Nhiều giải pháp ứng dụng cao
Hôm qua 27.12, tại TP.Tam Kỳ diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Quảng Nam lần thứ VII (2016-2017). Hội thi lần này có 21 giải pháp kỹ thuật được Ban tổ chức chọn trao giải gồm: 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 5 giải Ba, 9 giải Khuyến khích.
Tin liên quan
|
Giải pháp “Thiết bị mainbuck hàn tiếp xúc bán tự động” của Trường Cao đẳng Nghề Thaco sáng chế đoạt giải Nhì hội thi. |
Ban tổ chức cho biết, hội thi lần này đã nhận được 64 giải pháp kỹ thuật ở 6 lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông - lâm - ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; y dược; GD-ĐT. Sau khi được xét duyệt từ cơ sở với tiêu chí của Ban tổ chức đưa ra như tính mới, tính sáng tạo, các giải pháp phải được ứng dụng vào thực tế và làm lợi cho đơn vị… nên số lượng giải pháp được Hội đồng xét duyệt lần cuối chọn ra 21 giải pháp xuất sắc nhất vào vòng chung khảo” - ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Quảng Nam thông tin.
Tiện và lợi
Theo đánh giá của Ban tổ chức, các giải pháp tham dự hội thi lần này nhiều hơn hội thi lần thứ VI cả về số lượng và chất lượng. Như tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi bắc Quảng Nam, các bác sĩ Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Hối có giải pháp “Hệ thống tưới rửa dung dịch dùng trong cắt đốt nội soi tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt và một số bệnh lý khác”. Giải pháp này giúp bác sĩ mổ nội soi và các bệnh lý chảy máu trong lòng bàng quang tránh tình trạng hoại tử và nhiễm trùng nặng. Nếu như Bệnh viện Đà Nẵng mua sắm sử dụng bộ dây tưới rửa có 2 bầu, Bệnh viện Trung ương Huế cải tiến từ hệ thống bóp bóng của máy đo huyết áp, thì giải pháp này sử dụng lại bộ dây dùng trong mổ nội soi khớp gối bỏ ra được hấp tiệt trùng bằng hơi nước, đảm bảo thông số kỹ thuật và có độ bền hơn 20 năm. Đây là giải pháp lần đầu tiên thực hiện không chỉ ở khu vực miền Trung mà là trong cả nước, và đã áp dụng với 34 trường hợp, đều thành công.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn - Trưởng ban tổ chức Hội thi STKT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII, trong xu hướng phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với tinh thần chung khởi nghiệp sáng tạo ở các lĩnh vực của nhiều thành phần kinh tế, tập trung các giải pháp kỹ thuật vào lĩnh vực mũi nhọn có chiều sâu mà Quảng Nam có thế mạnh. Như Công ty Ô tô Trường Hải đang đi đầu hướng đến công nghiệp 4.0 sử dụng thiết bị tự động bằng rô bốt và quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại. “Rút kinh nghiệm qua 7 lần tổ chức, hội thi lần thứ VIII (2018-2019) sẽ chú trọng đến những giải pháp mang tính chất chuyên sâu có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Không như trước đây phần lớn giải pháp liên quan đến chủ trương, đầu tư, quản trị…, chưa đúng bản chất của hội thi STKT mà UBND tỉnh giao cho Ban tổ chức hội thi cũng như Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh” - Ông Toàn thông tin thêm. |
Có giải pháp làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng như “Thiết bị mainbuck hàn tiếp xúc bán tự động” của nhóm tác giả Nguyễn Công Thức và Nguyễn Chu Tân, Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai - Trường Hải (Thaco). Ông Nguyễn Xuân Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thaco chia sẻ, với đặc điểm trường học nằm trong lòng doanh nghiệp, trường là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các nhà máy khu phức hợp, đối với công nghệ hàn tiếp xúc áp dụng trên ô tô du lịch và ô tô tải đòi hỏi đầu tư thiết bị đắt tiền. Do đó chúng tôi đã tìm hiểu và sử dụng các thiết bị hiện có để nghiên cứu, chế tạo các mô hình học cụ phục vụ cho học tập. “Mô hình này giúp cho học sinh thực hành trên thiết bị, tìm hiểu thiết bị khí nén thủy lực, từ đó học sinh khi qua dây chuyền nhà máy không bị bỡ ngỡ” - tác giả Công Thức cho hay. Đồng tác giả, anh Chu Tân cho biết thêm: “Công nghệ hàn trong sản xuất ô tô đòi hỏi hàn với sản lượng công suất lớn cần độ chính xác cao với dây chuyền bấm đặc biệt. Máy hàn bấm này mô phỏng dây chuyền sản xuất, giúp cho học sinh nắm được cách vận hành, bảo hành bảo dưỡng thiết bị”.
Hướng đến công nghiệp 4.0
Hội thi năm nay còn có nhiều giải pháp có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao như “Lắp đặt hệ thống giám sát điều khiển máy cắt Recloser trên lưới điện” của nhóm tác giả Nguyễn Bách Thảo, Nguyễn Đình Đức và Trần Ngọc Thành (Công ty Điện lực Quảng Nam) giúp giảm thời gian mất điện do sự cố trên lưới điện. Anh Nguyễn Bách Thảo, đại diện nhóm tác giả cho hay, khi chưa có giải pháp này, công nhân phải đến tận hiện trường trực tiếp cắt điện trên lưới điện. Đối với những nơi địa hình phức tạp, nhất là khu vực miền núi, việc điều động nhân lực rất mất thời gian, gây mất điện kéo dài. “Trước yêu cầu ngày càng cao về chỉ số tin cậy cung cấp điện, hạn chế tối đa thời gian mất điện, được sự hỗ trợ và động viên của lãnh đạo công ty, chúng tôi nghiên cứu triển khai lắp đặt hệ thống giám sát điều khiển từ xa, máy cắt Recloser góp phần giảm thời gian mất điện do sự cố cho khách hàng” - anh Thảo nói.
Hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính của tỉnh, nhóm tác giả Trương Thanh Bình, Trần Vũ Lê Ven, Bùi Văn Thông và Trần Thanh Tú (Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Quảng Nam) đã có giải pháp “Xây dựng phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh”. Phần mềm một cửa dịch vụ công trực tuyến mang tính chất quy mô lớn ứng dụng vào Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh bước đầu giải quyết được hồ sơ công dân, đánh giá mức độ hài lòng của công dân, nhắn tin trả kết quả qua SMS hoặc email, liên kết với các phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch đầu tư. “Cuối năm 2017, chúng tôi đã triển khai phần mềm tại thị xã Điện Bàn, sau đó là các TP.Hội An và Tam Kỳ. Có thể nói, hướng phát triển của chúng tôi là sẽ nghiên cứu ra các phần mềm mang tính tự động hóa nhiều hơn, hướng đến công nghiệp 4.0 trong tương lai không xa” - ông Trương Thanh Bình, đại diện nhóm tác giả cho biết.
LỮ ĐINH HÀ MY