Gặp lại thầy giáo đi bộ xuyên Việt vì biển đảo
(QNO) - TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) một sớm đầy nắng, gặp lại thầy giáo đi bộ xuyên Việt vì biển đảo cách đây 3 năm, ôn lại những kỷ niệm cũ và sẻ chia một vài dự định sắp sửa thực hiện...
Đó là thầy giáo Võ Mạnh Tuấn (31 tuổi), công tác tại Trường Trung cấp Nghề Kon Tum. Hơn 3 năm trước, người giáo viên trẻ này đã thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt kêu gọi hỗ trợ chương trình “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi”.
Thầy giáo Tuấn (bìa phải) cùng với Khánh - người bạn gặp nhau ở Núi Thành (ảnh chụp khi cả hai cùng ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: XUÂN THỌ |
Nhiệt huyết tuổi trẻ
Anh kể, khi nghe anh nói về dự định của chuyến đi bộ xuyên Việt ấy, không ít người cho rằng anh nói cho có và cốt để được nổi tiếng. Nhưng đâu ai biết rằng, Tuấn đã ấp ủ từ 7 năm trước đó, rồi thêm 2 năm tập luyện sức khỏe chuẩn bị.
“Trước chuyến đi 7 năm, mình được một người bạn cho xem clip hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988. Tháng 5.2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển của Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngư dân ta. Hai sự kiện này, cùng với những sự kiện liên quan, đã thôi thúc mình hiện thực hóa việc đi bộ kêu gọi ủng hộ con em ngư dân” - Tuấn tâm sự.
Tích cóp mấy tháng lương ít ỏi, mua vài vật dụng cần thiết, rồi được lãnh đạo trường cho nghỉ phép 2 tháng, ngày 19.7.2014, Tuấn bắt đầu hành trình chinh phục thử thách do chính mình đặt ra.
Từ thủ đô Hà Nội, sau 64 ngày đi bộ ròng rã, anh đến đích - TP.Hồ Chí Minh vào sáng 14.9. Suốt hành trình, hình ảnh những người chiến sĩ ngã xuống ở trận Gạc Ma như tiếp thêm sức mạnh, giúp Tuấn quên đi những khó nhọc.
“Mình không dám nói về những điều lớn lao, nhưng mình hy vọng chuyến đi này sẽ khơi được lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Điều này mình cảm nhận được trên đường đi, qua những dòng chia sẻ từ tin nhắn trên điện thoại và facebook, nhất là những hành động cụ thể. Người Việt mình rất tốt, và mình may mắn đã chạm đến lòng tốt của mọi người. Điều này như hành trang, người bạn đồng hành với mình trên mỗi sải chân. Về phía gia đình, sợ mọi người phản đối nên mình không cho biết, hành trình được khoảng một tuần mình mới cho hay, không ngờ ai cũng ủng hộ và luôn động viên” - Tuấn nhớ về những ngày đi bộ xuyên Việt.
Tuấn còn bảo, may mắn mà anh có được từ chuyến đi là được ngồi ăn từng miếng cơm đạm bạc với những gia đình ngư dân nghèo nhưng kiên cường bám biển; được nghe những cựu binh, ngư dân kể chuyện biển Đông.
Nhiều cảm xúc ở Quảng Nam
Hành trình có quá nhiều kỷ niệm, riêng Quảng Nam, Tuấn có rất nhiều cảm xúc với 3 đêm ngủ, 4 ngày đi. Ngày 19.8.2014, Tuấn đặt chân đến Quảng Nam. Chiều hôm ấy anh nghỉ chân tại Vinahouse ở thị xã Điện Bàn. Đêm đến, anh ngủ ở một quán trọ mà anh không nhớ tên, địa chỉ chính xác, “chỉ nhớ là từ Vinahouse đi vào, qua cây cầu dài dài, hình như là gần tới Thăng Bình”.
Anh bảo người Quảng thật niềm nở, ngay khi mới đặt chân đến Đà Nẵng, bạn của anh là chị Trịnh Huệ Phương, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam gọi điện hỏi thăm liên tục.
Đến Tam Kỳ, anh được chị Phương và nhiều bạn trẻ đón, chia sẻ nhọc nhằn, cũng như động viên anh chuỗi ngày tới. Sau đêm đầm ấm tình người ở Tam Kỳ (20.8.2014), sáng ra anh tiếp tục hành trình.
“Ở Núi Thành, sau cơn mưa bất chợt, mình như đã rưng rưng khi ngửi thấy mùi khói rơm rạ. Mình nhớ quê (quê Tuấn ở Gio Linh - Quảng Trị), ở nhà mẹ vẫn thường đốt rơm như vậy. Trên đất Quảng, dù không chuẩn bị nhang, nhưng mình vẫn tranh thủ ghé thăm, chắp tay thành kính ở các nghĩa trang liệt sĩ. Đêm 21.8.2014 ở Núi Thành, cũng có nhiều người đến hỏi thăm, bảo mình cố gắng hoàn thành hành trình” - Tuấn kể.
Cũng tại đây, anh gặp một bạn trẻ tên Khánh đi “phượt” bằng xe máy từ Hà Nội vào, người bạn này sau đó cũng loan gọi nhiều người ủng hộ chương trình mà Tuấn đang thực hiện.
Thầy giáo Võ Mạnh Tuấn (áo khoác đỏ) tặng xe đạp cho học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) vào tháng 1.2015. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tại Trường Trung cấp Nghề Kon Tum, Tuấn ở nhà dành cho giáo viên, người bạn cùng phòng của anh là thầy Liên quê ở Thăng Bình. Trước, trong và sau chuyến đi, người bạn này luôn hỏi thăm, tâm sự. Qua anh Liên, Tuấn biết rõ hơn về Quảng Nam, nhất là những vùng hay bị thiên tai.
Vì vậy, sau khi kết thúc chuyến đi, ngày 9.1.2015, anh cùng Liên về Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) trao 10 suất quà, mỗi suất là 1 chiếc xe đạp trị giá 1,5 triệu đồng cho 10 học sinh con ngư dân nghèo học giỏi. Anh bảo, số quà tuy nhỏ, số lượng tặng không nhiều, nhưng hy vọng qua đó, sẽ tạo động lực, giúp phần nào các em đến trường.
Ngang qua Quảng Nam, Tuấn biết có khá nhiều điểm tham quan, du lịch hấp dẫn, nhưng do tính chất của chuyến đi, nên anh không thể thăm thú. Công việc đặc thù của giáo viên cũng khiến anh không có nhiều thời gian, nhưng anh chia sẻ, đã lên kế hoạch cho những ngày về vãn cảnh Quảng Nam, thăm lại một số gia đình đã san sẻ nhọc nhằn với anh trong chuyến đi bộ xuyên Việt này.
XUÂN THỌ