Giấc mơ nhà ở giá rẻ
Hàng nghìn công nhân lao động (CNLĐ) của tỉnh hiện nay vẫn phải “bó hẹp” trong những căn phòng trọ, nhưng giấc mơ có được một ngôi nhà giá rẻ vẫn rất xa vời.
Một khu nhà chung cư dành cho người có thu nhập thấp được xây dựng dở dang ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: LÊ DIỄM |
Đời khách trọ
Trong một con hẻm nhỏ của khối phố Viêm Trung (phường Điện Ngọc, Điện Bàn), những dãy nhà trọ nằm san sát nhau. Đây là khu dân cư nằm gần Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc nhất, nên số CNLĐ đến đây thuê trọ rất nhiều. Ghé vào một dãy trọ có người đang mở cửa, chúng tôi nghe được câu chuyện cuộc đời ở trọ của anh Hồ Tấn Vạn (quê Thăng Bình), là một công nhân lái xe đang làm việc ở Đà Nẵng. Chị Thi Thị Thục Nữ - vợ anh Vạn, là công nhân đang làm việc ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Ngó lên mái nhà, lớp trên là một tấm bạt, lớp tiếp ở dưới là một tấm các tông được lót lên để che phần mái tôn bị thủng dột khi trời mưa. Chỗ dột trúng ngay chỗ kê giường ngủ nên anh phải che chắn cẩn thận. Hỏi sao anh không khiêng giường kê lại, anh chỉ căn phòng rồi nói như tự nhủ: “Còn chỗ mô kê được cái giường nữa, chỉ có góc đó mới đủ kê cái giường. Rồi còn bàn học cho con, chỗ treo áo quần, chỗ nấu ăn, ngồi ăn cơm. Góc kia là phòng vệ sinh, nhà tắm giặt chung... Căn phòng hơn 10m2, lúc hai vợ chồng son còn rộng chút, có con rồi thấy chật chội hẳn. Trời nắng thì nóng hầm hập, trời mưa thì ẩm thấp. Nhưng biết làm sao, đời công nhân đành phải ở trọ, biết bao giờ mới có tiền mua đất làm nhà”. Gần 10 năm đi làm là ngần ấy năm anh Vạn sống đời khách trọ. Từ khi có vợ, anh chỉ ở trọ chỗ duy nhất để tiện cho vợ đi làm, con đi học. Anh làm việc ở Đà Nẵng nên đi đi về về hàng ngày.
Khu phố Viêm Trung có hơn 2 nghìn CNLĐ tá túc trong những căn phòng trọ, mỗi căn rộng 8 - 12m2. Họ san sẻ với nhau đồng tiền trọ bằng cách ở ghép chung 2 - 3 người vào một phòng. Những chủ nhà trọ hiểu hoàn cảnh của CNLĐ nên không ép buộc. Nhà bà Trần Thị Tươi xây 6 căn phòng trọ khép kín cho các cặp vợ chồng thuê ở ổn định. Giá thuê trọ cũng khá thấp, mỗi tháng chỉ 400 nghìn đồng đối với phòng bình thường có dán gạch nền, 600 nghìn đồng đối với phòng có dán gạch tường, gạch nền, đóng la phông. Theo bà Tươi, khu trọ nào có chủ nhà trọ ở, tệ nạn trộm cắp ít xảy ra, còn khu nào chủ trọ chỉ xây nhà trọ cho thuê, không ở, thường xuyên xảy ra mất cắp đồ đạc.
Giấc mơ còn xa
Số lượng CNLĐ ở các KCN trong tỉnh hiện nay hơn 40 nghìn người, nhu cầu nhà trọ tương ứng khoảng 80% lực lượng CNLĐ. Từ khi tỉnh có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ, có nhiều nhà đầu tư tìm đến, nhưng rồi chưa có dự án nào được thực hiện. Các KCN mới như KCN Đông Quế Sơn hay KCN Tam Thăng, nhu cầu ở trọ của CNLĐ ngày càng bức thiết. Ông Lê Văn Tăng - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton (KCN Đông Quế Sơn) cho biết, hiện nay công ty có 1.400 CNLĐ, tất cả đều là người ở các huyện khác đến nên nhu cầu nhà trọ rất lớn, trong khi ở khu này chưa có nhà trọ trong dân nhiều, lao động phải đi thuê trọ rất xa. “Sắp tới, công ty chúng tôi đầu tư mở rộng, tuyển dụng hơn 1 nghìn lao động nữa, nhà trọ cho CNLĐ là nhu cầu rất bức xúc. Nếu được tạo điều kiện, công ty chúng tôi sẵn sàng xây dựng nhà trọ cho CNLĐ của công ty ở. Nhà nước nên tạo điều kiện về đất đai, thuế thuê đất, thủ tục giấy tờ để các doanh nghiệp vào cuộc cùng đóng góp xây dựng nhà trọ cho CNLĐ ở”.
Theo Sở Xây dựng, các KCN đều đã được quy hoạch và bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở CNLĐ, với tổng diện tích khoảng 104ha. Ngoài cơ chế theo quy định của Trung ương tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 16.5.2013. Sau khi có cơ chế, một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp xúc tiến đầu tư như dự án của Công ty CP Kỹ thuật châu Âu tại Điện Bàn có diện tích 7,9ha, dự án khu nhà ở CNLĐ và thu nhập thấp của Công ty CP Xây dựng và thương mại Thái Công (Đại Lộc) diện tích 4,2ha, dự án khu nhà ở của Công ty TNHH Hữu Toàn Chu Lai (Núi Thành)... được khởi động. UBND tỉnh cũng đã thống nhất cho Công ty CP Danatol nghiên cứu xây dựng dự án nhà ở cho cán bộ và chuyên gia trong Khu kinh tế mở Chu Lai 22,7ha, nhu cầu 3.000 hộ. Dự án nhà ở của Công ty CP Tư vấn nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (Điện Bàn) có diện tích hơn 18ha, gồm 24 block chung cư với 4.704 căn hộ hiện nay đã tạo nên hình hài, nhưng nhà đầu tư lại gặp khó về tài chính nên chuyển nhượng dự án.
Mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý bàn giao khu đất 4ha cho Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam làm chủ đầu tư. Khu đất này nằm liền kề với khu văn hóa thể thao, khu nhà trẻ mà LĐLĐ tỉnh đã xây dựng hoàn chỉnh từ nguồn kinh phí công đoàn. Trên khu đất 4ha, Tổng LĐLĐ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các tòa nhà chung cư 5 tầng, 9 tầng, cung cấp 708 căn hộ cho CNLĐ thuê, mua trả góp với giá rẻ. Nhưng đây mới chỉ là con số trên thiết kế, hiện nay Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn chưa tiến hành đầu tư. Ông Lê Minh Á - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: “Nhà trọ hiện nay là nhu cầu rất bức xúc của CNLĐ ở các khu công nghiệp. Việc hỗ trợ công nhân xây dựng nhà ở từ nguồn Quỹ mái ấm công đoàn ít, chưa hỗ trợ được nhiều. Nhà trọ trong dân góp phần giải quyết bức xúc về nhà ở cho CNLĐ, nhưng do giá thấp nên chất lượng cũng không thể cao được. Trước mắt do Nhà nước chưa đầu tư được, thiết nghĩ nên có cơ chế hỗ trợ thế nào đó để người dân đầu tư nhà trọ tốt hơn, đảm bảo an ninh tốt hơn cho các khu nhà trọ công nhân”.
LÊ DIỄM