Mô hình PPP tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

QUỐC HƯNG 26/11/2017 20:14

(QNO) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa có báo cáo mới nhất về hình thức đối tác công - tư (PPP) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 Một công trình hạ tầng giao thông thuộc dự án PPP tại Phlippines. Ảnh: iWeb.ph
Một công trình hạ tầng giao thông thuộc dự án PPP tại Philippines. Ảnh: iWeb.ph

Đến nay, hình thức PPP đã và đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới bao gồm khu vực châu Á - Thái Bình Dương. PPP được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Theo ADB, các quốc gia tại khu vực có thị trường tài chính phát triển, các định chế tài chính vững mạnh và các nguồn tài chính đa dạng có nhiều khả năng đảm bảo các dự án theo hình thức PPP. ADB theo dõi sự phát triển môi trường kinh doanh theo hình thức trên của các nước thành viên, nhằm cung cấp cái nhìn thấu đáo hơn cho các chính phủ trong việc tạo dựng môi trường vững mạnh cho các dự án PPP. Theo đó, 9 quốc gia đầu tiên nằm trong diện khảo sát lần này của ADB bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, với tổng đầu tư của các dự án PPP khoảng 57 tỷ USD.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết: “Các dự án PPP đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia tại khu vực, tuy nhiên rất cần một môi trường thuận lợi để các dự án đó thành công. Báo cáo của ADB sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư đưa ra các quyết định sáng suốt, quản lý tốt hơn những rủi ro và đảm bảo một môi trường ổn định hơn cho các dự án trên”. Kể từ khi Luật Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) ra đời vào năm 1990, đến nay Philippines thu hút 119 dự án PPP, nhiều nhất là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng (chiếm 65%), theo sau là giao thông, công nghệ thông tin truyền thông.

ADB ghi nhận trong những năm gần đây, Philippines đạt được thành thành công với các dự án PPP nhờ vào các chính sách hợp lý. Để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng cơ sở hạ tầng, Chính phủ Philippines xây dựng một chương trình chiến lược truyền thông toàn diện nhằm công khai, minh bạch trong giao dịch với khu vực tư nhân và thành công của dự án chủ yếu là thiết kế của một quá trình đấu thầu minh bạch và nhận thức giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, theo thống kê trong giai đoạn từ 2012-2016, đầu tư từ tư nhân của cả khu vực Đông Nam Á chỉ vào khoảng 15 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với những quốc gia hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Colombia.

ADB nhấn mạnh sản xuất năng lượng là lĩnh vực đầu tư thành công nhất trong khu khổ các dự án PPP với năng lượng tái tạo là những ngành chiếm ưu thế. Trong khi đó, nhu cầu hạ tầng tại khu vực khá lớn, ước tính khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên khu vực này thiếu khoảng 500 tỷ USD vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Do đó, hình thức PPP đang được chú trọng, là một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Một khi được thực hiện đúng, có khả năng đáp ứng nhu cầu hạ tầng khổng lồ của khu vực, tác động tới năng lực và tài nguyên của khu vực tư nhân đi theo mục tiêu chung là phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Alexander N. Jett, chuyên gia về PPP tại Văn phòng Quan hệ PPP của ADB cho hay, có rất nhiều cách để các nước có thể vượt qua những thách thức đối với sự phát triển của PPP. Trong số các giải pháp đó là sử dụng nhiều hơn các cải tiến tín dụng để thu hút các điều khoản về tài chính tốt hơn.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG