Nhiều kiến nghị đầu tư y tế miền núi

TÂY BÌNH (tổng hợp) 23/11/2017 11:10

Trong lĩnh vực y tế, nhiều cử tri kiến nghị cần đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân khu vực miền núi của tỉnh.

Nhiều kiến nghị cử tri cần đầu tư y tế miền núi để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: B.M
Nhiều kiến nghị cử tri cần đầu tư y tế miền núi để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: B.M

Cử tri Tây Giang kiến nghị các xã Lăng, A Nông đã được công nhận xã nông thôn mới, vì vậy người dân không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế nên hạn chế trong việc chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, học sinh các xã này đi học tại các trường dân tộc bán trú không được hưởng chế độ hỗ trợ gạo, tiền ăn… nên cuộc sống khó khăn. Cụ thể, theo Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 1.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ thì huyện Tây Giang có 9 xã công nhận xã đặc biệt khó khăn (trừ xã A Nông) được hưởng chính sách Chương trình 135 Chính phủ. Theo Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24.11.2014 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính (Điều 1, Khoản 3, điểm h): “Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiếu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo... thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT”. Theo đó, UBND huyện Tây Giang có trách nhiệm chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thông tin đến nhân dân 2 xã nêu trên, nếu thuộc diện được hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ thì hướng dẫn bà con liên hệ với cấp thẩm quyền để được hỗ trợ theo quy định.

Cử tri Bắc Trà My đề nghị quan tâm xây dựng Trạm y tế xã Trà Ka đã xuống cấp; tăng thêm cán bộ y tá cho trạm, đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân.

Theo đó, Trạm y tế xã Trà Ka đã được đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (năm đầu tư 2019 - 2020 ). Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục triển khai thực hiện dự án theo quy định. Về đề nghị tăng cường cán bộ y tế cho trạm: yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My rà soát biên chế làm việc tại trạm và có kế hoạch luân phiên viên chức y tế tăng cường về trạm để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Cử tri Nông Sơn đề nghị có cơ chế thu hút bác sĩ về công tác Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã; đầu tư hơn nữa các thiết bị y tế hiện đại cho Trung tâm y tế huyện Nông Sơn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Về kiến nghị này, giao Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh để tăng cường bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở trong thời gian đến. Về đầu tư trang thiết bị hiện đại cho Trung tâm Y tế huyện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn đã được đưa vào nhóm 4 đơn vị thụ hưởng Dự án nâng cao năng lực của ngành y tế tỉnh Quảng Nam từ nguồn vốn ODA Ý, dự án này có hợp phần đầu tư trang thiết bị theo nhu cầu của Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn. Hiện nay, Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan tổng hợp nhu cầu đầu tư trang thiết bị dự án vốn ODA Ý và xúc tiến triển khai thực hiện.

Băn khoăn về chất lượng thuốc
Cử tri TP.Tam Kỳ đề nghị tăng cường công tác giám sát chất lượng thuốc tại các cơ sở y tế nhà nước, vì thực tế chất lượng thuốc quá kém.
Hiện tại thuốc sử dụng điều trị trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh được tổ chức đấu thầu tập trung theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan. Theo đó thuốc trúng thầu phải qua công đoạn đánh giá đáp ứng các tiêu chí về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sau đó mới là công đoạn xem xét, xác định, đánh giá để lựa chọn mặt hàng trúng thầu có giá đánh giá thấp nhất theo Luật Đấu thầu. Vì vậy, thuốc trúng thầu đưa vào sử dụng là những thuốc được đánh giá và lựa chọn rất kỹ, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế đã tiến hành lấy mẫu thuốc bán ở các quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân và trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Kiểm nghiệm đã lấy, kiểm tra 408 mẫu, trong đó các cơ sở y tế công lập là 81 mẫu đều đạt chất lượng (tại địa bàn Tam Kỳ là 23 mẫu) và 327 mẫu từ các quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân (5 mẫu không đạt chất lượng).
Yêu cầu Sở Y tế đẩy mạnh việc thực hiện kiểm tra chất lượng thuốc chặt chẽ, đúng quy định; thường xuyên theo dõi, cập nhật, triển khai kịp thời các văn bản về yêu cầu thu hồi, đình chỉ lưu hành thuốc kém chất lượng, thuốc có số đăng ký hết hiệu lực và các văn bản liên quan đến quản lý, giám sát chất lượng thuốc của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đến các đơn vị trực thuộc và Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố để triến khai thực hiện theo đúng quy định.

TÂY BÌNH (tổng hợp)

TÂY BÌNH (tổng hợp)