Mùa cưới...
Tháng Mười âm lịch, cùng với mùa giỗ chạp cũng là… mùa cưới! Đến mùa cưới tôi lại nhớ đến hai câu thơ của anh bạn cũ: “Đêm nay ánh lửa địa đàng/ Sáng trong mùa cưới đưa tang một đời!”. Hèn chi đứa cháu họ nói vui khi nó đến nhà đưa “sổ đỏ” (thiệp mời): “Con chuẩn bị… ở tù rồi bác ơi!”.
Một đám cưới ở nông thôn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Có tuần tôi nhận đến 4 - 5 cái “sổ đỏ”, nhiều mà lại trùng giờ, nên có khi phải “chạy sô”, chỉ ngồi mỗi nơi mươi phút hoặc có khi đến… bỏ bì rồi chạy đến đám khác. Bà con nội ngoại, bạn bè thân hữu, cùng làm việc ở cơ quan… mời dự đám cưới đã đành và mình không thể vắng mặt. Có khi phải nhận lời mời làm đại diện nhà trai, nhà gái thì cố mà ăn diện một chút, rồi phải chuẩn bị cả lời phát biểu nhận dâu nhận rể, không hề đơn giản. Đừng tưởng anh viết văn, viết báo rồi có thể nói được trong vai trò đại diện nào đó trong đám cưới mà được đâu! Bên đối tác lại có những cụ già vai ông vai cố, chữ nghĩa cùng mình nên ăn nói là cực khó. Vậy là phải hỏi thăm trước thành phần bên gia đình hôn phối. Lại phải hỏi các vị am hiểu lễ nghi. Và đặc biệt là chớ nói dài dễ bị hớ. Cứ lời ăn tiếng nói chất phác, cụ thể chứ đừng nên nói chữ văn hoa, rất dễ bị bắt bẻ. Tôi mấy lần giữ vai tuồng này, may mà êm xuôi. Nhưng cũng… ớn!
Có những người chỉ quen biết sơ qua, đến đám cưới con cái họ cũng mang “sổ đỏ” đến nhà thì thật khó. Không đi thì sợ mất lòng, mà đi thì không dàn xếp được thời gian và phải tính toán đến… đồng lương hưu của mình. Câu chuyện thật nhạy cảm! Cho nên thấy các nhà hàng tiệc cưới xây dựng “hôn trường” rộng đến cả nghìn chỗ ngồi, cũng biết họ đã nghiên cứu rất kỹ hành vi của khách hàng thời nay.
Anh bạn tôi làm nghề hớt tóc ở quê kể, có tuần anh nhận 8 cái thiệp mời. Mỗi cái bỏ bì cũng phải 200 nghìn. Hớt tóc thì thu nhập bạc cắc, ai cũng biết. Vậy là phải đi mượn tiền tích góp của chị vợ có nghề chính là nuôi chục con gà và làm vài sào lúa! Ở quê, đám cưới người ta mời ít nhất là cả xóm, nên đừng tưởng chi phí cho phần hiếu hỷ này là nhỏ. Mấy người bà con của tôi, thường sau vụ mùa, ngoài chăn nuôi ít heo gà thì còn đi làm thêm phụ hồ, chở đất cát hoặc các công việc cần lao động khác, miễn là… khỏi ở không, mới có thêm “dự trữ” cần thiết. Vậy nhưng theo đứa cháu gọi tôi bằng chú: “Đến mùa cưới là… ná thở luôn!”.
Tôi có anh bạn là một nhà khoa học ở Pháp. Anh kể, cả đám cưới con trai và con gái anh, chúng nó chỉ mời mấy chục khách là bạn thân và đồng nghiệp. Cha mẹ hai bên (cả người Pháp và người Việt) đều được con cấp “quota”, mỗi bên chỉ mời 10 khách. Nếu mời thêm, phải báo trước và… bỏ thêm tiền! Hết. Thành ra đám cưới chỉ khoảng 100 người trở lại mà nghi lễ, cả truyền thống lẫn hiện đại đều đầy đủ. Các nhà hàng tiệc cưới ở bên Mỹ (thường dành cho người bản xứ) mà tôi chụp ảnh được cũng chỉ nhỏ như một tiệm ăn bên mình và tối đa mấy chục người. Hôn lễ người ta tổ chức theo nghi thức tôn giáo ở nhà thờ là chính.
Nghiên cứu về hôn nhân ở Việt Nam, nhà dân tộc học Nelly Krowolski (Trung tâm Quốc gia khoa học Pháp) nhận định, đại ý đó là một gánh nặng tài chính mà các gia đình phải gánh chịu trong một thời gian dài. Chị cho rằng: “Truyền thống giữ thể diện trong xã hội Việt Nam từng bị nhiều nhà cải cách lên án tưởng như đã bị chôn vùi, lại sống dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Kết quả là để cưới gả con cái, các bậc cha mẹ phải tiêu phí rất nhiều tiền…”. Đó cũng là một biểu hiện của “khuynh hướng khoa trương” trong các xã hội nghèo khó mà các nhà kinh tế học từng phân tích.
NGUYỄN SÔNG HÀN