Gánh xôi hơn nửa thế kỷ

NHƯ TRANG 23/11/2017 13:04

Người dân TP.Hội An mỗi khi nhắc về những “bóng xế” một đời giữ hồn cho phố, đều nhắc đến gánh xôi của cụ Nguyễn Thị Bé (80 tuổi, trú tại khối phố Trường Lệ, phường Cẩm Châu) đã gắn bó hơn 60 năm qua.

Cụ Nguyễn Thị Bé nổi tiếng với gánh xôi hơn nửa thế kỷ. Ảnh: N.Trang
Cụ Nguyễn Thị Bé nổi tiếng với gánh xôi hơn nửa thế kỷ. Ảnh: N.Trang

Cụ Nguyễn Thị Bé kể, làm dâu về Cẩm Châu từ thời kháng chiến chống Pháp, cụ được gia đình chồng dạy cho cách đồ xôi với nhiều công đoạn tỉ mỉ. “Thời ấy, trồng nếp đâu có dễ như bây giờ. Phải gieo giống trên mấy cánh đồng ven sông có phù sa bồi đắp, nếp trúng vụ thu về nhiều mới đủ vừa ăn lại vừa nấu xôi mang bán. Ngay cả đậu xanh, bắp nếp hay đậu đen cũng một tay tôi trồng nên, thu hoạch rồi phơi, cất vào chum dùng cho cả năm buôn bán”. Bước đầu “học nghề” từ nhà chồng, cụ Bé tập tành cách trồng nếp, trồng đậu, bắp. Khi đã thành thạo qua mấy mùa, cụ tiếp tục học cách đồ xôi cho đến lúc quen tay nghề mới sắm thúng, gánh đi bán.

Để nấu đủ xôi bán trong ngày, cụ Bé phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước. Đúng 2 giờ sáng, cụ thức dậy ngâm nếp, vo nếp đến chà rún bắp, đãi vỏ đậu xanh, rang đậu, giã muối và đặc biệt là công đoạn cắt lá chuối. Nhắc đến đây, cụ Bé chia sẻ thêm: “Từ thời chưa giải phóng cho đến bây giờ, nhà tôi vẫn luôn dành một khoảnh đất trồng mấy bụi chuối để lấy lá gói xôi. Xôi gói trong lá chuối vừa nóng hổi, vừa thơm lại không độc hại gì”. Chính hình ảnh dân dã nắm xôi gói lá chuối của cụ Bé cùng hương vị riêng đã khiến thực khách tìm đến, là hình ảnh quen thuộc trên những tuyến đường phố cổ như Bạch Đằng, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Trần Phú…

Bây giờ tuổi cao sức yếu, cụ bé không còn gánh xôi qua những con phố mà chọn góc nhỏ trên đường Nguyễn Trường Tộ giao với Trần Hưng Đạo để mưu sinh. Ngày thường, cụ Bé nấu 5kg nếp, nhưng đến dịp rằm phải nấu gấp đôi, gấp ba mới đủ cung ứng cho thực khách. Và dù khách đông đến mấy, cụ cũng từ tốn lấy đũa đánh tơi xôi, múc vào lá chuối xanh mướt, rắc muối đậu lên trên, gói chặt hai bên đầu rồi mới giao. Theo cụ Bé, nếu gói xôi vội sẽ làm rách lá chuối, xôi không tơi mà bám chặt sẽ khó ăn, cảm giác không ngon miệng. Bạn Nguyễn Thị Thu Thủy là khách quen của cụ Bé chia sẻ: “Gánh xôi của cụ chứa cả tuổi thơ của tôi, trong cả những bữa sáng đến trường. Bây giờ trưởng thành, đi làm vẫn không sao quên được mùi xôi thơm lừng này”.

Theo gót chân cụ Bé gánh xôi bán, còn có người em bị tâm thần tên Mai Thị Mộng (77 tuổi). Chẳng phải em ruột, chỉ là em con cậu nhưng từ thuở bé mắc chứng tâm thần, lại mồ côi cha mẹ nên cụ Bé cưu mang. Cụ Mộng lúc mê lúc tỉnh, tuy nhiên vẫn luôn nhận ra người chị một đời tần tảo lo cho mình. Sợ cụ Mộng ở nhà đi lạc, lúc lên cơn phá làng xóm, cụ Bé bèn dắt theo trên bước đường mưu sinh cùng với gánh xôi nặng nghĩa tình. Cụ bảo, cũng đã đến lúc phải nghỉ ngơi, nhưng “xôi cụ Bé” vẫn không hề mất đi. Bởi cụ đã kịp truyền nghề cho người cháu dâu là chị Trần Thị Thu Ba hệt như buổi đầu từng học cách đồ xôi từ nhà chồng. Mấy chục năm qua, gánh xôi là sinh kế để gia đình cụ Bé đi qua những nhọc nhằn. Và chính gánh xôi được lưu giữ bằng tâm huyết đã góp phần làm cho hồn phố cổ thêm sức sống để níu chân lữ khách…

NHƯ TRANG

NHƯ TRANG