Hũ gạo tiết kiệm của phụ nữ
Thời gian qua, các chi, tổ hội phụ nữ trên địa bàn xã Bình Giang (Thăng Bình) đã tổ chức, xây dựng nhiều mô hình để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” đem lại hiệu quả cao, được chị em hưởng ứng tích cực.
Trong 7 năm qua, nhà máy xay xát của bà Trần Thị Em (tổ 19, thôn Bình Túy, xã Bình Giang) trở thành điểm đến của nhiều chị em phụ nữ. Chẳng ai bảo ai, chị em máy gạo thì tiện tay góp vào hũ gạo tiết kiệm đã đặt sẵn ở một góc. Còn chị em nào trong tháng không đi máy gạo thì cũng tự xách gạo đến để đóng góp. Người nào góp đủ 1kg gạo trong tháng thì được bà Trần Thị Em gạch chéo vào bảng ghi chi tiết của mô hình treo trên tường. Bà Trần Thị Em cho biết, trước đây mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” đã được nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Xáng (người con của địa phương) thành lập vào những năm kháng chiến cứu nước, bây giờ chị em trong tổ phát huy. Tham gia mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” từ năm 2010 đến nay, chị Nguyễn Thị Lan (tổ 19, thôn Bình Túy, xã Bình Giang) vẫn giữ thói quen như ngày đầu. Cứ khi nào đến chỗ xay gạo, chị lại cân đủ 1kg, thậm chí là 2 - 3kg để góp vào hũ gạo tiết kiệm. Chị Lan tâm sự, phụ nữ ở nông thôn, chủ yếu sống với ruộng vườn. Ở đây, tiền thì thiếu nhưng lúa gạo dồi dào. Vậy nên, khi chị em trong tổ vận động góp gạo, chị đồng ý ngay.
Mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” do Chi hội phụ nữ thôn Bình Túy triển khai từ năm 2010 đến nay tại tổ 18 và 19. Từ mô hình này, Chi hội phụ nữ thôn đã thu về gần 10 tấn gạo. Từ số gạo này, Chi hội phụ nữ thôn đã kịp thời cứu trợ, trao đến tay những hội viên phụ nữ khó khăn, những hộ già yếu, neo đơn thiếu ăn mùa giáp hạt. Cùng với đó, từ số gạo, chi hội đã quy ra tiền để thăm hỏi các chị em ốm đau, bệnh tật, con em các hội viên học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Tính đến nay, tổng số tiền còn lại từ mô hình là 40 triệu đồng. Số tiền này, Chi hội phụ nữ thôn đã cho 15 hội viên phụ nữ nghèo mượn để mua bò, heo và cho con ăn học. Theo bà Đỗ Thị Hoa - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Bình Túy, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” của 2 tổ 18 và 19 đã có 120 hội viên phụ nữ tham gia. Mỗi tổ đều đặt mô hình tại 2 nhà máy xay xát. Mô hình quy định, mỗi hội viên phụ nữ góp mỗi tháng 1kg, nhưng chị em có thể góp nhiều hơn, thậm chí là tiền để hỗ trợ các hội viên khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Thương (tổ 18, thôn Bình Túy) thuộc diện hộ nghèo của thôn từ nhiều năm qua. Gia đình ít đất sản xuất nên thường rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, nên được hỗ trợ gạo từ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”. Không những vậy, chị Thương được Chi hội phụ nữ thôn cho vay không tính lãi 9 triệu đồng từ mô hình này vào năm 2016, chị thêm vào 4 triệu đồng mua 1 con bò giống sinh sản. Bây giờ con bò cái đã cho bê con. Chị cho biết mình rất vui mừng, cố gắng chăm sóc bò rồi trả lại tiền vay để các chị khác tiếp tục nhận được sự giúp đỡ. Theo bà Nguyễn Thị Cảnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Giang, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” đã được duy trì từ nhiều năm qua, đã trở thành chất keo gắn kết tình làng nghĩa xóm, gắn kết chị em hội viên phụ nữ trong tổ với nhau. Tổ 18, 19 thôn Bình Túy vẫn còn nghèo nhưng chị em đã tự nguyện san sẻ những nắm gạo cho những gia đình khó khăn hơn, điều đó thật đáng quý.
G.BIÊN - TR.THỰC