Góp ý sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề

VĂN PHƯỚC (lược ghi) 20/11/2017 13:53

Luật Thể dục thể thao (TDTT), gồm 77 điều, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.7.2007. Qua mười năm thi hành, luật đã có tác động tích cực về kinh tế, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành TDTT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, luật này đã xuất hiện một số bất cập, khó thi hành trong thực tế; chính vì vậy, việc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV thảo luận góp ý để xây dựng và ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TDTT là rất cần thiết. Trong đó, từ những yêu cầu thực tiễn, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật TDTT tập trung điều chỉnh 22 điều, giữ nguyên 57 điều và bổ sung 1 điều mới nhằm khuyến kích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động TDTT.

Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam tham gia góp ý tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: V.P
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam tham gia góp ý tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: V.P

Về phát triển TDTT quần chúng (khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật, bổ sung Khoản 6, Điều 11 Luật TDTT), hầu hết đại biểu thống nhất quan điểm cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện xã hội hóa trong TDTT. Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này cần quy định rõ các chính sách ưu đãi, phù hợp với ngành nghề ưu đãi trong Luật Đầu tư 2014, tránh chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Trong việc quy định trách nhiệm của bộ chủ quản, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam không thống nhất với các đại biểu đã phát biểu thảo luận trước đó tại hội trường (điểm a, khoản 4, Điều 1 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 21 Luật TDTT 2006) quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định về tiêu chuẩn, cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT cho hoạt động giáo dục thể chất ở các cấp học và trình độ đào tạo. Điểm b quy định về số lượng, tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên, giảng viên TDTT của từng cấp học và trình độ đào tạo. Điểm c xây dựng, ban hành chương trình giáo dục thể chất, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên TDTT hướng dẫn nội dung Hội đồng thể thao ngoại khóa trong nhà trường. Theo quan điểm của đại biểu Phan Thái Bình, không nên giao cho cả hai bộ quản lý mà giao hẳn cho Bộ GD-ĐT chủ quản để tránh chuyện “cha chung không ai khóc”. Còn nếu giữ quan điểm như dự thảo hiện nay thì cần giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì sẽ hợp lý hơn.

Trong việc quy định trách nhiệm của bộ chủ quản, theo đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam không nên cùng giao cho cả Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cùng quản lý, mà giao hẳn cho Bộ GD-ĐT chủ quản để tránh chuyện “cha chung không ai khóc”.

Đối với vấn đề giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường (khoản 4, 5, Điều 1 của dự thảo Luật, bổ sung Điều 21, 25 của Luật TDTT 2006), đa số đại biểu cho rằng, việc bổ sung một số quy định tại các điều 21, 25 chưa tạo được nền tảng cho thể thao trong nhà trường phát triển, khó có thể đảm bảo mục tiêu nâng cao, phát triển thể lực, tầm vóc cho học sinh, sinh viên và phát hiện năng khiếu, đào tạo tài năng thể thao cho đất nước. Cũng theo đại biểu Phan Thái Bình, về vấn đề giáo dục thể chất trong nhà trường, dự thảo luật không nên quy định bắt buộc nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường. Vì muốn tổ chức một cuộc thi đấu thể thao trong phạm vi toàn trường, ngoài việc luyện tập thi đấu còn liên quan đến vấn đề kinh phí, cơ sở vật chất, con người, giáo viên... Vì vậy, chỉ cần quy định theo hướng khuyến khích mỗi năm tổ chức ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Trong quy định quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao (khoản 7, 8, Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi bổ sung điều 32, 33 Luật TDTT 2006), nhiều đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung chính sách ưu đãi, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của vận động viên. Thống nhất với nội dung dự thảo luật về vấn đề này, tuy nhiên đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, hiện nay, quy định trong luật là được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp trên tinh thần hết sức tự nguyện, như vậy đã có Luật Bảo hiểm quy định. Vấn đề quan trọng là yếu tố ưu đãi. Nhà nước, cơ quan chủ quản phải đóng góp các loại bảo hiểm này, có quy định như vậy mới khuyến khích vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao tích cực cống hiến cho đất nước; phát huy được tài năng và Luật TDTT mới đi vào cuộc sống.

Bàn về câu chuyện “cá cược trong thể thao”, theo đại biểu Phan Thái Bình đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, cần nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, nếu không quy định trong luật thì thực tiễn vẫn đã và đang diễn ra, rất khó quản lý; nếu có hành lang pháp lý thì việc quản lý sẽ thuận lợi, chặt chẽ hơn. Do đó, nên mạnh dạn đưa vào dự án luật với quy định hết sức chặt chẽ để quản lý. Đại biểu Phan Thái Bình cũng đề xuất rà soát các quy định về TDTT đối với người khuyết tật và người cao tuổi, để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào dự án Luật TDTT với những cơ chế, chế độ đặc thù. Điều này nhằm khuyến khích, động viên tinh thần của người khuyết tật, người cao tuổi, và là vấn đề hết sức nhân văn, đề nghị Quốc hội quan tâm.

VĂN PHƯỚC (lược ghi)

VĂN PHƯỚC (lược ghi)