Giữ truyền thống đất anh hùng
Cách đây 70 năm, vào ngày 16.12.1947, Chi bộ đảng xã Tiên Sơn (Tiên Phước) được thành lập, trải qua thời gian đã không ngừng phát triển và trưởng thành.
Khu trung tâm xã Tiên Sơn. Ảnh: P.H |
Nằm cách trung tâm huyện chừng 13km, xã Tiên Sơn có tổng diện tích tự nhiên hơn 2.300ha; dân số tại thời điểm năm 2017 khoảng 4.200 người, sinh sống ở 6 khu dân cư trên địa bàn. Trong lịch sử, quê hương Tiên Sơn tự hào là nơi sinh ra chí sĩ Lê Cơ - nhà thực hành cải cách xuất sắc gắn với tên làng Phú Lâm nổi tiếng cả nước trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX. Nơi đây cũng là một trong những khởi điểm của phong trào chống thuế ở Trung kỳ năm 1908, phản đối chế độ thuế khóa nặng nề của chế độ thực dân, phong kiến.
Phát huy truyền thống
Hơn một năm sau khi Đảng bộ huyện Tiên Phước thành lập, ngày 16.12.1947, tại nhà ông Nguyễn Xuyến ở thôn 5, Chi bộ xã Tiên Sơn được thành lập do đồng chí Huỳnh Chấn làm Bí thư. Đến tháng 4.1949 Chi bộ Tiên Sơn đã có gần 100 đảng viên, và đầu tháng 12.1949 chi bộ tổ chức Đại hội lần thứ nhất và được công nhận trở thành Đảng bộ xã Tiên Sơn. Đến năm 1959, do số lượng đảng viên không còn nhiều, tổ chức đảng của Tiên Sơn nhập với Đội công tác huyện phân công đứng chân tại địa phương thành lập trở lại Chi bộ xã Tiên Sơn. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm chống Mỹ, cán bộ, đảng viên, nhân dân, các lực lượng vũ trang địa phương đã kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách, đưa Tiên Sơn trở thành căn cứ địa của phong trào cách mạng tỉnh. Sau khi quê hương hoàn toàn giải phóng, Chi bộ xã Tiên Sơn tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống, chung tay góp sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Ông Bùi Thanh Trúc - nguyên Bí thư Chi bộ xã Tiên Sơn cho biết: “Sau ngày giải phóng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tiên Sơn đoàn kết một lòng, thống nhất hành động khắc phục mọi khó khăn từng bước đưa nền kinh tế địa phương đi lên, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững”.
Toàn xã Tiên Sơn hiện có gần 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 200 liệt sĩ, hàng trăm gia đình chính sách, người có công. Ghi nhận những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cán bộ, nhân dân Tiên Sơn gần 900 Huân chương Kháng chiến các loại, 500 Bằng Tổ quốc ghi công; đặc biệt vào năm 1995 xã Tiên Sơn vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập, Đảng bộ xã Tiên Sơn tổ chức sinh hoạt, gặp mặt và chiếu phim lịch sử đảng bộ địa phương tại 6 khu dân cư trên địa bàn; tặng 20 suất quà (500 nghìn đồng/suất) cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, cán bộ, lãnh đạo Đảng bộ xã qua các thời kỳ; tổ chức Hội thi tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tiên Sơn qua 70 xây dựng và trưởng thành. |
Tháng 8.1995, trước yêu cầu tình hình mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước ban hành quyết định nâng cấp Chi bộ xã Tiên Sơn thành Đảng bộ. Thời điểm này Đảng bộ có 45 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 6 chi bộ trực thuộc. Trong 10 năm liên tục (1995-2005) Đảng bộ xã Tiên Sơn được huyện công nhận đạt trong sạch, vững mạnh. Giai đoạn 2011-2015, khi Tiên Sơn là một trong 3 xã được huyện Tiên Phước chọn xây dựng nông thôn mới, đảng bộ xã đã tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn nói: “Đến nay, xã Tiên Sơn đã trở thành địa phương có tốc độ phát triển nhanh và toàn diện ở khu vực phía bắc Tiên Phước, là một trong 3 xã nông thôn mới đầu tiên của huyện. Hiện bình quân lương thực đầu người đạt mức 360kg/năm; toàn xã cải tạo được 120ha vườn tạp đưa vào trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như tiêu, lòn bon, thanh trà, sầu riêng… Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ 5,4 triệu đồng vào năm 2011 lên hơn 23 triệu đồng vào năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 hơn 53% đến nay giảm còn hơn 8%”.
Phát triển toàn diện
Bà Nguyễn Thị Hoa cho hay, những kết quả Tiên Sơn đạt được đến nay là do địa phương tập trung phát triển kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp. Trong đó, so với năm 2010, đến nay giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ địa phương tăng bình quân gần 30%/năm, trong đó dịch vụ vận tải chiếm tỷ trọng hơn 60%. Toàn xã hiện có 22 hộ kinh doanh dịch vụ vận tải, 27 hộ sản xuất công nghiệp, 51 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ khác. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ nguồn vốn cấp trên và người dân địa phương đóng góp, xã đã huy động hơn 65 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hiện 100% đường liên thôn và hơn 80% đường dân sinh trên địa bàn đã được cứng hóa; tuyến ĐT615 được Nhà nước đầu tư sửa chữa nâng cấp, mặt đường đã thảm bê tông nhựa. Trường THCS mang tên nhà chí sĩ yêu nước Lê Cơ được đầu tư xây dựng khang trang với kinh phí gần 7 tỷ đồng. Hệ thống điện, thủy lợi cũng được chú trọng đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Cuối năm 2015, Tiên Sơn là một trong 3 xã của Tiên Phước hoàn thành 19/19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trường THCS mang tên chí sĩ Lê Cơ được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 7 tỷ đồng. Ảnh: P.H |
Bí thư Đảng bộ xã Tiên Sơn Đặng Tấn Minh chia sẻ, bên cạnh việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ xã luôn chú trọng củng cố, xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, cũng đã đề ra mục tiêu tiếp tục giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong toàn đảng bộ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng thâm canh, tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, nâng cao dân trí, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành công xã văn hóa nông thôn mới.
PHẠM HOÀNG - NGUYỄN HƯNG