Hồng Vân và "Còn mãi Khu 5"
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa in và phát hành tập sách “Còn mãi Khu 5” của nhà báo Lê Thị Hồng Vân, phóng viên Báo Quân khu 5, đang nghỉ chờ hưu. Tính đến năm 2017, Hồng Vân tròn 20 năm công tác ở Báo Quân khu 5, là người có bề dày viết về đất và người Khu 5. Mảng đề tài này được Hồng Vân thể hiện một cách chân thực, hệ thống và sâu sắc. Cùng công tác ở Báo Quân khu 5, tôi hiểu điều đã thôi thúc chị 20 năm bén duyên, gắn bó và thủy chung với Khu 5 bất khuất.
Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, thời kháng chiến chống Mỹ, cha đi chiến đấu, mới 2 tháng tuổi, Hồng Vân đã phải theo mẹ hết nhà tù này đến nhà tù khác của Mỹ - ngụy. Những cảm xúc ấy đã thôi thúc chị trước tiên viết về mẹ, về ngoại (Bóng ngoại, Tấm lưng còng của mẹ) rồi rộng hơn về những người con thủy chung, bất khuất của Khu 5 anh hùng. Khi đã tạo được dấu ấn, các bài viết được Báo Quân khu 5, Nguyệt san Sự kiện và nhân chứng của Báo Quân đội, cùng nhiều báo địa phương trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đăng tải, những câu chuyện sinh động, công phu và hấp dẫn càng lúc càng đến với chị nhiều hơn, dày hơn.
Viết về hiện tại đã khó, viết về quá khứ càng không dễ dàng vì phải ghi chép tỉ mỉ lời kể của các nhân chứng - những người phần vì tuổi cao, phần ít có thói quen ghi hồi ký, dễ nhầm lẫn sự kiện, nhân vật, mốc thời gian... Điều đó đòi hỏi người viết phải dụng công tìm đọc sách xưa, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu thu thập được nhằm xác minh, đưa đến công chúng những thông tin chính xác, tin cậy nhất. Đơn cử như để có bài viết “Chiếc áo của má Trương” (người đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ 3 chiến sĩ Sư đoàn 2 thoát khỏi trận càn của địch), chị phải ấp ủ, “nuôi dưỡng” đề tài suốt 10 năm trời mới đủ sức “giải mã”.
Đọc những bài báo viết về đất và người Khu 5 của chị, tôi và nhiều bạn đọc dễ bị thao thức, rồi ám ảnh. Có lúc tôi đã buột miệng hỏi vui: “Sao chị giỏi thế, viết về quá khứ cứ như… người trong cuộc, chứng kiến, đồng hành với sự kiện vậy?”. Chị cười cho rằng, đề tài quá khứ vẻ vang, không nhập cuộc làm sao viết nổi. Quả vậy, những bài báo của Hồng Vân đã lấy nhân chứng từ các nhân vật trọng yếu của quân đội, Quân khu 5 đến những cán bộ, chiến sĩ, quân và dân ta, nước bạn Lào, Campuchia… đã từng sống, chiến đấu trên chiến trường Quân khu 5 đánh giặc. Chính điều đó đã khiến chị khá dễ dàng giành giải Nhất “Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 70 năm Uống nước nhớ nguồn” do Báo Quân đội tổ chức. Những nhân vật hiện lên trong tác phẩm của chị đều sắc nét, thắm đượm lòng yêu nước, yêu chiến sĩ, đồng bào, thắm tình đồng đội…
Như lời bộc bạch ở phần đầu cuốn sách “Hạnh phúc nào hơn thế”, nhà báo Hồng Vân tâm sự: “Tôi không ngờ những gì mình làm lại có sức lan tỏa và được nhiều người biết đến”. Còn tôi, nâng niu cuốn sách mà từng bài viết đã đọc trên báo in (bản cắt gọn) và bây giờ đọc nguyên bản các tác phẩm, vẫn say sưa như bị “bỏ bùa”, càng đọc càng mê đất và người Khu 5. Phải chăng, “hiểu lịch sử, hiểu thế hệ cha ông để tự nhận ra mình và có trách nhiệm với quê hương đất nước” chính là điều Hồng Vân muốn gửi đến với bạn đọc hôm nay?!
NGỌC DIỆP