Ngọc Thủy gắn duyên với dân ca

THANH VÂN 23/12/2017 08:30

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Đại Hồng (Đại Lộc), NSƯT Trần Ngọc Thủy sớm mồ côi cha. Nhà nghèo nên việc học hành của chị cũng chẳng được tròn trịa như bạn bè cùng trang lứa. Gia đình không có ai gắn với nghiệp ca hát nhưng chị đến với dân ca như là mối lương duyên tiền định.

Ngày mới bắt đầu với chị từ lúc 5 giờ sáng, đầu tiên là tập xướng âm, sau đó chuyển sang tập hình thể. Chị bảo nếu bỏ một vài ngày không tập luyện, tự dưng cảm thấy mình xơ cứng, thiếu tự tin khi bước lên sân khấu. Muốn hát dân ca bài chòi hay, thì cần phải luyện hát không ngừng.

Say nghề

Năm lên 10 tuổi, theo mẹ đi xem văn nghệ ở làng, về nhà chị cùng nhóm bạn cùng trang lứa bứt lá chuối làm váy, lấy áo mưa làm áo choàng, tự dựng kịch và hóa trang để diễn. Lớn lên chút nữa, mỗi khi nghe các cô chú trong làng hát dân ca, chị thấy thích và hát theo một cách say sưa, nhưng hát mãi mà vẫn trật nhịp. Những năm học cấp 2, chị tham gia phong trào văn nghệ quần chúng của thôn, của xã và của trường, sau đó chị vào Đội văn nghệ quần chúng của xã. Năm 1989, chị tốt nghiệp Trung học cơ sở, nghe tin Đoàn dân ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng thi tuyển diễn viên, chị nộp đơn dự thi. Kết quả 7 thí sinh chọn 2 trong đó có tên chị. Lúc đó, đạo diễn Trần Thanh Việt phát hiện ở chị năng khiếu đặc biệt về dân ca bài chòi nên ông đã nhận chị về đoàn, và cho chị đi học 7 tháng chuyên môn nghiệp vụ. Năm 1990, mới chân ướt chân ráo vào nghề, chị đóng vai Phương Lan trong vở “Muối mặn đời em” của tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Trần Thanh Việt, tháng 9.1990 chị tham gia Hội diễn dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt huy chương vàng (HCV). Đây là thành công lớn mà chị gặt hái sau chưa đầy một năm vào nghiệp diễn. Thành công nối tiếp thành công, dường như năm nào có tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu chuyên và không chuyên toàn quốc, khu vực và chị đều giành được huy chương.

Nhưng thành công nào không gắn với gian truân. Hai mươi tuổi lấy chồng với người bạn đời cùng công tác ở đoàn, rồi sinh con, đến lúc trở lại công tác, dường như chị phải làm lại từ đầu. Đồng lương của một diễn viên hợp đồng của những năm đất nước còn khó khăn chẳng thấm vào đâu, chị phải tất tả ngược xuôi với đủ nghề để nuôi con. Nếu không có tình yêu nghệ thuật, chị đã sớm chia tay với sự nghiệp sân khấu. Năm 1995, chị nỗ lực hết mình để lấy lại những vai diễn. Năm đó, chị đảm nhận vai chính, vai Lan trong vở “Người ơi người” của tác giả Hồ Hải Học, đạo diễn Đức Hải, tham gia Hội thi sân khấu dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt HCV. Sự nỗ lực vươn lên của chị cuối cùng cũng gặt hái được thành quả. Trở lại với sân khấu lần này với chiếc HCV thứ hai, chị tự tin hơn. “Để có được thành công trong các vai diễn, bên cạnh sự nhiệt huyết, yêu nghề, còn phải yêu nhân vật. Trước khi đóng vai nào, tôi cố công tìm hiểu kỹ nhân vật, để khi bước lên sân khấu, khán giả ghi nhận sự tròn trịa của vai diễn” - NSƯT Ngọc Thủy trải lòng.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, có một kỷ niệm mà chị nhớ mãi. Đó là vào năm 1990, ăn tết xong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Đà Nẵng công tác, tối hôm ấy Đại tướng đến Nhà hát Trưng Vương xem đoàn diễn vở “Cha con người hát rong”, chị đóng vai Lệ Giang - con của người hát rong. Sau khi vở diễn kết thúc, chị được Đại tướng tặng hoa và xúc động hơn khi nhìn nơi khóe mắt, chị thấy Đại tướng đã khóc. Kỷ niệm đó như nguồn động viên để chị yêu hơn, gắn bó hơn với con đường nghệ thuật.

May mắn trên bước đường làm nghệ thuật của chị là được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của những đạo diễn bậc thầy như: NSND Xuân Huyền, NSND Trần Ngọc Giàu, đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi, đạo diễn Ngọc Phương, NSND Phạm Thị Thành và đạo diễn Trần Thanh Việt… và sau này là đạo diễn, NSND Hoàng Dũng. Chị thầm biết ơn lớp nghệ sĩ, đạo diễn tài năng ấy, họ không chỉ truyền ngọn lửa đam mê, mà qua mỗi lần dàn dựng vở diễn họ đã gửi gắm niềm đam mê, sự nhiệt huyết với nghề. “Qua thời gian làm việc, khổ luyện với dân ca kịch bài chòi, tôi học được rất nhiều điều ở những nghệ sĩ đàn anh, họ có cách làm việc, sáng tạo rất riêng, và có điểm chung là tinh thần làm việc nghiêm túc và lòng say nghề” - NSƯT Ngọc Thủy kể.

Truyền lửa đam mê

Nói về lớp diễn viên trẻ của đoàn hiện nay, chị cho rằng lãnh đạo đoàn nên tạo điều kiện để lớp diễn viên đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm cho họ, kèm cặp để các em hiểu tâm lý nhân vật, cách thể hiện tính cách nhân vật để thu hút khán giả yêu ca kịch bài chòi. Người đi trước bao giờ cũng muốn truyền đạt lại những gì mình có cho thế hệ kế cận. Nhưng lớp trẻ cần hiểu rằng phải giữ lửa, phải khôn khéo trong vai diễn, biết cách lôi kéo khán giả phải xem, tìm thế diễn, mạch diễn… Và hơn hết đó là tinh thần tự rèn luyện, vượt khó để vươn lên. Chị thẳng thắn đề nghị: “Tỉnh cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với đội ngũ nghệ sĩ công tác ở các lĩnh vực nghệ thuật đặc thù. Đối với những nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT, NSND… cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng để một mặt động viên những người có đóng góp, mặt khác để lớp trẻ soi rọi vào đó mà nỗ lực phấn đấu đạt được danh hiệu cao quý. Bản thân tôi đã từng nhận danh hiệu NSƯT từ năm 2007, nhưng ngoài bằng khen và tiền thưởng thì chẳng có chế độ nào thêm” - NSƯT Ngọc Thủy tâm sự.

Chị cũng đã có nhiều năm tham gia giảng dạy chương trình đưa dân ca vào học đường nhằm phát huy dân ca kịch bài chòi trong đời sống đương đại, theo dự án sân khấu học đường  được Sở VH-TT&DL và Sở GD-ĐT phối hợp thực hiện. Kể từ năm 2013, chị cùng đồng nghiệp tập huấn dân ca kịch bài chòi cho 59 câu lạc bộ của các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Qua các lớp này, chị nhận ra rằng, ban đầu các em học sinh chưa biết hát dân ca, nhưng sau thời gian học, hiểu được dân ca, các em đã hát và diễn khá tốt. Cũng như các câu lạc bộ Đàn và hát Dân ca của các xã xây dựng nông thôn mới, đến bây giờ họ vẫn khao khát được hát, được thể hiện niềm đam mê của chính mình. Quan trọng là cách truyền đạt của người dạy cần tạo niềm hưng phấn cho người học. NSƯT Ngọc Thủy cho rằng, để dân ca được phát triển trong đời sống, ngành văn hóa cần phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng đề án đưa dân ca trở thành môn học chính ở bậc tiểu học và THCS. Điều này không phải mới, nhưng để bảo tồn và phát triển dân ca phải làm cho nó ngấm từ từ, cho các em hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật dân tộc. “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam vừa được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là động lực để các ngành chức năng sẽ có kế hoạch bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, và là cơ hội khôi phục và phát huy đúng giá trị đích thực của bài chòi” - NSƯT Ngọc Thủy nhận định.

Chị thành đạt trên bước đường nghệ thuật nhưng lại không trọn vẹn trong hạnh phúc riêng tư. Bù lại, chất men dân ca đã làm thăng hoa đời sống của chị, như một niềm hạnh phúc trong cuộc đời nghệ sĩ...

THANH VÂN

THANH VÂN