Cử tri quan tâm các vụ án phá rừng
Trước Kỳ họp thứ 6, HĐND khóa IX, nhiều cử tri quan tâm theo dõi diễn tiến xử lý các vụ phá rừng trọng điểm của lực lượng chức năng, trong đó có vụ phá rừng Tiên Lãnh (Tiên Phước) theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hiện trường vụ phá rừng Tiên Lãnh xảy ra cách đây vài tháng. |
Vấn đề cử tri quan tâm là phần lớn các vụ phá rừng có diện tích xâm hại lớn bị phát hiện khởi tố vụ án nhưng bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ do không xác định được bị can. Trả lời báo chí về vụ xâm hại rừng quy mô lớn ở xã Tiên Lãnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xác minh, điều tra vi phạm của các đối tượng. Đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý của cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để xảy ra việc khai thác rừng trái phép trong thời gian qua để xử lý theo quy định của pháp luật. Liên quan đến vụ án này, ngày 2.10.2017, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “hủy hoại rừng” xảy ra tại khoảnh 2, tiểu khu 557 và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Tiên Phước để điều tra theo thẩm quyền.
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, từ năm 2015 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã khởi tố tổng cộng 92 vụ án hình sự, trong đó có 70 vụ tội “hủy hoại rừng”, 18 vụ “vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng”… Sở dĩ đình chỉ nhiều vụ án phá rừng do không bắt được quả tang đối tượng vi phạm; những chứng cứ vi phạm để lại hiện trường gần như không có dụng cụ, phương tiện gì để làm cơ sở cho công tác điều tra... Thời gian qua, ngoài ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng cứng rắn, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp (nhất là cấp xã) về trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý. Đối với những vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng có dấu hiệu hình sự, giao UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành chức năng huyện phối hợp hỗ trợ kiểm lâm ngay từ đầu để đảm bảo việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác lập hồ sơ và điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX ngày 6.12, nhiều ý kiến đề xuất HĐND tỉnh nên thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm giao hẳn chính quyền địa phương thực hiện toàn bộ việc quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn thành lập các tổ quản lý, bảo vệ rừng và chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ rừng tại địa phương. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong xử lý các vụ việc liên quan để kịp thời và hiệu quả hơn.
TRẦN NGUYỄN