Sức sống mới nơi làng cũ

ĐĂNG NGUYÊN 01/01/2018 11:15

Tròn 15 năm sau ngày thành lập, Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ nay đã được đổi thành thôn văn hóa A Bông (thuộc xã Ma Cooih, huyện Đông Giang), với một diện mạo mới. Câu chuyện về làng cũ, với họ đã trở thành quá khứ, chỉ như một “cột mốc” đưa những con người từ nhiều vùng quê khác nhau đến lập nghiệp, bám trụ cho đến bây giờ.

Đời sống của người dân ở làng A Bông nay đã có bước phát triển mới nhờ trồng keo, ớt ariêu và chuối.  TRONG ẢNH: Người làng A Bông đưa cây keo lên xe tải, chuẩn bị vận chuyển về xuôi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đời sống của người dân ở làng A Bông nay đã có bước phát triển mới nhờ trồng keo, ớt ariêu và chuối. TRONG ẢNH: Người làng A Bông đưa cây keo lên xe tải, chuẩn bị vận chuyển về xuôi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Từ đường Hồ Chí Minh nhìn về phía chân núi, nơi Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ được hình thành, chúng tôi thật khó để nhận ra dưới cánh rừng ấy là ngôi làng của gần 70 hộ dân đang sinh sống. Men theo con đường bê tông trải dài hun hút giữa rừng, hiện ra những căn nhà bên các vườn rừng trồng keo, chuối, ớt ariêu… tạo nên một diện mạo rất khác ở A Bông. Ông Zơrâm Phấn - Trưởng thôn A Bông nói đùa rằng, sau những tháng ngày “giẫm chân” vì không tìm được sinh kế phù hợp, cuộc sống của người làng nay đã bắt đầu bước sang ngả rẽ mới, tự thân lập nghiệp.

Một cuộc sống khác…

Bao bận ngược xuôi trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Ma Cooih, chúng tôi giữ thói quen dừng chân nơi tấm bảng chỉ dẫn ghi dòng chữ: Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ. Bởi cái tên ấy gợi cho chúng tôi những câu chuyện xưa cũ về vùng đất từng được biết đến như một “phố núi”, với các dự án lập nghiệp dành cho thanh niên Quảng Nam. Nhưng, đó là câu chuyện của ngày trước, còn bây giờ, nơi này đã trở thành vùng đất mới, như bao ngôi làng khác ở vùng cao mà chúng tôi từng đặt chân đến. Trưởng thôn Zơrâm Phấn chỉ tay về phía cánh rừng trước mặt, nói đó là kinh tế chính của người dân ở làng A Bông này, sau thời gian dài loay hoay với mô hình cũ. Hàng chục héc ta keo được trồng xen canh quanh vườn, trở thành hướng đi mới giúp người làng vực dậy và từng bước đổi thay cuộc sống. “Cũng nhờ có mô hình trồng keo, trồng ớt ariêu mà đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Đến nay, cả thôn có 67 hộ với 230 nhân khẩu, qua rà soát chỉ còn 3 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Ngoài ra, cũng có thêm 4 hộ dân khác vừa đăng ký thoát nghèo bền vững” - ông Phấn nói.

Ở làng A Bông, có đến gần số nửa hộ dân là đồng bào Kinh ở các vùng quê Thăng Bình, Quế Sơn… sinh sống cùng đồng bào Cơ Tu. Họ là những cư dân bền chí, vượt qua khó khăn ngày trước để bám trụ với vùng đất mới ở A Bông này. Như phần thưởng xứng đáng sau những nỗ lực của họ, là vườn keo, vườn cây ăn trái, cùng vườn ớt ariêu cho nguồn thu nhập đáng kể. Từ ý chí và nghị lực, đã có một vài hộ vươn lên thoát nghèo, trở thành gương sáng trong cộng đồng dân cư, như hộ Nguyễn Văn Công, Alăng Nghĩa... với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Rồi họ giúp nhau để thoát nghèo và cùng hỗ trợ, sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống. Suốt 15 năm, ngôi làng chung của hai dân tộc Kinh - Cơ Tu luôn hòa thuận, đoàn kết như anh em một nhà. “Chúng tôi cùng làm ăn, cùng sinh sống với nhau. Ở vùng cao, gươl làng cũng trở thành nhà sinh hoạt cộng đồng chung, nơi diễn ra các dịp lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu với anh em người Kinh, sinh sống ở vùng đất này” - ông Phấn cho biết thêm.

Cuối chiều, những bước chân của người làng trở về nhà sau buổi thu hoạch vụ keo trên rẫy. Làng A Bông đầy ắp tiếng nói cười. Trên đoạn đường trước ngõ làng, một vài người dân hối hả vận chuyển, đưa cây keo lên xe tải, chuẩn bị chở về xuôi…

Miên man dưới bóng gươl làng

Quy hoạch A Bông trở thành trung tâm hành chính xã
Ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch UBND xã Ma Cooih cho rằng, sau một thời gian khắc phục hậu quả khó khăn, đến nay đời sống của người dân ở làng văn hóa A Bông cơ bản đã được ổn định. Nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn với chăn nuôi, trồng trọt được áp dụng đưa về, tạo điều kiện giúp người dân có cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, từng bước thoát nghèo bền vững. Riêng 16 hộ dân đã bỏ làng đi, chính quyền địa phương sẽ kiến nghị UBND huyện có quyết định thu hồi lại đất theo đúng Luật Đất đai. “Theo quy hoạch, chúng tôi sẽ mở rộng phát triển về hướng trục đường tỉnh lộ ĐT609, trong đó chọn A Bông làm nơi xây dựng trụ sở hành chính xã, đáp ứng theo nhu cầu phát triển chung của địa phương” - ông Tân nhấn mạnh.

Trong ký ức của vợ chồng ông Lê Thuận, làng thanh niên lập nghiệp ngày đó như một vùng đất lý tưởng để lập nghiệp. Từ chủ trương của Trung ương Đoàn, hơn mười năm trước, vợ chồng ông Thuận rời vùng quê Bình Trung (huyện Thăng Bình), dắt díu nhau lên Ma Cooih sinh sống, tình nguyện gắn tuổi thanh xuân với núi rừng. Nhưng, thật không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, dự án tưởng chừng điển hình về xây dựng làng kinh tế mới cho thanh niên lập nghiệp ấy bỗng bị “phá vỡ”, không đem lại hiệu quả như mục tiêu ban đầu. Hàng chục hộ dân từ các vùng quê Thăng Bình, Đại Lộc, Tiên Phước… lần lượt bỏ đi, hoặc trở về quê, hoặc tìm đến nơi khác để sinh sống. Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ hắt hiu suốt nhiều năm liền. “Nói thiệt, hồi đó khi nhận thấy cuộc sống ở vùng đất này không đảm bảo, nhiều người cũng muốn rời làng mà đi. Bởi dự án không đem lại cho người dân được mọi thứ như kế hoạch ban đầu” - ông Thuận chia sẻ.

Những ngày đầu dự án Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ được xây dựng, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai như vườn cây ăn trái, vườn tiêu, cùng các mô hình chăn nuôi gia súc, vườn ao thả cá… nhưng cuối cùng không đem lại hiệu quả. Người dân lâm vào tình cảnh khó khăn, nguồn hỗ trợ phát triển từ phía nhà đầu tư cũng ít dần, rồi “vắng bóng”, khiến nhiều hộ lần lượt bỏ đi. Vết tích ngày cũ, bây giờ là những căn nhà hoang nằm rải rác dọc theo tuyến đường làng. Đó là chuyện của người rời làng đi vì nghèo khó, vì không quyết tâm ở lại vùng đất này. Nhưng những hộ dân như ông Thuận và hơn 30 hộ khác còn bám trụ tại làng, mảnh đất mà họ đang sinh sống, hiện cũng chưa được cấp sổ đỏ, bởi cơ chế… ràng buộc. “Nhưng chúng tôi vẫn ở đây, xem vùng đất này như quê hương thứ hai của mình. Có đất, chúng tôi trồng ớt, trồng keo để phát triển kinh tế. Chỉ mong Nhà nước có những chính sách ưu tiên mới, như đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp dệt may ở vùng cao, tạo điều kiện để người dân chúng tôi có việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Thuận mong mỏi.

ĐĂNG NGUYÊN

ĐĂNG NGUYÊN