Vùng đất thăng hoa cho nghiệp diễn

THANH VÂN 10/12/2017 08:29

Sinh ra trong một gia đình lao động ở làng quê Cẩm Châu (TP.Hội An), mặc dù không phải là con nhà làm nghệ thuật truyền thống nhưng Ngọc Huệ đã sớm hình thành chất giọng dân ca khá đặc biệt. Chị cho rằng, có được chất giọng ấy là nhờ ảnh hưởng sâu sắc những lời ru của mẹ từ thuở còn tấm bé. Cũng như bao bà mẹ quê khác, mẹ chị hát ru những làn điệu dân ca ngọt ngào, đằm thắm của miền quê xứ Quảng, cho đến bây giờ trong sâu thẳm của ký ức chị vẫn còn nhớ.

Diễn viên Ngọc Huệ (bên phải)trong vở kịch Hội An không khói thuốc lá tại Liên hoan Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Quảng Nam năm 2013.
Diễn viên Ngọc Huệ (bên phải)trong vở kịch Hội An không khói thuốc lá tại Liên hoan Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Quảng Nam năm 2013.

Sinh năm 1965, nhưng Ngọc Huệ trông còn khá trẻ, trẻ cả trong chất giọng mà hơn 32 năm gắn với sự nghiệp ca hát, chị vẫn giữ được phong độ. Bắt đầu sự nghiệp ca hát vào năm 1985 từ phong trào văn nghệ ở cơ sở, lúc đó chị tham gia diễn kịch dân ca, thi hát đơn ca… Qua những lần tham gia diễn văn nghệ cho xã Cẩm Châu, chị được các nhà quản lý của Phòng Văn hóa - thông tin Hội An “để mắt” đến. Thời bao cấp không dễ gì vào được biên chế Nhà nước nhưng nhờ năng khiếu ca hát mà chị đã được một suất biên chế vào Đội thông tin lưu động của Hội An. Chị rất tự hào khi nhắc lại bước ngoặt đầu đời ấy. Sau đó, chị tham gia những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về hát dân ca do các nghệ sĩ của Đoàn dân ca kịch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) trực tiếp giảng dạy. Chị tập luyện nhuần nhuyễn các thể loại dân ca, hát ru, hay hô hát bài chòi… theo những làn điệu cơ bản như xàng xê, hò Quảng, cổ bản… Nhờ miệt mài khổ luyện, chị luôn được cổ vũ động viên không những của khán giả phố cổ Hội An, mà cả công chúng yêu dân ca trong và ngoài nước. Với niềm đam mê dân ca xứ Quảng, chị cùng đồng nghiệp trong đội thông tin Hội An đã mang đến cho công chúng xa gần những buổi diễn, những làn điệu đậm chất dân ca cổ truyền.

Còn với những vai diễn, chị nhập vai khá tốt, những vai “bi” chị thể hiện khá xúc động, chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Nói về kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp ca hát, chị kể, có một lần vấp váp trong diễn xuất, thế nhưng chị vẫn bình tĩnh xử lý tình huống để câu chuyện không bị “phô” và vẫn lôi cuốn khán giả. Hay những lần đi cơ sở diễn, chị nhập vai, bật khóc nức nở làm người xem cũng khóc theo... Đó là niềm vui, hạnh phúc thôi thúc chị gắn bó với nghệ thuật.

Diễn viên Ngọc Huệ hướng dẫn lớp học dân ca bên Chùa Cầu.
Diễn viên Ngọc Huệ hướng dẫn lớp học dân ca bên Chùa Cầu.

Những năm gần đây, chị cùng đồng nghiệp đi diễn ở nhiều nơi trong nước và quốc tế, diễn phục vụ các đoàn khách quan trọng, diễn tại các điểm lễ hội đêm rằm phố cổ... Đặc biệt, du khách rất say sưa, thích thú với lối hô hát bài chòi vừa cổ điển vừa cách tân. Họ say sưa đến mức quên để ý đến con cờ trên tay mình đã trúng thưởng. Hơn 10 năm nay, công việc dường như bận hơn bởi chị phụ trách lớp dạy hát dân ca cho học sinh trong trường học và du khách tại Chùa Cầu. Lớp học này được chị cùng các đồng nghiệp “truyền lửa” bằng tất cả lòng đam mê và tình yêu dân ca xứ Quảng.

Ở cái tuổi 52 nhưng chất giọng của chị vẫn còn sung sức như thời còn mới đôi mươi và gương mặt vẫn tràn đầy sức sống. Không gian dân ca trong những ca khúc của chị là những địa danh của đất Quảng thân yêu, là những cánh cò bay lả, những dòng sông xuôi chảy, những con thuyền chở nặng ân tình. Ở đó ta bắt gặp hình ảnh quê hương với bóng hình của mẹ, của cha, của những người dân quê thân thương đang dãi dầu nắng mưa, khuya sớm để làm nên bao mùa vàng trĩu hạt. Và trong không gian của phố cổ Hội An, những khúc dân ca đưa người nghe tìm về với phố xưa, với bao trầm lắng hoài vọng của đời người. Chị tâm sự rằng, vùng đất hội nhân, hội thủy, hội văn… đã làm thăng hoa sự nghiệp ca hát một đời mình gắn bó. Rằng, mình may mắn hơn các đồng nghiệp ở các nơi trong tỉnh bởi có cơ hội diễn nhiều nên nghề ca hát của chị cũng có “đất sống”.

THANH VÂN

THANH VÂN