11 luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2018

CHÂU NỮ (Tổng hợp) 26/12/2017 11:40

Từ ngày 1.1.2018, 11 luật mới, gồm: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Du lịch; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành. Báo Quảng Nam giới thiệu những điểm nổi bật của một số luật.

Theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, ngoài các quyền cơ bản, người bị tạm giữ, tạm giam còn được thực hiện các quyền quan trọng khác. Trong ảnh: Thân nhân thăm gặp phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: Châu Nữ
Theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, ngoài các quyền cơ bản, người bị tạm giữ, tạm giam còn được thực hiện các quyền quan trọng khác. Trong ảnh: Thân nhân thăm gặp phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: Châu Nữ

 Nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo

So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người phù hợp tinh thần Hiến pháp 2013. Đồng thời luật nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; không lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân… Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.  

Ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Đồng thời luật mở rộng diện chủ thể được hưởng quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích. Đó là ngoài người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quyền bào chữa, nhờ người bào chữa, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn bổ sung “người bị tố giác”,” người bị kiến nghị khởi tố”; “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” cũng được hưởng quyền bào chữa và nhờ người bào chữa.

Hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) 2017 có nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực cho DNNVV. Đơn cử như sau: Về thuế, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán. DNNVV còn được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực cũng như về thông tin, tư vấn và pháp lý. Đồng thời, Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 cũng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư 2014, Luật đấu thầu 2013, như bổ sung các ngành nghề kinh doanh được ưu đãi đầu tư…

Bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý

 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 bổ sung tiêu chuẩn và điều kiện để thực hiện trợ giúp pháp lý. Cụ thể, tư vấn viên pháp luật phải có 2 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên mới được thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong khi Luật TGPL 2006 không quy định về số năm kinh nghiệm. Luật mới cũng bổ sung thêm tiêu chuẩn trở thành trợ giúp viên pháp lý là “không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật”. Ngoài ra, luật còn điều chỉnh về đối tượng được TGPL, trong đó “người cao tuổi” và “người khuyết tật” phải gặp khó khăn về tài chính mới được TGPL. Đồng thời bổ sung thêm các đối tượng được TGPL, như: người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam

 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định rõ các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, ngoài các quyền cơ bản như quyền được bảo vệ tính mạng, tài sản, được bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở,… người bị tạm giữ, tạm giam còn được thực hiện các quyền quan trọng khác, nổi bật như: được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình; được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam,… Đồng thời chế độ tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi cũng được quy định cụ thể, đặc biệt là chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong nhà tạm giữ, tạm giam.

Đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch

Theo quy định của Luật du lịch 2017, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch được đơn giản hóa so với quy định hiện hành. Cụ thể, để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, doanh nghiệp chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch thay vì phải gửi hồ sơ đến sở du lịch hoặc sở VH-TT&DL thẩm định rồi mới gửi đến Tổng cục Du lịch. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, luật này cũng đồng thời bổ sung một số điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa như phải ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng; người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

CHÂU NỮ (Tổng hợp)

CHÂU NỮ (Tổng hợp)