Tập trung nguồn lực cho phát triển
Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Trên cơ sở dự báo tình hình trong thời gian tới, nghị quyết đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp, đồng thời định hướng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đạt kết quả.
Năm 2018 Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư có lựa chọn theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. TRONG ẢNH: Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.L |
Tỉnh ủy nhận định, năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển, như hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp. Trong khi đó, biến đổi khí hậu diễn ra theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt; thiên tai, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động lớn đến sản xuất và đời sống dân cư. Đặc biệt, sự thay đổi chính sách thuế về ô tô sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh…
Phát triển có chọn lọc
Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, Nghị quyết số 12 yêu cầu toàn tỉnh triển khai tốt các chương trình hành động của Tỉnh ủy đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư, nhất là tại khu vực ven biển, các dự án vùng đông nam, vùng tây của tỉnh, khu - cụm công nghiệp và đô thị…, theo định hướng phát triển mạnh ngành công nghiệp cơ khí sản xuất, lắp ráp ô tô, các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Về lâu dài, hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng gắn với lợi thế và nguồn lực của từng vùng để ưu tiên phát triển; tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao thông qua lựa chọn, thu hút các dự án quy mô lớn.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết số 12 Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8 - 8,5% so với năm 2017; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 26.500 tỷ đồng; Thu nội địa tăng hơn 9% so với dự toán Trung ương giao năm 2017; Phấn đấu có thêm 12 - 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Giảm 5.000 - 5.500 hộ nghèo; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,5% so với tổng số lao động; Số giường bệnh (không tính trạm y tế xã) đạt 36,2 giường/vạn dân; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) còn dưới 12%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,3%; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 92%; Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom 89%; Kết nạp 2.800 đảng viên trở lên; phấn đấu không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém; Hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ... |
Đối với ngành nông nghiệp, Nghị quyết của Tỉnh ủy xác định cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ. Toàn tỉnh rà soát quy hoạch, thu hút đầu tư các vùng nuôi trồng tập trung, ổn định lâu dài và công nghiệp chế biến thủy sản; tập trung xúc tiến, triển khai các nhóm dự án nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng thuộc vùng tây của tỉnh… Về du lịch và dịch vụ, Tỉnh ủy yêu cầu tập trung quảng bá, đa dạng các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp với văn hóa, tiềm năng của địa phương. Chú trọng phát triển du lịch biển đảo, sinh thái - văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với lồng ghép các chương trình tôn tạo, bảo vệ và phát huy di sản, di tích, khôi phục và phát triển làng nghề.
Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2018, Tỉnh ủy tiếp tục nhấn mạnh đến việc triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, phát triển, khớp nối hạ tầng giao thông thông suốt giữa vùng đông và vùng tây, giữa đô thị và nông thôn; tăng cường kết nối giao thông giữa các vùng trong tỉnh, giữa cao tốc với quốc lộ và tỉnh lộ, giữa các tuyến đường huyện và đường tỉnh. Mặt khác, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, nhằm huy động tối đa các nguồn lực, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, phấn đấu giải quyết hơn 90% thủ tục tại trung tâm. Gắn với 2 nhiệm vụ trên, các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nhân lực chất lượng cao.
Song song với 3 nhiệm vụ đột phá, việc “đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh” là vấn đề Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt trong năm 2018. Theo đó, các địa phương cần phối hợp triển khai hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để kịp thời bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời có các cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các quỹ về bảo lãnh tín dụng, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp ở các doanh nghiệp; xây dựng phương án hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp…, hướng đến mục tiêu phát triển thêm khoảng 1.100 doanh nghiệp.
Để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển, Nghị quyết của Tỉnh ủy đặt ra vấn đề đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức huy động vốn, đặc biệt là huy động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, trọng tâm là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội. Toàn tỉnh tập trung nguồn vốn nhà nước cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, đảm bảo nguồn vốn đối ứng kịp thời, đầy đủ để triển khai thực hiện. Tỉnh và các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút dự án FDI, khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất.
Chú trọng khu vực nông thôn, miền núi Ngày 10.10.2017 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh. Trên tinh thần đó, theo Nghị quyết số 12-NQ/TU về phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Tỉnh ủy sẽ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16; đồng thời yêu cầu các ngành, địa phương miền núi đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, việc thực hiện di dời, sắp xếp dân cư miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Để người dân miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy cũng định hướng tập trung phát triển cây công nghiệp, nguyên liệu, dược liệu, cây ăn quả và một số cây bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương. Ngoài ra, tăng cường công tác giao khoán bảo vệ rừng, tập trung phát triển trồng rừng sản xuất; tiếp tục khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với khu vực nông thôn vùng miền núi cũng như đồng bằng, Tỉnh ủy chủ trương tiếp tục đầu tư kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH, giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất; thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy và xây dựng nông thôn mới theo Kết luận số 24-KL/TU ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động phục vụ các nhóm dự án trọng điểm tại vùng đông nam, vùng tây của tỉnh, đào tạo có địa chỉ gắn với nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu để tham gia sâu vào thị trường lao động thế giới với yêu cầu ngày càng cao. |
TRƯỜNG ĐỒNG