. Tôi ngồi chặp lâu trên cầu cảng Kỳ Hà, nhìn các con tàu lướt về phía sóng. Hàng sào rớ của ngư dân chao đảo trước các đợt sóng nước dội vào.
Hơn 10 năm gắn bó với cảng Kỳ Hà, ông Đinh Văn Phấn (quê ở xã Tam Xuân 1, Núi Thành) từng chứng kiến quá trình phát triển thăng trầm của đơn vị. Theo ông Phấn, thời ăn nên làm ra của đơn vị là hơn 10 năm về trước, khi chưa có sự ra đời của cảng Chu Lai (xây dựng năm 2010). Đối tác thường xuyên của cảng Kỳ Hà là tàu lớn chuyên chở các linh kiện máy móc của nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phục vụ nội địa và xuất khẩu ở các Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Tam Hiệp. “Thời đó cơ chế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, nhưng đến nay đã chuyển qua đơn vị sự nghiệp thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. Tàu vận tải về cảng dịp cuối năm ít ỏi, do chủ yếu cập cảng Chu Lai của Trường Hải. Lúc trước tôi chỉ làm công việc kiểm đếm hàng hóa, kế toán cho công ty, còn giờ quản lý phòng sai đâu làm đó” - ông Phấn cho biết.
Tàu chở hàng Hàn Quốc công suất cập cảng Chu Lai (xã Tam Hiệp, Núi Thành) vào sáng 14.12. |
Chiều cuối năm. Cầu cảng Kỳ Hà chỉ có 3 con tàu nội địa mang số hiệu ở TP.Hải Phòng chở hàng xi măng, bột sắn neo đậu. Tuy nhiên, do trời mưa dầm dề mấy ngày liền không thể bốc xếp hàng hóa lên bờ khiến kho bãi đìu hiu. Trung tâm Phát triển hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (đơn vị quản lý cảng Kỳ Hà) cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2017 là 250 nghìn tấn với khoảng 170 lượt tàu, doanh thu ước 11 tỷ đồng. Tôi nhớ, thời ông Trương Văn Cận làm Giám đốc cảng Kỳ Hà (sau này ông Cận làm Giám đốc Sở GT-VT, đã nghỉ hưu), vào dịp cuối năm hay xuất quân đầu năm mới đều ráo riết điện thoại cánh nhà báo đến ghi hình, phản ánh sự nhộn nhịp của đất cảng. Con đường tỉnh lộ 611 từ thị trấn Núi Thành về xã Tam Quang một thời xe tải chở hàng nối đuôi nhau chật cứng. Đó là thời cảng Kỳ Hà liên tục nhận các đơn vận chuyển mặt hàng dăm gỗ, xi măng, bột sắn đưa từ tỉnh Quảng Ngãi ra, đặc biệt là các tàu chở linh kiện máy móc phục vụ cho nhà máy lắp ráp ô tô Trường Hải. Nhưng 4 năm nay, cảng Kỳ Hà hoạt động cầm chừng. Đã có đề xuất nhằm thay đổi công năng hoạt động của cảng này. Hồi đầu năm, ngành du lịch kiến nghị chính quyền tỉnh thống nhất chủ trương cho đón khách tại cảng Kỳ Hà để phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, một phần cảng Kỳ Hà sử dụng nhằm kết nối tuyến du lịch Đà Nẵng - Kỳ Hà và các tuyến du lịch Cửa Đại, Cù Lao Chàm - xã đảo Tam Hải do cảng Kỳ Hà có lợi thế đón khách hơn so với cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Doanh nghiệp lữ hành mong muốn khai thác thêm tuyến du lịch tàu biển. Ngành du lịch kỳ vọng sẽ khai thác tour du lịch vệt ven biển còn “ngủ quên” thời gian dài ở phía nam. Tuy nhiên, đề xuất của ngành du lịch, trong đó có sử dụng nguồn ngân sách để nâng cấp, mở rộng cầu cảng cho đến nay vẫn chưa triển khai.
2. Trước khi đổ ra biển lớn, sông Trường Giang đoạn qua các xã Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Quang (Núi Thành) dùng dằng dòng chảy theo các chiều hướng đối nghịch. Thế nhưng, qua thời gian con người đã làm thay đổi đời sông bằng cách nạo vét luồng lạch, biến nông thành sâu và xây dựng hạ tầng hiện đại để nơi đây trở thành thương cảng tấp nập tàu thuyền vận tải hàng hóa. Hoàn toàn khác với cảng Kỳ Hà, ngày mới ở cảng Chu Lai (xã Tam Hiệp) tất bật không khí lao động. Cầu cảng quá tải, nên doanh nghiệp chỉ ưu tiên cho tàu nước ngoài, tàu tải trọng lớn neo đậu. Con tàu có trọng tải 20 nghìn tấn từ Hàn Quốc dài hơn 100m chất đầy khoang vận chuyển container. Vừa làm xong công việc lai dắt con tàu này vào cảng, lập tức công nhân Lê Hùng Bá được tăng cường kiểm đếm, ghi chép nhật ký hàng hóa. Ông Bá bảo, trước đây mình là thủy thủ của tàu Trường Hải Star, chủ yếu lấy hàng từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc nhập khẩu về nước. Có chút kinh nghiệm với nghề thủy thủ nên được đơn vị phân công lai dắt các con tàu lớn ra vào cảng. Luồng lạch nào dưới nước nông sâu, ông Bá đều nắm rõ. “Ngày cuối năm, công nhân bốc xếp hợp đồng với công ty, nhân viên kiểm đếm hàng hóa còn làm ca đêm. Ngày cao điểm có ít nhất 15 con tàu vận tải trong và ngoài nước cập bến. Do cầu cảng quá tải nên tàu nằm san sát chờ đến phiên bốc xếp hàng lên bờ” - ông Bá nói.
Kho bãi cảng Chu Lai có diện tích 10ha được xếp đầy container. Hệ thống cẩu container ngày nào cũng hoạt động hết công suất. Xe cẩu, xe tải trung chuyển hàng hóa lũ lượt ra vào kho bãi. Mỗi ngày doanh nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Có thời điểm phải hợp đồng thời vụ với người lao động bên ngoài. Từ năm 2016, khi Thaco mở rộng, nâng cấp cầu cảng, nạo vét luồng lạch sâu hơn, có thể tiếp nhận tàu 20 nghìn tấn, thì nơi đây đã trở thành vùng đất hội thủy, tấp nập tàu thuyền ngược xuôi. Hạ tầng cảng được đầu tư khá hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, kèm theo đó đa dạng các dịch vụ cầu bến, xếp dỡ hàng hóa, kiểm đếm, đóng gói, lưu kho; dịch vụ lai dắt, cứu hộ; giao nhận vận tải và đại lý tàu biển. Năm 2017, cảng Chu Lai giảm 10% cho chi phí vận tải, ít nhiều tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các cảng trong khu vực. Cầu cảng Chu Lai với độ sâu trước bến 9m, tiếp nhận tàu 20 nghìn tấn. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 2 triệu tấn, tăng 33% so với năm 2016 (1,5 triệu tấn), tăng 82% so với năm 2015 (1,1 triệu tấn). Dự kiến năm 2018 đạt 2,5 triệu tấn và 4 triệu tấn vào năm 2020.
Ông Trần Hữu Hoàng - Giám đốc Thaco Logistics kiêm Giám đốc cảng Chu Lai cho biết, năm 2016 doanh nghiệp nằm trong top câu lạc bộ có doanh thu 1.000 tỷ đồng và năm 2017 con số sẽ bằng hoặc cao hơn. Muốn hiện thực hóa cảng Chu Lai thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chính quyền tỉnh cần hỗ trợ nạo vét tuyến luồng đến độ sâu 10,7m để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 30 nghìn tấn vào năm 2019 và tiếp tục nạo vét đến độ sâu 12m để đón tàu có trọng tải 40 nghìn tấn sau năm 2020. “Đất cảng Tam Hiệp đã “lỡ hẹn” với nhiều chuyến tàu chở hàng trên 40 nghìn tấn, do năng lực hạn chế của luồng lạch chứ không phải hạ tầng cầu cảng. Thực tế có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài thông qua cảng nước sâu Dung Quất hoặc cảng Đà Nẵng, bởi phép tính đơn giản chở hàng nhiều thì sẽ giảm được chi phí vận chuyển” - ông Hoàng trăn trở.
Một ngày trên đất cảng Kỳ Hà và Tam Hiệp, đan xen nhiều cảm xúc!
Ghi chép của HỮU PHÚC