Mầm sống nơi Khe Chữ - Bài cuối: Chờ ngày nắng lên
Gian khó vẫn còn, nhưng mồ hôi của những chiến sĩ đổ xuống công trường Khe Chữ (xã Trà Vân, Nam Trà My) đã xua đi cảnh hoang vu của núi rừng. Giờ đây, thung lũng nhỏ bé bên đường Đông Trường Sơn bắt đầu mang dáng dấp của một ngôi làng thực sự…
Tin liên quan
|
Phút giải lao cuối ngày của nhóm thanh niên nơi sân bóng chuyền cạnh các túp lều tạm ở Khe Chữ. |
Kỳ tích từ dân vận
Nóc Ông Tuân (thôn 2, xã Trà Vân), nơi xảy ra vụ lở đất kinh hoàng làm 5 người chết và 9 người bị thương, vẫn ám ảnh những ai đi ngang qua, dù biết sự việc xảy ra đã hơn một tháng. Chúng tôi đứng từ trên núi cao, nhìn về làng cũ, mọi thứ đều bị chôn vùi dưới lớp đất. Những ngôi nhà dọc theo con đường lên Khe Chữ, trống không, chỉ còn lớp nền gạch. Sườn gỗ đã được tháo dỡ, vận chuyển đến nơi ở mới. Đó là công sức của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5); Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chiến sĩ, dân quân của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, miệt mài chạy đua với mưa gió. Trung tá Lê Sỹ Hùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 315 chia sẻ, khó khăn lớn nhất ở Khe Chữ bây giờ không còn từ mưa gió nữa, mà là những “rào cản” về tập tục trong đời sống của đồng bào. Những ngôi nhà từ làng cũ, vì có người mất, như nóc Ông Tuân, họ sẵn sàng bỏ lại, nhất quyết không chịu tháo dỡ đưa về nơi ở mới, vì sợ… ma ám. Vì thế, nhiệm vụ của những người lính, vừa giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ, vừa làm công tác dân vận, để người dân chịu hợp tác, sớm ổn định cuộc sống lâu dài.
Chị Đinh Thị Thăm (nóc Ông Trung, xã Trà Vân) chuẩn bị vật liệu cho bộ đội dựng nhà. Nền nhà chị vốn là đất được người dân hiến tặng. |
Chúng tôi ngồi bên khung nhà vừa được dựng của vợ chồng ông Hồ Văn Tin. Di dời về từ nóc Ông Dương (thôn 2, Trà Vân), đây là một trong 4 ngôi nhà đầu tiên được dựng lên ở vùng đất Khe Chữ. Dưới cơn mưa rả rích, câu chuyện của ông Tin kể về làng, về tập tục của đồng bào Ca Dong khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ông Tin nói, chính ông trước đây cũng nghĩ sẽ bỏ đi những thứ thuộc về làng cũ, như một dòng ký ức đau buồn. Quy định của luật tục là khi đất đá đã tràn vào nhà vì sạt lở, lại thêm ám ảnh những “cái chết xấu” ở nóc Ông Tuân, nhiều người không dám dỡ nhà cũ để tái sử dụng. Nhưng cuối cùng, sau sự vận động miệt mài của các cấp chính quyền và cả bộ đội, ông cũng đã thay đổi lựa chọn, cùng các chiến sĩ dỡ khung nhà cũ ở làng để làm nguyên liệu dựng lại nhà cửa nơi vùng đất mới. Có nhà để ở, với ông là điều cần thiết nhất lúc này, khi cuộc sống phía trước vẫn bộn bề khốn khó. Ngày cán bộ, chiến sĩ giúp dựng nhà, ông Tin chạy đôn chạy đáo để hỗ trợ. Rồi tự vào rừng kiếm thêm cột kèo, sẵn sàng cho bộ đội. Chúng tôi nhìn người đàn ông trước mặt, tóc còn bết dính đất vì dầm mưa, nhưng nụ cười đã lộ rõ niềm vui, khi nghĩ về ngôi nhà mới, về cuộc sống mới, sau hơn một tháng dài sống trong căn lán ẩm thấp dưới chân núi Khe Chữ. “Xong khung nhà, dân quân sẽ giúp thi công phần nhà sàn theo kiến trúc truyền thống. Đây không chỉ là nguyện vọng của một mình tôi, mà cả làng ai cũng mong muốn như vậy. Có nhà mới để ở, tết năm nay cũng bớt lo hơn nhiều rồi” - ông Tin nói, rồi lại vội vã ngược rừng. Bộ đội đang cần thêm 2 cây gỗ nhỏ để làm kèo lợp mái.
Sẻ chia ân tình
Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, ngay sau xảy ra sạt lở, địa phương đã chỉ đạo cán bộ vào giúp dân, vận động bà con rút đi tránh thảm họa. “Sau khi ổn định bước đầu, chúng tôi đã khẩn trương vận động dân, lập quy hoạch cho hai khu tái định cư, trong đó có Khe Chữ. Từ đó san nền, dựng nhà cửa, phấn đấu có nhà ở cho người dân trước Tết Nguyên đán, đồng thời tính toán đến việc cấp đất để bà con khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, vì sạt lở quá lớn, huyện đã rất nỗ lực nhưng về lâu dài, địa phương không thể đủ nguồn lực để đầu tư hạ tầng, đường sá, cấp điện. Huyện cũng rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ trung ương, từ tỉnh cho khu tái định cư này” - ông Bửu chia sẻ. |
Vẫn là mưa. Mưa kéo dài suốt gần một tuần nay, sau những ngày hiếm hoi rớt chút nắng xuống vùng thung lũng. Đứng từ trên đồi dốc cách xa làng, phóng tầm mắt xuống, chúng tôi vẫn thấy rõ hình hài những nền nhà tươi màu đất mới, sau màn mưa. Đó là sự hiện diện rõ nhất của gia đình, là nơi cho một cuộc sống mới bén rễ, từ trong gian khó bây giờ. Màu đất mới, màu của hy vọng và sự hồi sinh. Những ngày ở lại Khe Chữ, nghe máy xúc ầm ào từ sáng sớm. Nơi nào cũng có bộ đội, với muôn vàn việc. Số nền nhà tăng dần đều theo từng ngày. Dân Khe Chữ thì bắt đầu ngược xuôi chặt thêm tre, tìm thêm cột, sẵn sàng cho bộ đội, dân quân dựng nhà. Bộ đội, chiến sĩ làm cả trong mưa cho kịp tiến độ. Chúng tôi đi ngang qua hiên nhà ông Hồ Đông Chương, ngôi nhà kiên cố duy nhất ở Khe Chữ trước cuộc di dân, đã thấy ông giật máy nổ, ngồi bào cột cho bà con ở trước hiên nhà. Ngày chính quyền vào khảo sát đường đi, vận động để xin đất mở đường, ông Chương gật đầu tình nguyện hiến một vạt đất với gần 100 gốc cây quế để làm con đường cho xe đi, cũng là lối đi lên một khu dân cư mới. Chừng một tuần sau, 10 nền nhà mọc lên ngay sát lối đi, cũng từ đất của một hộ dân khác - ông Hồ Văn Vàng. Đón bà con vào Khe Chữ, ông Vàng dành 6.000m2 đất rẫy cho bà con làm nhà, không đòi hỏi một đồng bồi thường của Nhà nước. “Ở đâu cũng là người Ca Dong mình, cũng là anh em bà con với nhau cả. Làm rẫy thì có thể còn chỗ khác, nhưng đất để dựng nhà thì ít lắm. Mà bây giờ bà con đang phải ở trong lều, mình cũng đang ở trong lều, mong chờ có nhà biết bao nhiêu. Vậy nên xã nói là mình ủng hộ ngay” - ông Vàng giải thích.
Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân Nguyễn Thanh Luận nói, Khe Chữ được quy hoạch với diện tích gần 36ha, cán bộ địa chính xã ở lại luôn với bộ đội, phối hợp đo đạc, cấp đất để san ủi cho bà con dựng nhà. Đất đai, cây cối đều nhờ vận động bà con hiến tặng giúp nhau, chứ với điều kiện khó khăn hiện tại, huyện cũng không có nguồn lực để bồi thường. “Ban đầu, cũng có đôi ba trường hợp còn băn khoăn chưa đồng thuận. Nhưng bằng mọi cách, từ kiên trì vận động, nhờ các già làng can thiệp, đến họp dân giải thích, để họ chấp thuận nhường đất, chia sẻ cho các gia đình khác có nơi ở. Dân đồng thuận và ủng hộ, bằng cách những gia đình có đất thì cho lại, còn người mới đến cũng sẵn sàng đóng góp một ít của nả bù cho người hiến đất, gọi là để cảm ơn tùy theo điều kiện của mình” - ông Luận kể.
Đi qua ám ảnh sạt lở, Khe Chữ lặng lẽ chuyển mình. Từ những mảnh ruộng, rẫy hoang vu, đường được mở, xe xúc ầm ào tiến vào phía rừng, mở mặt bằng. Đổi khác qua từng ngày. Người còn phải ở trong lều cũng bắt đầu chung niềm háo hức với những người đã có nền hoặc bắt đầu dựng nhà. Dù đêm xuống, vẫn phải chen chúc nhau trong căn lều tạm, nhưng họ bắt đầu có quyền nghĩ đến ngôi nhà của riêng mình trong nay mai. Chúng tôi cùng chung niềm háo hức với bà con nơi này, về một khu tái định cư cho gần 100 hộ dân sẽ mọc lên giữa thung lũng. Không sạt lở, sát đường Đông Trường Sơn, quy hoạch bài bản để tiện đi lại, thông với khu sản xuất của bà con nơi làng cũ...
Chúng tôi băng qua những túp lều tạm của dân giữa cánh đồng. Một nhóm thanh niên đang chơi bóng chuyền giữa ruộng, tiếng cười nói râm ran một vùng. Qua những đau thương, yên bình đã trở lại với đồng bào Trà Vân từ những phút thảnh thơi cuối chiều nơi sân bóng nhỏ này. Họ đang chờ một ngày khác, nắng lên, nơi không còn những căn nhà đổ…
Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC