Đổi mới công nghệ, nâng tầm cuộc sống

QUỐC TUẤN 24/11/2017 09:59

Đó là mục tiêu hướng đến của các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một hội nghị liên quan đến lĩnh vực này vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng.

Một số chế phẩm ứng dụng mà Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ Quảng Nam nghiên cứu được trong thời gian qua.  Ảnh: Q.TUẤN
Một số chế phẩm ứng dụng mà Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ Quảng Nam nghiên cứu được trong thời gian qua. Ảnh: Q.TUẤN

Nâng cao năng lực, đẩy mạnh liên kết

Trong giai đoạn 2016-2017, các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trên cả nước đã và đang thực hiện 62 đề tài và 88 dự án trong các lĩnh vực chủ yếu như nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, y dược… với tổng kinh phí 232 tỷ đồng. Trong khi đó, số hợp đồng dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ năm 2017 đạt 3.352 hợp đồng (giảm nhẹ so với năm 2016), tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ đạt 65 tỷ đồng, tương đương năm 2016. Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cần ưu tiên cho các trung tâm tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN của địa phương, đồng thời bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học cho các trung tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Quang cảnh hội thảo “Truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ” tổ chức tại TP.Đà Nẵng vào hôm qua 23.11. Ảnh: Q.TUẤN
Quang cảnh hội thảo “Truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ” tổ chức tại TP.Đà Nẵng vào hôm qua 23.11. Ảnh: Q.TUẤN

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, nhiều đại biểu đã mạnh dạn đề cập những tín hiệu tích cực cũng như vướng mắc trong thực hiện ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP.Cần Thơ chia sẻ: “Từ năm 2014, khối ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được hình thành nhằm phát huy lợi thế tổng hợp của cả vùng và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của mô hình này”. Với lợi thế rất lớn về nông nghiệp, các trung tâm trong vùng đã hợp tác chặt chẽ để làm chủ được 134 quy trình, công nghệ trong giai đoạn 2015-2016. Theo thống kê, số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ của các trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 30% số lượng hợp đồng và 39% tổng giá trị hợp đồng so với cả nước. Trong khi đó, ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ Quảng Nam đề nghị Bộ KH&CN cần xây dựng chính sách hỗ trợ thường xuyên hàng năm cho các trung tâm để giúp mở rộng hoạt động. Đồng thời thường xuyên tổ chức những sự kiện KH&CN để các trung tâm gặp gỡ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau.

Quảng Nam chủ động

Trong bối cảnh khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên chưa thực sự hình thành liên kết vùng về nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN Quảng Nam với đơn vị chủ lực là Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ đã có những bước đột phá trong việc chế tạo thành công nhiều sản phẩm để ứng dụng trong cộng đồng, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp; có thể kể đến như: công nghệ biogas xử lý chất thải tại các khu chăn nuôi tập trung, công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống hoa, công nghệ sản xuất giống và trồng khảo nghiệm mít ruột đỏ… Những công nghệ này đang bước đầu tạo được hiệu quả cao trong trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, phục vụ nông nghiệp an toàn hay áp dụng tại các nhà máy, cụm công nghiệp, dân cư, trại chăn nuôi. Trong đó, công nghệ sản xuất giống, trồng và chăm sóc mít ruột đỏ lần đầu tiên áp dụng thành công tại Quảng Nam, đang được gấp rút chuyển giao ứng dụng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ Quảng Nam đã tích cực học hỏi, nghiên cứu và thực nghiệm thực tế như tham dự Biotechmart tại Hà Nội năm 2016, lập mô hình ứng dụng trồng sâm liên kết với doanh nghiệp tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My)… Ngoài ra, đơn vị cũng tích cực thực hiện các hợp đồng dịch vụ tư vấn với tổng giá trị đạt hơn 600 triệu đồng (trong năm 2017) để đa dạng hóa nguồn thu trong các lĩnh vực giám sát môi trường, phân tích mẫu, quan trắc môi trường, X-quang… Nhìn nhận cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của đơn vị còn nhiều hạn chế, ông Phan Văn Phu mong muốn, Sở KH&CN Quảng Nam chỉ đạo triển khai dự án cơ sở công nghệ sinh học giai đoạn 2, đầu tư trang thiết bị xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2005 cũng như tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam xem xét dự án xây dựng các phân khu chức năng KH&CN…

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN