Nhớ và biết ơn thầy!

HỒ DUY LỆ 17/11/2017 10:34

Chúng ta biết ơn và quý biết bao những người thầy đã dạy ta, cho ta bài học làm hành trang theo với cuộc đời đầy biến động bão dông!

Tôi nhớ mãi một người thầy dáng cao, hơi gầy là thầy Trần Nhẫn (hay gọi là thầy đốc Nhẫn; quê xã Bình Đào, huyện Thăng Bình), khi tôi học lớp Nhì ở Chùa Thánh, nay thuộc làng Hưng Mỹ xã Bình Triều, Thăng Bình. Thầy Trần Nhẫn cùng thế hệ với nhiều nhà giáo nổi tiếng như các thầy Trần Cảnh, Phạm Phú Hưu, Trương Chi, Hồ Quế... Thầy Trần Nhẫn qua đời sau lễ mừng thọ tuổi 90, mang theo niềm vui của sự mãn nguyện khi các con đều nối nghiệp cha. Tính cả dâu, rể, đại gia đình của thầy có đến 11 nhà giáo.

Nhớ thầy Nguyễn Dưỡng, khi tôi học lớp Bốn ở trong một ngôi đình, gọi là đình Từ Mài, vì có ông từ già giữ đình tên Mài, ở thôn Tiên Đỏa, xã Bình Sa, Thăng Bình… Nhớ các thầy Nguyễn Tần, Nguyễn Cư, Trần Tế, Lê Văn Lương, Hoàng Lâm, cô Nguyễn Thị Bàng... khi tôi học lớp Năm, trường Thăng Bình I ở Rừng Bồng xã Thăng Lâm. Nhớ thầy Nguyễn Duy, Nguyễn Phu, trong hai năm tôi học lớp đệ Thất và đệ Lục ở trường Tiểu La - Hà Lam; nhớ thầy Phạm Phú Hưu khi học lớp đệ Ngũ ở trường tư thục Diên Hồng - Hội An. Tôi vẫn còn nhớ các thầy Trương Văn Thông, Hồ Quý, Hồ An, Nguyễn Văn Xuân… khi học lớp đệ Tứ trường Phan Thanh Giản - Đà Nẵng; cô Phạm Thị Bội Hoàn dạy Pháp văn, người thấp, gương mặt đẹp, rất nghiêm mỗi khi lên lớp; cô Phan Thanh Gia Lai, trẻ như nữ sinh đệ Nhất, thùy mị, dạy triết ở trường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng…

Hầu hết thầy cô đã từ giã cõi đời, từ biệt học trò. Hơn 15 năm trước, thầy Hồ Quý ra đi ở tuổi tám mươi, sau thời gian chiến đấu với bệnh nan y, để lại ngoài nỗi buồn cho gia đình, còn biết bao tiếc nhớ của các thế hệ học trò mà thầy dạy tiếng Pháp trong mấy mươi năm. Thầy Quý dạy ở trường, dạy kèm ở nhà, không một ngày nghỉ, cho đến khi cổ họng thầy đau, không nói được! Hay khi thầy Trương Văn Thông qua đời, có đến mấy trăm học sinh đến thắp hương đưa tiễn. Có những học sinh từ trong quê Bình Phú, Bình Chánh, đã ở tuổi 70, nghe tin cũng lặn lội ra Đà Nẵng viếng thầy, trong niềm thương tiếc, biết ơn.

Hôm thầy Nguyễn Văn Xuân ra đi, trời không mưa mà buồn quá. Buồn vì biết thầy không vui khi để lại nhiều tác phẩm nghiên cứu, tác phẩm văn chương cho đời, nhưng không còn đồng nào để lại cho người vợ hiền đau ốm triền miên, cho mấy đứa con túng nghèo. Đám học trò và anh chị em văn nghệ sĩ, báo chí quý mến thầy đã đến góp tay lo tang lễ; nhiều anh chị em túc trực bên linh cữu, ngâm thơ, đàn hát cho thầy vui, vì những ngày cuối đời, ngồi trên xe lăn, thầy dặn “khi nào thầy chết thì tụi bay đừng khóc, mà phải vui”…

Và một người không trực tiếp dạy tôi, song tôi vẫn gọi thầy với lòng đầy trân trọng, kính phục. Tôi gặp rồi biết thầy ở trong “trường đời” - lao Thừa Phủ Huế, khi một số anh chị em trong lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Đà Nẵng bị rơi vào tay An ninh quân đội Vùng I chiến thuật, bị tống giam ở lao Thừa Phủ Huế. Ở trong tù, anh em tranh thủ học thêm ngoại ngữ, lúc bấy giờ là Pháp văn, Anh văn; mỗi khi bí từ tiếng Pháp nào liền tìm đến pho tự điển sống thầy Hồ Huyển. Thầy người làng Lỗ Gián - Hòa Đa, trong kháng chiến từng giữ chức vụ Trưởng ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng, làm Chánh thanh tra giáo dục… Là người thầy mà hầu hết giáo viên kháng chiến 1 đều biết, kính phục và nể trọng. Chúng tôi không bao giờ quên hôm ra tòa án binh, xét xử thầy trò chúng tôi “Tội phản nghịch”, viên Chánh án Thứ, từng biết thầy, giận dữ hỏi: “Tại sao thế, anh Huyển? Anh là một trí thức kia mà! Tại sao anh làm tay sai cho Cộng sản?”. Dù trước vành móng ngựa, vẫn trong tư thế đàng hoàng, thầy bình tĩnh trả lời: “Anh có suy nghĩ của anh, tôi có chính kiến của tôi!”… Những ngày tháng 8.2007, nhân dịp nghỉ lễ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, tôi đến nhà thăm mới biết thầy bị tai biến nhập viện đã hơn một tháng. Vào bệnh viện thăm, Liên - con gái thầy nói hôm nay thầy đã qua cơn nguy kịch, đang uống thuốc và châm cứu vì miệng còn méo, nói rất khó. Tôi nắm chặt bàn tay lạnh của thầy, hỏi: “Thưa thầy, thầy nhớ con không?”. Thầy nhìn tôi rồi nhìn con gái. Liên kề sát tai thầy hỏi: “Ba có nhớ ai đây không?”. Thầy lại nhíu mày nhìn tôi, như muốn nói rằng thấy quen, nhưng không nhớ tên gì. Đoán vậy, tôi nói to cả họ tên mình. Liên nhắc một lần nữa tên tôi bên tai thầy. Thầy nói, nhớ chớ, là sinh viên tranh đấu mà… Tôi chỉ nghe ra mấy chữ trong thì thào “nhớ chớ”, còn mấy chữ sau do Liên thông dịch. Theo lời Liên, những học sinh, những người cùng ở tù, người thân cũ đến thăm, thầy rất mừng, không nói được mà cứ nắm chặt, không muốn chia tay ai… Đến ngày 13.10.2007 thầy ra đi ở tuổi 92. Mới đó mà đã 10 năm trôi qua.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, tôi đến thăm thầy Hồ An, nay đã bước sang tuổi 97. Có học trò đến thăm, thầy rất vui. Thầy nhắc mấy bài viết về thầy đăng trên Tạp chí Hồn Việt, trên báo Quảng Nam. Thầy cười, nói: “Nhờ có mấy bài báo đó mà tôi có thêm một số người bạn mới. Có thêm một số người biết tôi còn sống. Họ tưởng tôi đi rồi!”. Trong những người thầy xấp xỉ tuổi nhau, từng dạy ở các trường mái lá tranh tre thời kháng chiến chống Pháp, thầy Hồ An là người duy nhất còn sống, đặc biệt thầy ăn còn thấy ngon miệng, còn đọc sách được. Trên mấy cái kệ ở hai đầu giường ngủ của thầy đầy kín sách. Thầy có ý định và cân nhắc sẽ tặng mấy tủ sách “gối đầu giường” cho thư viện nào đó thầy tin tưởng. Trên chiếc bàn đặt ở phòng khách thấy đủ loại báo: Thanh niên, Tuổi trẻ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tạp chí Hồn Việt... và mấy quyển sách mới của giáo sư Mai Quốc Liên, nhà báo Đặng Minh Phương, doanh nhân Huỳnh Văn Chính..., các tác giả biết thầy, quý thầy, có sách mới thì tặng, như món quà tinh thần, ở tuổi thầy, chỉ xem lướt qua là may rồi, sức đâu mà đọc!

Biết thầy Hồ An thích có người nói chuyện, vì vậy, nhiều thế hệ học trò, nay là giáo sư, bác sĩ, nhà văn…, thường đến thăm. Nhân ngày sinh của thầy, hay ngày Nhà giáo Việt Nam, mấy nhóm cựu học sinh của thầy nay đã thành đạt hoặc ở xa về tổ chức chúc mừng tặng hoa, tặng quà. Đến thăm cũng là dịp nghe thầy kể chuyện dạy tiếng Anh cho các thế hệ học trò, kể chuyện làm báo Kháng chiến, làm báo Giải phóng, chuyện làm binh vận tù binh Mỹ, và nghe thầy kể chuyện đời - một cuộc đời xuyên hai thế kỷ, qua bao chế độ...

HỒ DUY LỆ

HỒ DUY LỆ