Người già trong phố cổ
Buổi sáng trời hửng nắng, tôi dạo một vòng quanh phố cổ. Sau những ngày mưa lũ ẩm ướt, giờ đây, phố tươi mới hẳn khiến lòng cũng thêm sinh khí. Ngay góc Chùa Cầu, nụ cười của cụ già râu tóc bạc phơ ngồi nhìn ra sông Hoài càng khiến cho tôi cảm nhận thêm cái vẻ thanh bình của phố. Cụ đã ngoài 80, là bố của một người bạn gái ngồi cùng bàn, cùng lớp với tôi hồi trung học phổ thông và đã mất vì tai nạn giao thông. Dặn lòng là ngày giỗ của bạn sẽ đến thắp nén nhang, thế mà 25 năm trôi qua.
Người già ở phố cổ Hội An. Ảnh: Q.HẢI |
Hồi đọc được thông tin của Phòng Y tế Hội An công bố một số liệu điều tra cho thấy, cuộc sống an bình và môi trường yên tĩnh trong khu phố cổ là một trong những điều kiện quan trọng để kéo dài tuổi thọ cho người dân sống ở đây, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh người bố của cô bạn gái này. Cầm lòng không đậu.
Trong số hơn 3.800 người dân ở hai khối phố An Định và An Thái của phường trung tâm phố cổ là Minh An, có đến 560 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm tỷ lệ gần 15%. Còn cả phường, hơn 8.000 dân, thì có hơn 1.000 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ gần 13%. Đây là tỷ lệ khá cao so với 9.400 người cao tuổi trên hơn 90.000 dân Hội An (không kể người định cư ngắn hạn), chiếm 10,75%.
Thế nhưng, mỗi dịp dạo quanh phố cổ như thế này, hình ảnh vài cụ ông, cụ bà ngồi trên vỉa hè hay đứng tựa cửa nhìn ra đường khiến tôi nhận ra trong nếp sống thanh bình có điều gì đó như sự trống vắng, xa xôi ở cái đô thị cổ đang phát triển rầm rộ du lịch mà hồi xưa gọi là “thị xã dưỡng già” này.
Bày tỏ niềm vui về chuyện làm ăn tấn tới của con cháu, một cụ ông gần 80 tuổi sống tại số nhà 101 đường Trần Phú tỏ ra băn khoăn với tôi nhiều điều. Ông cho rằng: “Gần đây nhà cửa đã bán đi và cho thuê kinh doanh nên tôi lo cho cuộc sống không còn sự đoàn kết như hồi xưa nữa, không có sự giúp đỡ nhau như hồi xưa nữa. Tôi lo âu bởi nhiều bữa đi hết con đường mà chẳng thấy bóng một người hàng xóm nào...”.
Nỗi lo lan sang tôi khi chính nhà của cha mẹ mình ở trục đường Lê Lợi cũng đã cho thuê cả mặt tiền và phía sau. Theo giờ sinh hoạt của du khách, người thuê mở cửa kinh doanh từ 9h sáng đến 10h đêm rồi đóng cửa ra về. Bàn thờ ông bà trên gác được cha mẹ tôi dời ra ngoài nhà mới ở Cẩm Hà để tiện bề hương khói.
Một lần tranh luận xung quanh sự trẻ trung trong tâm hồn mỗi con người, tôi làm phật lòng một “người già” ở phố từng học Văn khoa Huế trước 1975 mà tôi thường gọi là Tía. Tía nhìn thẳng vào mặt tôi và nói: “Tía không nói chuyện với anh nữa, Tía sẽ đến nhà nói chuyện với bố mẹ anh”. Tôi thất kinh từ đó đến nay.
Chuyện đó khiến tôi nhớ hồi vợ mới sinh thằng cu. Đang ở bệnh viện Hội An thì nhận được một tin nhắn điện thoại của một người thầy, nay đã quá cố. Nội dung đại loại là chúc mừng con, rồi đề nghị tôi xem thử có hiểu gì về câu Hán văn nhắn kèm theo là “不孝有三, 無後為大” (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại). Với vốn Hán Nôm ít ỏi mỗi học kỳ 45 tiết hồi sinh viên tổng hợp Văn ở Huế và ám ảnh hai chữ “vô hậu” của người Huế thường dùng, tôi trả lời thầy là trong 3 cái bất hiếu thì cái bất hiếu lớn nhất là sinh con ra mà không dạy cho nó biết trước - biết sau, sống không có hậu, là mình đã bất hiếu với cha mẹ mình.
Sau này tìm hiểu tôi mới biết đó là lời của Mạnh Tử, chép trong thiên “Ly lâu thượng” của sách Mạnh Tử, nghĩa là “Tội bất hiếu có ba: không con nối dõi là tội lớn nhất”. Nhưng theo học giả An Chi - người “rong chơi với các con chữ” thì sách này không ghi lời giải thích của chính Mạnh Tử về hai điều bất hiếu kia. Đến Triệu Kỳ đời nhà Hán, khi chú giải sách Mạnh Tử, đã cho rằng, hùa theo cha mẹ để cha mẹ mắc vào chỗ bất nghĩa là tội bất hiếu thứ nhất. Nhà nghèo, cha mẹ lại già, thế mà không chịu ra làm quan để lấy bổng lộc mà phụng dưỡng cha mẹ là tội bất hiếu thứ hai. Không chịu lấy vợ, không có con nối dõi để cúng tế ông bà tổ tiên là tội bất hiếu thứ ba.
Dù giải thích thế nào, tôi vẫn tin về bản tính tự nhiên của con người mà nhà tư tưởng Khổng giáo nối tiếng đã nhận định: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nghĩa là người ta lúc mới sinh ra ban đầu vốn có tính thiện lương. Có lẽ vì thế mà nhà văn Nguyễn Tuân khen những đứa em cùng cha khác mẹ của mình ở Hội An là “hiền như củ hoài sơn”, một vị thuốc Đông y có thể điều hợp với nhiều loại thuốc có tính nhiệt, tính hàn xung khắc khác nhau…
Thì đời sống là vậy, đầy những điều thuận nghịch và thời gian trôi đi ai cũng có thể cầm nắm được “cái sự già”. Mà thực, người già trong phố cổ về căn bản có khác chi người già ở những nơi khác đâu, có chăng là họ không sống trong không khí trong lành của ruộng vườn, đồng nội, ít được gặp hàng xóm hơn, bận bịu với làm ăn buôn bán hơn và phần nào… cô đơn hơn.
Tôi nói với Tía là nước Việt thời phong kiến có tiêu chí để định nghĩa thế nào là người già, trong đó, sách “Đất lề quê thói” của học giả Thanh Nhất chép: “Lệ cứ đến sáu mươi tuổi là lên lão”. Luật Người cao tuổi do Quốc hội ban hành ngày 23.11.2009 ghi ở Điều 2: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”.
Tía bảo: “Biết chi cho nhiều, càng già dặn trong hiểu biết bao nhiêu thì nỗi cô đơn của anh cũng lớn bấy nhiêu”. Một người già trong phố cổ nói như thế có nghe được không?
QUỐC HẢI