Hiến đất làm nghĩa trang nhân dân
(QNO) - Bỏ công sức khai hoang với mong muốn vươn lên nhờ kinh tế rừng, thế nhưng, khi biết được nhu cầu của người dân trong vùng cần một nghĩa trang tập trung, ông Đỗ Duy Lực không ngại ngần hiến đất.
Sau khi hiến đất cho người dân làm nghĩa trang thôn, ông Lực cũng thường xuyên đến thăm viếng và dọn dẹp nơi đây. Ảnh: PHAN VINH |
Chúng tôi tìm đến nhà của ông Đỗ Duy Lực (53 tuổi, ở tại thôn Nông Sơn, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn). Căn nhà có diện tích khá khiêm tốn, chỉ trong khoảng chưa đầy 40m2, ông Lực bố trí đến 2 cái giường ngủ, còn lại ông kê một chiếc bàn tròn để tiếp khách. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, thế nhưng, trên tường nhà treo dày những bằng khen, giấy khen. Đáng nói, đó là những giấy khen liên quan đến việc xây dựng phong trào nông thôn mới và toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Thắc mắc về điều này, ông Lực đưa chúng tôi ra một khu đồi vắng. Địa điểm này có tên là Gò Chân Chàng, nơi mà năm 2010, vợ chồng ông Lực đã bỏ công khai hoang hơn 3ha để làm kinh tế. Thế nhưng, đến nay, gia đình ông chỉ có thể canh tác được khoảng 1,5ha bởi phần diện tích còn lại ông đã hiến cho người dân trong thôn làm nghĩa trang.
Có nghĩa trang tập trung, người dân ở thôn Nông Sơn rất biết ơn ông Đỗ Duy Lực. Ảnh: PHAN VINH |
Ông Lực chia sẻ: “Trước đây, những người trong làng mất không có được một chỗ chôn cất đàng hoàng trong làng. Đa số người dân địa phương đều mai táng người thân của mình ở các khu đồi cách khá xa khu dân cư. Mỗi lần đi đưa đám như vậy, tôi thấy người dân rất cực. Sau đó, tôi nghe được nguyện vọng của các cụ trong làng muốn có đất để làm một nghĩa trang tập trung. Nhìn lại mảnh đất của mình, vừa rộng rãi, vừa không quá xa khu dân cư nên tôi trình bày ngay với các cụ và quyết định hiến một phần đất để làm nghĩa trang của thôn”.
Quyết định hiến đất làm nghĩa trang thôn của ông Lực đã làm cho nhiều người trong vùng thấy phấn khởi và cảm kích, nhất là những người đang làm việc tại Công ty CP Than điện Nông Sơn. Năm 1977, ông Phạm Văn Đức (57 tuổi), quê gốc Nam Định đưa cả gia đình vào Quảng Nam sinh sống và làm việc cho Xí nghiệp Mỏ than Nông Sơn (nay là Công ty CP Than điện Nông Sơn). Đối với những trường hợp như ông Đức, việc mai táng người thân nơi đất khách, quê người là một điều vô cùng khó khăn. Đất đồi không có như người dân địa phương nên ông phải bỏ tiền ra mua đất mai táng cho người thân. Thế nhưng phần đất mua được cũng cách xa khu dân cư hàng chục cây số. Nay, ông Lực hiến đất cho người dân trong thôn xây dựng nghĩa trang, khó khăn đó đối với họ đã không còn nữa.
“Lúc mẹ tôi mất, đưa về quê mai táng thì xa quá nên quyết định để mẹ ở lại Quảng Nam. Nếu như trước đây, điều tôi lo lắng nhất là việc tìm đất cho cụ, nhưng may mắn, vào thời điểm đó, anh Lực đã hiến đất làm nghĩa trang tập trung. Mai táng người thân ở nơi này tôi cảm thấy rất thuận tiện và dễ đi thăm viếng hơn” - ông Đức chia sẻ.
Nghĩa trang nhân dân thôn Nông Sơn được quy hoạch rộng hơn 1,5ha chiếm nửa phần diện tích mà ông Lực khai hoang trước đó. Ảnh: PHAN VINH |
Theo ông Trà Tiến Tài - Bí thư Đảng ủy xã Quế Trung, trong phong trào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều gương điển hình với những đóng góp thiết thực. Trong đó, tại thôn Nông Sơn, ông Đỗ Duy Lực đã nhiều lần được UBND xã Quế Trung và UBND huyện Nông Sơn biểu dương, khen thưởng để nêu cao tinh thần trong nhân dân.
“Cần đất để xây dựng nghĩa trang nhân dân từng là một câu chuyện bức xúc của người dân tại thôn Nông Sơn. Khi chúng tôi vận động nhiều người hiến đất thì chỉ có ông Lực đồng ý. Sau khi có chủ trương xây dựng và đưa vào quy hoạch, ông Lực đã chủ động mang sổ đỏ đi tách thửa phần đất đã hiến. Đây là một tấm lòng vì cộng đồng cần được nhân rộng trong cả cán bộ và nhân dân xã Quế Trung” - ông Tài cho biết thêm.
PHAN VINH