Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động: Phải tính yếu tố cộng đồng
Phát triển hạ tầng mạng viễn thông thụ động (trạm BTS) theo hướng bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng là nhiệm vụ đặt ra.
Việc triển khai xây dựng trạm BTS của nhà mạng gặp khó vì sự phản đối của người dân. |
Nhiều tồn tại, vướng mắc
Thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới trạm BTS của nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam đang đối diện một số khó khăn, nhất là việc triển khai, thi công trạm BTS gặp sự phản đối từ phía người dân. Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho rằng: “Do chạy theo tiến độ xây dựng công trình, không ít doanh nghiệp viễn thông đặt địa phương trong tình thế đã rồi. Nghĩa là, có khi doanh nghiệp được tỉnh cấp phép, đi vào triển khai xây dựng công trình và nghiệm thu rồi mới thông qua địa phương khiến công tác quản lý, kiểm soát về mặt nhà nước gặp lúng túng. Chưa kể, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài của người dân liên quan đến việc xây dựng trạm BTS của nhà mạng khiến địa phương khó khăn trong việc tìm phương án giải quyết”. Cũng theo ông Minh, hầu hết khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến trạm BTS đều xuất phát từ lý do lo ngại trạm BTS ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và lo ngại về độ an toàn của trạm BTS trước thiên tai, gió bão trong khu dân cư.
Tại Hội nghị Tập huấn kỹ năng quản lý hạ tầng viễn thông cho cán bộ cấp huyện do Sở TT-TT tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu đã đi sâu phân tích vấn đề trên. Ông Trần Minh Chính - cán bộ Phòng Quản lý đô thị, thị xã Điện Bàn cho rằng: “Công tác quản lý về trạm BTS của địa phương gặp khó do doanh nghiệp cung cấp thông tin về tọa độ, vị trí đặt trạm BTS còn qua loa. Quan điểm của thị xã là luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai hạ tầng mạng, song doanh nghiệp cũng cần có nghĩa vụ phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhân dân trong triển khai, thực hiện. Bởi có rất nhiều vụ tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp triển khai trạm BTS khiến chính quyền, đơn vị chức năng vất vả trong xử lý, giải quyết”.
Ông Lê Văn Mến, chuyên viên Phòng VH-TT huyện Đại Lộc cho hay, Đại Lộc có 113 trạm BTS của 4 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone, VinaMobile. Nhìn chung, khó khăn chính trong phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông vẫn là gặp sự phản ứng của người dân vì lo ngại trạm BTS ảnh hưởng tới sức khỏe, trong khi các chứng cứ khoa học đưa ra chưa thuyết phục họ. Hay theo một cán bộ Phòng VH-TT TP.Hội An, trong vòng 2 năm 2016-2017, Hội An chỉ phát triển được 1 trạm BTS ở phường Thanh Hà. Một địa điểm được quy hoạch khá thuận lợi ở xã đảo Tân Hiệp bởi không gặp sự phản đối của người dân thì lại khó khăn đối với doanh nghiệp vì chi phí đầu tư hạ tầng, mạng lưới trên đảo quá tốn kém. Được biết, lãnh đạo TP.Hội An từng ra quyết định đình chỉ thi công một trạm BTS loại 2 của nhà mạng Viettel ở phường Cẩm Nam do những sai phạm, vướng mắc.
Quản lý, quy hoạch chặt chẽ
Đề cập hướng giải quyết vướng mắc, khó khăn trong phát triển trạm BST, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu phát triển mạng lưới viễn thông, phát triển dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ, thiết bị thông tin liên lạc của nhân dân, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi phải có lưu lượng, đường truyền đảm bảo. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần chung tay giải quyết vướng mắc, khó khăn, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về các quy định pháp luật liên quan. Cũng theo bà Quyên về phía Sở TT-TT, sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn, tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp và người dân trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện. Song, Sở TT-TT cũng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về xây dựng trạm BTS. “Doanh nghiệp không thể chỉ lo chạy theo tiến độ, để xảy ra tình trạng đặt địa phương trong thế đã rồi. Nếu địa phương nào phát hiện vấn đề tương tự, Phòng VH-TT cần tham mưu UBND huyện xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Sở TT-TT và các đơn vị liên quan để có hướng hỗ trợ xử lý” - bà Quyên nói.
Trên thực tế, không chỉ xảy ra tình trạng doanh nghiệp chạy đua với việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS, bị người dân phản đối, cơ quan quản lý nhà nước “thổi còi”, mà một số doanh nghiệp còn phớt lờ công tác kiểm định trạm BTS và công bố sự phù hợp theo quy định của pháp luật. Thạc sĩ Vũ Ngọc Dương - Phòng Cơ sở hạ tầng và kết nối, Cục Viễn thông, Bộ TT-TT cho biết, lo ngại của người dân chủ yếu liên quan đến an toàn bức xạ điện từ nơi các trạm BTS. Theo thạc sĩ Dương, Bộ TT-TT hiện vẫn thống nhất quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (Who) khi cho rằng, chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm BTS có thể gây ảnh hưởng có hại cho con người. Bộ TT-TT quyết định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với các trạm BTS. Theo quy định, giá trị mật độ dòng năng lượng giới hạn đối với đối tượng trạm BTS là 2W/m2. Như vậy, các thiết bị trạm BTS thu phát trước khi đưa vào sử dụng, lắp đặt đều phải đảm bảo tuân thủ quy định về chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đồng thời các trạm này phải đáp ứng yêu cầu quy định trong QCVN:08:2010/BTTTT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng) mới được phép đưa trạm vào hoạt động.
HOÀNG LIÊN