APEC 2017: Dấu ấn Việt Nam

QUỐC HƯNG 31/12/2017 12:43

Tổ chức thành công sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 ghi đậm dấu ấn Việt Nam khi lần thứ hai đảm nhiệm vai trò chủ nhà.

Phu nhân các Bộ trưởng kinh tế APEC 2017 thăm làng rau Trà Quế, Hội An. Ảnh: Vĩnh Lộc
Phu nhân các Bộ trưởng kinh tế APEC 2017 thăm làng rau Trà Quế, Hội An. Ảnh: Vĩnh Lộc

Mặc dù hội nghị thường niên cấp cao năm 2017 của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC diễn ra tại Đà Nẵng kết thúc gần hai tháng qua, sức lan tỏa thành công của hội nghị và dấu ấn Việt Nam năm APEC 2017 tiếp tục được chú ý. Đây không chỉ là sự kiện đối ngoại nổi bật trong năm đối với Việt Nam cùng vị thế và cơ hội mang lại cho nước ta mà kết quả của hội nghị là định hướng tương lai của APEC. Với chủ đề APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên quyết tâm cùng tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn để tạo động lực mới cho hợp tác APEC, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm là tăng cường liên kết kinh tế khu vực, phát huy mọi tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Những ngày đầu tháng 11.2017, Đà Nẵng đón khoảng 2.000 CEO từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) và hơn 3.000 phóng viên trong và ngoài nước đến đưa tin - một lực lượng đông đảo nhất từ trước đến nay trong khuôn khổ APEC. Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới, đặc biệt trong suốt Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (6 - 11.11). APEC 2017 kết nối các doanh nghiệp Việt với 121 thỏa thuận trị giá hơn 20 tỷ USD được ký kết. Thêm vào đó, một dấu ấn đậm nét trong Năm APEC Việt Nam 2017 chính là tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận. Ngày 11.11, sau nhiều ngày đàm phán cam go bên lề thượng đỉnh APEC, 11 nước còn lại trong TPP nhất trí đổi tên TPP thành CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Đó là một hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao, trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam năng động, thân thiện, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhất là đối phó với những cơn bão, lũ lớn tại miền Trung và tổ chức thành công APEC 2017, để lại ấn tượng mạnh trong lòng bạn bè quốc tế. Những triển lãm về nét đẹp văn hóa, bản sắc đặc trưng của dân tộc, di sản văn hóa của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung như Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long, đến đặc sản, ẩm thực của các địa phương, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, giới thiệu tiềm năng du lịch... càng làm phong phú thêm hình ảnh du lịch Việt Nam ra khắp năm châu. Hình ảnh của phu nhân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong tà áo dài thướt tha dạo quanh phố cổ, làng nghề, làng rau Trà Quế tại Hội An; phu nhân Tổng thống Hàn Quốc thăm làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ)... càng tô điểm sinh động về sự đón tiếp niềm nở, mến khách của chủ nhà APEC 2017. Terry Clifford C.M, Chủ tịch và là người sáng lập tổ chức Global Vision (Canada) tham dự các hoạt động năm APEC 2017 cho rằng: “Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều, là minh chứng rõ nét nhất về sức quyến rũ của mảnh đất giàu văn hóa, danh thắng và thân thiện này. Sau sự kiện thành công APEC 2017, sự lan tỏa đó sẽ càng lớn”.

Thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 một lần nữa cho thấy Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của APEC, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21 tự cường, năng động và thịnh vượng - động lực của tăng trưởng toàn cầu.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG