Mầm sống nơi Khe Chữ - Bài 2: Đi theo con chữ

Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 20/12/2017 08:51

Khi đất đá phủ vùi, điểm trường ở nóc Ông Tuân (thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) cũng cùng chung số phận với bao ngôi nhà nơi này. Dân rời trường, thầy cô giáo lại khăn gói đi theo học sinh tìm về Khe Chữ. Cái khổ chia đều, để tiếng đọc bài ê a vẫn vang giữa thung lũng sâu…

Tin liên quan

  • Mầm sống nơi Khe Chữ - Bài 1: Niềm tin trở lại
Lớp học “dã chiến” được thầy cô mượn tạm trong lán trại của một đơn vị thi công ở Khe Chữ.
Lớp học “dã chiến” được thầy cô mượn tạm trong lán trại của một đơn vị thi công ở Khe Chữ.

Lớp học “dã chiến”

Đôi mắt trong veo của lũ trẻ con ngước nhìn khách lạ, rồi nhanh chóng quay trở lại với cuốn sách trước mặt, tiếp tục giờ học. Đã có sách vở mới được cấp, sau những ngày dài thiếu thốn. Tấm bảng lớn cũng được gùi vào, thay cho mảnh ván cũ mà hôm trước thầy giáo còn dùng tạm để dạy học. Thầy Lê Châu Khánh, đã có một năm bám bản dạy học ở nóc Ông Tuân, giờ lại theo chân bà con di dời về Khe Chữ. Quen với khuôn mặt của từng đứa trẻ, thầy Khánh quen luôn cả bố mẹ chúng, trong những lần đi vận động học sinh trở lại lớp. Và lần này, sau đợt sạt lở, không còn cách nào khác, thầy khăn gói đi theo học sinh, theo con chữ đến nơi này.

Lũ trẻ dường như không để ý đến những khó khăn trước mắt mình. Với chúng, bàn nào cũng là bàn, và dù có lạnh hơn đôi chút, nhưng một không gian mới khiến chúng có phần thích thú hơn. Thầy Khánh kể, ngày đầu vào Khe Chữ, hơn 20 em học sinh chỉ còn đúng 2 quyền sách cũ nát, vì toàn bộ sách vở đã bị vùi, không thì cũng rách ướt. Hơn một tuần sau đó, sách vở mới được chuyển vào cho các em. Vẫn học. Lều của bà con đang dựng, đã thấy thầy Khánh lò dò đến xin cho các em đi học. Không có chỗ, căn phòng của đơn vị thi công đường Đông Trường Sơn được mượn tạm làm lớp. Than làm phấn, mảnh ván làm bảng, các em vẫn đến lớp để kịp chương trình. Còn thầy Khánh thì cuối tuần lại tất tả ra điểm trường chính để xin thêm sách vở, bút thước cho học sinh. Mùa mưa, con đường đất nhão nhoẹt, cách tốt nhất là… đi bộ. Mà có hề gì, kể từ khi bám bản, đôi chân của thầy giáo trẻ đến nhà dân vận động có khi còn nhiều hơn đến lớp. “Thương tụi học trò nhỏ phải vất vả theo gia đình. Dân ở đây nhà nào cũng khổ, sau sạt lở còn khổ hơn. Mấy đứa nhỏ nhìn vậy nhưng mà chăm học, phụ huynh họ cũng giúp đỡ thầy cô nhiều lắm” - thầy Khánh nói.

Vận động xây lớp học kiên cố cho Khe Chữ

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, thời gian qua, cùng với nỗ lực hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở, tránh nguy cơ sạt lở, huyện cũng đã tính đến các giải pháp hỗ trợ việc dạy và học ở khu tái định cư Khe Chữ. Các trường đã điều động giáo viên cắm bản, tiếp tục chương trình học của học sinh, hỗ trợ kịp thời sách vở và một số trang thiết bị tạm thời cho các em học. “Hiện tại công trình phòng học được gấp rút xây dựng, lợp tôn, đóng ván để lấy chỗ làm điểm trường cho các em. Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền huyện sẽ tích cực vận động các nhà hảo tâm, đề nghị các cấp hỗ trợ kinh phí để có nguồn xây dựng một điểm trường kiên cố, đảm bảo việc học hành đàng hoàng tại khu tái định cư Khe Chữ” - ông Bửu cho biết.

Vùng cao mùa đông rét. Hơi lạnh theo những cơn gió lùa vào lớp học. Mùa này, trăm ngàn cơ cực. Càng cơ cực hơn nữa khi cả Khe Chữ vẫn đang là những mái lều tạm bợ. Một khu trường lớp mới đang được khẩn trương thi công cách lớp học bây giờ không xa. Nhưng mưa gió ngổn ngang, thầy và trò xác định “dã chiến” một thời gian nữa, vì cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. Vậy là cùng ăn, cùng ở, cùng bám trụ. Biết bao lần ngã nhoài trên đường đến lớp, lấm lem bùn đất, lũ trẻ vẫn không vắng mặt. Thầy thì đã chờ sẵn ở đó, với những bài giảng. Học tạm, lớp ghép, thiếu thốn từ cái ăn, nơi nghỉ, nhưng tiếng đọc bài của lũ trẻ vẫn vang theo từng tiết học. Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân - ông Nguyễn Văn Luận kể, chuyện dạy học ở nơi này chông chênh như chính những ngôi nhà tạm kia, nhưng chưa bao giờ các thầy cô để học sinh bỏ lớp. Thiếu sách, thiếu vở thì dùng chung. Không có trang thiết bị thì học chay, rồi múa hát, thể dục. Thầy cô đã làm mọi cách để lũ trẻ được đến trường, để con chữ không rơi rớt lại trên hành trình di dân lịch sử của gần 100 hộ dân đang về Khe Chữ. Dân nơi này biết cái ơn đó. Con chữ lăn tròn theo dốc núi, theo cuộc dời làng, để những đứa trẻ lớn lên mà không đứt mạch học hành, dù chỉ là dăm ba bữa…

Thắp những ước mơ

Cách đây chừng mươi ngày, tôn, thép được đưa vào Khe Chữ, để dựng lớp cho gần 50 em học sinh, từ một nhà tài trợ. Người lớn có thể đã quen với cái khổ, nhất là sau vụ sạt lở. Nhưng còn lũ trẻ, chúng cần lắm một nơi ngồi học không còn run lên vì gió lùa, cần bàn ghế vừa vặn với dáng người nhỏ xíu của mình. Đó cũng là điều mà cô giáo Hồ Thị Ngọ, giáo viên mầm non ở điểm trường Khe Chữ nói với chúng tôi: “Cần nhất là lớp học mau được hoàn thành để cho các em học hành đàng hoàng hơn, đầy đủ hơn. Bây giờ cực quá. Tụi em phải nhờ chính quyền huy động người cõng sách vở, cõng bàn ghế, được 2 cái bàn nhỏ dành cho 25 em mẫu giáo, ngồi học ngay bên cạnh lớp ghép 1 - 2 của thầy Khánh. Hôm trước còn không có bàn, cả cô cả trò ngồi bệt dưới nền nhà dân mà học, giờ cũng đỡ hơn rồi, nhưng lâu dài thì tội các em”.

Dù gặp nhiều khó khăn các em vẫn  đều đặn đến lớp.
Dù gặp nhiều khó khăn các em vẫn đều đặn đến lớp.

Cô Ngọ có 4 năm dạy học ở Trà Vân, vừa chuyển vào điểm trường ở nóc Ông Tuân được gần một năm thì xảy ra sạt lở. Lại lục tục theo học trò. Lớp cũ có 20 em thì 16 em vào Khe Chữ, 4 em còn lại theo gia đình tái định cư ở một khu khác. Trong khi đó, Khe Chữ đón gần 100 hộ từ nhiều nóc. Vậy là cô giáo vừa dạy học, vừa đến từng nhà khảo sát, vận động phụ huynh đưa các em ra lớp. Đến giờ, lớp học có 25 em. Ba tuần liên tiếp kể từ ngày di dời, cô Ngọ ở lại trong bản, giữ chân học trò. Ăn ở thì góp gạo nhờ dân, cuối tuần lại đi vận động. Cứ thế, bước chân cô giáo đồng hành với những bước đi của học trò, của dân, sống chung với cả những nỗi khổ mà dân đang trải. May mắn, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tất cả bà con đều thương yêu các thầy cô cắm bản, nhiệt tình để con em họ đến lớp mỗi ngày. Cùng với đó, hàng trăm cán bộ chiến sĩ các đơn vị đang làm nhiệm vụ giúp dân dựng nhà cũng tham gia các giờ ngoại khóa, vui chơi, kể chuyện cho lũ trẻ. Khe Chữ không thiếu… chữ. Nụ cười trở lại, sau những ám ảnh sạt lở và lo toan của cuộc sống thường ngày.

Cuối tuần, có lịch tập huấn, cô Ngọ lại tất tả ra lại điểm trường chính để dự tập huấn. Trời đang mưa. Chúng tôi bày tỏ ái ngại với con đường mà mình vừa một phen bầm dập để trở vào Khe Chữ, nhưng đáp lại là nụ cười của cô giáo trẻ. Giáo viên cắm bản, chắc không còn xa lạ gì với đất này, với con đường lầy lội này, và bao khó khăn có tên và không tên khác. Họ không nói về tình yêu con trẻ, cũng chỉ cười thay cho câu trả lời khi chúng tôi hỏi về động lực để bám trụ lại nơi này, trước bộn bề khốn khó. Nhưng nhìn vào lớp học, vào cuộc sống hiện tại mà các cô thầy đang cùng san sẻ với dân, đủ để biết họ không đứng ngoài cuộc. Chính quyền, bằng nỗ lực tái định cư, đang gieo niềm tin về cuộc sống mới cho người dân sạt lở. Còn họ, thầy Khánh, cô Ngọ, là người thắp tiếp ước mơ cho lũ trẻ con nơi này. Từ lớp học, những ước mơ có quyền không dừng lại, dù thầy cô đang phải đi theo con chữ, từng ngày…

------------------
Bài 3: Dấu chân người lính

Sự xuất hiện của màu xanh áo lính đã thắp lên niềm hy vọng cho đồng bào Ca Dong ở Khe Chữ và gieo mầm sống nơi vùng đất mới đầy bộn bề khốn khó này.

Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC