"Bẫy" tình, tiền và quà tặng của người nước ngoài

PHƯƠNG NAM - CHÂU NỮ 23/12/2017 16:20

(QNO) - Kết bạn làm quen trên mạng xã hội (chủ yếu là facebook); sau đó tỏ tình, hứa gửi quà, tiền có giá trị lớn và giả danh cán bộ của các cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu bị hại gửi tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp nếu muốn nhận số quà, tiền nêu trên rồi chiếm đoạt - đó là chiêu lừa của các đối tượng người nước ngoài (hoặc tự xưng là người nước ngoài) đối với những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin...

Thời gian gần đây, ở Quảng Nam có rất nhiều nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ) bị các đối tượng là người nước ngoài (hoặc giả là người nước ngoài) câu kết với người Việt Nam xưng là cán bộ thuế, hải quan, nhân viên chuyển phát nhanh... lừa đảo bằng hình thức kết  bạn và nhận quà tặng, tiền có giá trị lớn từ những “người bạn” nước ngoài... Chiêu trò của chúng rất tinh vi và “ngọt ngào”, khiến những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, kể cả... tham tiền, quà... dễ rơi vào “bẫy”.

Đối tượng nhắn tin bằng lời lẽ ngào ngào để
Đối tượng nhắn tin bằng lời lẽ ngọt ngào để "bẫy con mồi" (ảnh chụp màn hình). Ảnh: PHƯƠNG CHÂU

“Bẫy” quà tặng

Ban đầu, chúng gửi lời kết bạn với các chị em qua mạng xã hội. Khi được chấp nhận, sau khoảng một vài tuần, thậm chí 1 đến 2 tháng kiên trì trò chuyện, trao đổi qua tin nhắn (messenger), đối tượng sẽ bày tỏ tình cảm. Có đối tượng dùng tiếng Anh, có đối tượng dùng tiếng Việt (chúng dùng phần mềm google dịch để chuyển ngữ sang tiếng Việt nên lời lẽ tuy ngọt ngào nhưng rất ngây ngô).

Trong lời giới thiệu, đa số các đối tượng này cho biết là đã ly hôn hoặc vợ chết; đang làm việc ở những công ty lớn và có tài sản kết xù, muốn tìm vợ tương lai để quản lý số tài sản này. Và do yêu quý chị em, nên sẽ gửi một số quà tặng - thường được “bật mí” là nữ trang, điện thoại và nhiều hàng  hóa có giá trị kèm theo một lượng lớn tiền mặt nhờ “con mồi” mua giúp nhà, xe ở Việt Nam với lời hứa: “Khi xong công việc, anh sẽ về Việt Nam sống trong ngôi nhà do chính em chọn mua bằng tiền của anh ”, đại loại như vậy.

Sau khi bị hại cho chúng địa chỉ, số tài khoản, số điện thoại liên lạc; đối tượng sẽ báo tin là đã chuyển quà hoặc tiền và không quên gửi kèm hình ảnh biên lai đã chuyển quà (tất nhiên là biên lai giả). Có đối tượng tinh ranh chuyển kèm hình ảnh đang gói hàng ở hải quan để chuyển về Việt Nam khiến nạn nhân tin tưởng là thật.

Tuy nhiên, khi bị hại chưa nhận được quà hay tiền thì đồng bọn của chúng (thường là người Việt) sẽ liên lạc, xưng là nhân viên của công ty chuyển phát quà hoặc nhân viên hải quan, thuế, cảng hàng không… gọi điện đến bị hại thông báo lô hàng hay tiền đang bị tạm giữ vì số lượng quá lớn, để yêu cầu các nạn nhân phải nộp một khoản tiền (ban đầu chúng chỉ yêu cầu nộp vài chục triệu đồng) vào tài khoản (chủ tài khoản là người Việt, mở tại các ngân hàng của Việt Nam) do chúng cung cấp để nhận được hàng, tiền từ nước ngoài.

Vì nghĩ rằng mình sẽ nhận được món quà giá trị cả hàng chục tỷ đồng nên nhiều người đã trút hầu bao, thậm chí vay mượn đóng các khoản phí theo yêu cầu mà không hay mình đã mắc bẫy. Lần đầu, chúng chỉ yêu cầu chuyển khoản số tiền nhỏ, khoảng vài chục triệu đồng, gọi là “phí nhận hàng” hoặc là tiền phạt do hàng hóa nhiều quá khối lượng quy định.

Đối tượng gửi hỉnh ảnh đã quà và tiền sẽ chuyển về Việt Nam. ảnh: P.C
Đối tượng gửi hìpnh ảnh đã quà và tiền sẽ chuyển về Việt Nam. ảnh: P.C

Sau khi nhận tiền đợt đầu, chúng tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển khoản số tiền nhiều hơn, với lý do “trong hàng hóa kèm số tiền lớn nên phải đóng thêm tiền phạt”. Sau đó, bằng nhiều lý do, chúng liên tục hối thúc nạn nhân chuyển tiền mỗi lúc một nhiều hơn cho đến khi nạn nhân cảm thấy mình bị lừa và báo cơ quan chức năng thì các đối tượng liền cắt đứt liên lạc.

Cần cảnh giác

Với thủ đoạn như trên, một người tự xưng là Allen Walter đã lừa của chị H.T.A.T. (TP. Tam Kỳ) với số tiền lên đến 581,1 triệu đồng. Tương tự, chị N.T.C.T. (Hội An) cũng bị một người “bạn” tự xưng mang quốc tịch Anh tên là Frank Williams lừa 187 triệu đồng. Đáng thương nhất là trường hợp của chị N.T.P. (trú tại thị xã Điện Bàn) đã vay mượn, cấm cố tài sản để đóng phí hơn 900 triệu đồng với hy vọng sẽ nhận được món quà giá trị lớn từ người “bạn” là “Tổng tham mưu Quân đội Hoa Kỳ” đang đóng quân tại Afghanistan...

Đối tượng gửi hình ảnh thông báo đang đóng gói hàng ở hài quan sân bay.
Đối tượng gửi hình ảnh thông báo đang đóng gói hàng ở hài quan sân bay.

Gần đây nhất, một đối tượng tự xưng là Eazi Nani đã gửi yêu cầu kết bạn với chị Nam Phương (Hội An). Sau khi chị Phương chấp nhận lời mời, Eazi Nani tâm sự về bản thân, rằng anh ta là “tướng lĩnh cao cấp” của quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại Afghanistan. Vợ mất nên anh ta rất cô đơn và cần một người vợ tin cậy để sống chung lúc về già. Sau nhiều lần nhắn tin tỏ tình, “tướng lĩnh cao cấp” tiết lộ với chị Phương anh ta có 36 tỷ USD và muốn gửi qua Việt Nam để nhờ chị Phương mua nhà và xe. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh ta sẽ qua Việt Nam để... cưới chị Nam Phương và định cư tại quê vợ! Đồng thời, để tăng độ tin cậy, anh ta gửi ảnh đô la, vàng bạc, điện thoại, túi xách... và cả thùng hàng mà anh ta sắp gửi về  Việt Nam.

Và chụp ảnh hóa đơn giả  rồi gửi qua tin nhắn. ảnh: P.C
Và chụp ảnh hóa đơn giả rồi gửi qua tin nhắn. ảnh: P.C

Sau khi chị Phương  nhắn số điện thoại và địa chỉ, 2 ngày sau, Eazi Nani thông báo với chị Phương rằng anh ta đã gửi tiền và quà về cho chị,  và không  quên gửi hình ảnh hóa đơn chuyển hàng, ảnh anh ta đóng gói hàng ở sân bay cho chị Phương xem.

Tiếp đó, vài ngày sau, một phụ nữ xưng là cán bộ của hải quân sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện báo cho chị Phương từ số điện thoại 01658448960, là có một người nước ngoài gửi số lượng hàng hóa khá lớn cho chị Phương, có giá trị lên đến hàng tỷ đồng Việt Nam. Muốn nhận được số hàng này, chị Phương phải chuyển khoản số tiền 24 triệu đồng đến số tài khoản do người này cung cấp, gọi là tiền “phí mặt bằng sân bay”. Do đã từng biết về các vụ lừa đảo trên các phương tiện truyền thông nên chị Phương cảnh giác và cho biết chị sẽ trực tiếp đến tận nơi (sân bay) để đóng phí. Nghe vậy, đối tượng liền tắt máy.

Sau vài lần điện thoại thuyết phục chị Phương chuyển phí sân bay vào tài khoản rồi mới được xem hàng nhưng chị Nam Phương không đồng ý và đòi xem hàng rồi mới nộp tiền, biết không lừa được chị Phương, vài hôm sau cả “tướng lĩnh Hoa Kỳ” và “nhân viên hải quan” đều “lặn” mất tăm. Điện thoại luôn trong tình trạng không thể liên lạc được.

Được biết, khi kết bạn, các đối tượng thường sử dụng ảnh đại diện rất đẹp trai. Trang facebook cá nhân của chúng thường chỉ có ảnh đại diện, ngoài ra không có những hoạt động nào khác. Đối tượng chúng hướng tới thường là chị em phụ nữ và dùng những lời lẽ khá ngọt nào, thậm chí buông lời tán tỉnh, yêu đương, hứa qua Việt Nam mua nhà, xe và sống chung như vợ chồng sau khi gửi quà tặng nạn nhân.

Để không mắc bẫy các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần thận trọng khi kết bạn với người lạ, nhất là không giao dịch tài chính, chuyển tiền cho người mới quen. Khi nhận được các cuộc gọi lạ yêu cầu chuyển tiền, tài sản có giá trị, người dân hãy thông báo ngay đến cơ quan công an; không nên tự giải quyết vì sẽ sập bẫy lừa đảo của tội phạm.

PHƯƠNG NAM - CHÂU NỮ

PHƯƠNG NAM - CHÂU NỮ