Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm: Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận

HOÀNG LIÊN 28/12/2017 09:55

Xây dựng bộ tiêu chí nhãn hiệu chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển (gọi tắt là Khu sinh quyển) thế giới Cù Lao Chàm và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc hữu là hướng đi đang được Hội An chú trọng.

Xe điện - sản phẩm thủ công tre dừa nước Taboo Cẩm Thanh.  Ảnh: HOÀNG LIÊN
Xe điện - sản phẩm thủ công tre dừa nước Taboo Cẩm Thanh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Chọn sản phẩm đặc hữu

Hội thảo “Lựa chọn các sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” do Ban Quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tổ chức đã hướng tới xây dựng, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc hữu Hội An, phục vụ phát triển du lịch bền vững. Hội An đang cấp thiết xây dựng, kiện toàn bộ tiêu chí nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và gắn nhãn hiệu chứng nhận này lên sản phẩm đặc hữu. Trước mắt, hai sản phẩm đặc hữu được chọn lần này là sản phẩm thủ công tre dừa nước Taboo tại Cẩm Thanh và trà rừng Cù Lao Chàm.

Theo bà Trần Huỳnh Hải Yến - cán bộ Phòng Kinh tế TP.Hội An, cùng với món rau rừng Cù Lao Chàm, lá rừng (lá Lao) cũng là đặc sản của xã đảo, có thể sử dụng thay chè uống. Về mặt dược lý, trà rừng Cù Lao Chàm được xem là một loại thực phẩm chức năng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, ngăn ngừa lão hóa, giảm nguy cơ ung thư rất cao. Sản phẩm gồm 16 loài chủ lực: bồ đề núi, bù gia (ngũ gia bì), bướm hạc, cam thảo dây, chạc chìu, chỏng bỏng, dủ dẻ, gối, hà thủ ô, mua, ngọn đỏ, trâm ổi, riềng núi, sâm núi, từ bi, vằng đắng. Năm 2016, sản phẩm trà rừng đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, Hội Nông dân xã Tân Hiệp là tổ chức duy nhất được đại diện cho tập thể các thành viên thực hiện quyền đối với nhãn hiệu tập thể “Trà rừng Cù Lao Chàm”, quản lý việc sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể này. Cũng theo bà Yến, các hộ ở xã đảo chỉ được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này khi có đầy đủ 16 loài kể trên trong sản phẩm của mình. “Đây là sản phẩm cơ bản đáp ứng tất cả tiêu chí cần thiết để gắn nhãn chứng nhận Khu sinh quyển Cù Lao Chàm. Việc gắn nhãn không chỉ nâng giá trị của sản phẩm mà còn giúp quảng bá rộng rãi hơn” - bà Yến nói.

Ngoài trà rừng, sản phẩm thủ công tre dừa nước Taboo tại xã Cẩm Thanh cũng được đề xuất gắn nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển Cù Lao Chàm. Ông Võ Tấn Tân - chủ cơ sở Taboo cho hay, cơ sở ông đã cho ra đời nhiều chủng loại sản phẩm bằng tre, dừa nước có giá trị, từ đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, xe đạp tre, xe điện bằng tre, bút bi tre cho tới những dòng sản phẩm được dùng trong ẩm thực như đũa tre, ống hút nước tre… Cũng theo ông Tân, tre là nguyên liệu được sử dụng chế tác các sản phẩm mang tính bền vững và thân thiện, giảm thiểu sử dụng tài nguyên gỗ, mang lại lợi ích và hiệu quả môi trường.

Thương hiệu của niềm tin

Chủ trương kiện toàn bộ tiêu chí nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và gắn nhãn hiệu chứng nhận lên các sản phẩm đặc hữu của thành phố nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành tại Hội An. Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Quảng Nam cho biết, đây là xu thế phù hợp với giai đoạn chung hiện nay trong bối cảnh phát triển du lịch bền vững ở Hội An. Tuy nhiên, khi lựa chọn sản phẩm đặc hữu, gắn nhãn hiệu chứng nhận lên sản phẩm, cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ đầu vào tới đầu ra để bảo vệ thương hiệu. Ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty Emic Hospitality cũng ủng hộ chủ trương xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đặc thù lên các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, không nên tham vọng quá lớn, mà trước hết nên chọn một vài sản phẩm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhân rộng. Bởi đi sâu vào từng lĩnh vực, ngành nghề, sẽ vô cùng khó khăn. “Sự bền vững là nền tảng, nếu đáp ứng tiêu chí này thì những siêu lợi nhuận sẽ đến sau. Đi kèm với công nhận cũng cần có kiểm tra, loại bỏ, xử lý nghiêm sai phạm. Không nên xây dựng đại trà mà không kiểm soát nổi, dẫn đến ảnh hưởng tới thương hiệu chung” - ông Tuấn nói. Nhiều doanh nghiệp và người làm khoa học góp ý, sự cân đối cung - cầu về mặt nguyên liệu của các sản phẩm cũng cần chú trọng. Bài học cua đá Cù Lao Chàm cho thấy, nếu quản lý tốt sẽ nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, dù khai thác ít nhưng giá trị nâng lên thì thu nhập vẫn đảm bảo.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, thành phố đang chỉ đạo gấp rút xây dựng logo của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm, xây dựng thương hiệu chung, chỉ cấp chứng nhận nhãn hiệu đối với các sản phẩm, dịch vụ hoạt động trong khu sinh quyển đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Trước mắt chọn hai sản phẩm thủ công tre dừa nước Taboo và trà rừng Cù Lao Chàm bởi đây là hai sản phẩm truyền thống, thân thiện với môi trường, hội đủ tiêu chí về địa lý của Cù Lao Chàm - Hội An. “Khi hai sản phẩm được trao quyền sử dụng nhãn hiệu theo điều kiện, sẽ tạo thành đốm lửa đầu tiên, kết nối, tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp, cộng đồng, tạo tiếng nói chung, góp phần vào công tác bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc hữu Hội An. Đây là nhãn hiệu của niềm tin song cũng phải dựa trên những cơ sở, tiêu chí nhất định. Ban Quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm đã dùng uy tín của mình để bảo lãnh giá trị cho hai sản phẩm, giúp cho hai chủ thể của sản phẩm cùng cộng đồng hưởng lợi. Thời điểm kỷ niệm 9 năm Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận (26.5.2018), hai sản phẩm trên sẽ được gắn nhãn hiệu chứng nhận. Cùng với đó, khâu quản lý và phát triển nhãn hiệu sẽ được chú trọng” - ông Hùng nói.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN