Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính

16/11/2017 19:05

(QNO) - Hôm nay 16.11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày tại kỳ họp thứ 4. Theo chương trình, Quốc hội sẽ chất vấn lãnh đạo Chính phủ và 4 Bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Thông tin – Truyền thông và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trước khi bước vào phiên chất vấn, bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng chất vấn tại kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng chất vấn tại kỳ họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành tài chính và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính được các đại biểu Quốc hội đặt ra như: nợ công tăng cao nhưng hiệu quả đầu tư công thấp; thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hải quan còn rườm rà; công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, quản lý hóa đơn, “lãi thật, lỗ giả” để trốn thuế, các giải pháp chống thất thu ngân sách...

Tham gia giải trình trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đoàn ĐBQH Quảng Nam có hai đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng bày tỏ quan tâm đến các nguồn thu ngân sách quốc gia và đặt 3 câu hỏi: 1. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua 67.000 cuộc thanh tra, kiểm tra 354.000 hồ sơ khai thuế, đã kiến nghị xử lý tài chính 13.608 tỷ đồng, xử phạt hành chính 1.126 tỷ đồng; kết quả kiểm tra, thanh tra này cho thấy nguồn thuế còn bị thất thu, cử tri cho rằng sự lạm dụng phương pháp khoán thuế tiềm ấn thất thu thuế, chính Bộ trưởng cũng thừa nhận có tiêu cực. Vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp chấn chỉnh việc này? 2. Qua xử lý các vụ án lừa đảo thông qua hoàn thuế cho thấy sự thiếu chặt chẽ từ phía các cơ quan thuế trong hoạt động này, vậy Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấn chỉnh? 3. Theo báo cáo của Bộ Thông tin – truyền thông, hiện nay Việt Nam có 53 triệu người sử dụng facebook, 35 triệu người sử dụng youtube, qua đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nay thu tiền quảng cáo và dịch vụ nhiều nghìn tỷ đồng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quản lý thu thuế đối với hoạt động này như thế nào?

Đại biểu Phan Thái Bình – Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề nợ công: Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới một năm sẽ không làm phát sinh kinh phí. Tuy nhiên, theo đại biểu Bình, tổng nguồn kinh phí thực hiện chương trình này là 80 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay là 77 triệu USD, chiếm 96,25% và vốn vay thì phải trả lãi. Do vậy, đại biểu bày tỏ băn khoăn vì khi lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới một năm thì phải trả lãi thêm một năm, làm phát sinh kinh phí dẫn đến gia tăng nợ công. Vậy Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết quan điểm về vấn đề này. Việc kéo dài thời gian như trên có phát sinh kinh phí, làm tăng nợ công hay không...

Bên cạnh đặt câu hỏi, đại biểu Phan Thái Bình còn trao đổi thêm một số nội dung liên quan đến nợ đọng thuế, thất thu thuế và giải pháp mà Bộ trưởng đã trả lời các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn. Theo đại biểu Bình, giải pháp rà soát xóa nợ đối với những khoản nợ không có khả năng thu hồi chưa phải là giải pháp tối ưu; vì hiện nay, theo báo cáo của Bộ trưởng thì trong số 73.900 tỷ đồng nợ đọng thuế có khoản 62,6% là nợ khó thu hồi, nếu xóa nợ thì rõ ràng nợ đọng thuế giảm nhưng ngược lại không tăng thu ngân sách. Thậm chí nếu công tác kiểm tra, rà soát không chặt chẽ, xóa nợ không thật sự đúng đối tượng sẽ dẫn đến thất thu ngân sách. Nên giải pháp này khi thực hiện phải hết sức chặt chẽ, thận trọng.

Do thời gian phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã hết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng trả lời bằng văn bản với các nội dung nêu trên và sẽ thông tin rộng rãi cho cử tri được biết. (NHO TUẤN)

* Tranh luận một số điểm mới trong hoạt động của Quốc hội

Cũng trong tuần làm việc thứ ba, Quốc hội tập trung thảo luận cho ý kiến về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Phan Thái Bình, - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cơ bản thống nhất cao với tờ trình, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội của Bộ Giao thông - vận tải, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ sự phân vân về đề nghị cho cơ chế đặc thù không áp dụng Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013. (Tại Đểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định: đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng).

Đại biểu Bình cho rằng đất đai cần quản lý hết sức chặt chẽ. Nếu không áp dụng điều này thì rất khó trong vấn đề quản lý đất đai khi giao cho chủ đầu tư mà thực hiện không đúng tiến độ. Mặt khác, nếu Quốc hội ra một nghị quyết nhưng lại cho phép không áp dụng một điều khoản trong luật là chưa hợp lý, cần phải cân nhắc kỹ, mặc dù dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là rất bức xúc và cần có những cơ chế đặc thù. Hơn nữa không áp dụng quy định này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lớn là khi dự án kéo dài chúng ta lại không có cơ chế để thu hồi đất đai, vì đã loại ra khỏi việc áp dụng Điểm i, Khoản 1, Điều 64 là điểm duy nhất để thu hồi đất trong những trường hợp người ta không sử dụng đất đai đúng theo quy định, dẫn đến nguy cơ sẽ lãng phí về nguồn lực đất đai.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Dũng đã tranh luận với đại biểu Dương Minh Tuấn – đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu về vấn đề tai nạn giao thông. Đại biểu Dũng không đồng ý với quan điểm của đại biểu Tuấn về nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, nó không phải do vấn đề hạ tầng hay do vấn đề mật độ giao thông, mà hầu hết các vụ tai nạn giao thông nguyên nhân chủ yếu do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, như: phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu bia, không chấp hành, tuân thủ các quy định về giao thông dẫn đến tai nạn, để chứng minh điều đó đại biểu Dũng chỉ rõ: Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi mật độ giao thông rất cao nhưng không có những vụ tai nạn giao thông lớn, thảm khốc nhưng các vụ tai nạn nghiêm trọng lại thường xảy ra ở những nơi mật độ giao thông ít và hạ tầng giao thông tốt hơn.

Về vấn đề y tế, đại biểu tranh luận với đại biểu Phạm Như Hiệp – đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế, đại biểu Dũng đồng ý quan điểm bảo hiểm y tế phải dành những gì tốt nhất cho người dân nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta thoải mái trong việc kê đơn thuốc ngoại, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao một cách không cần thiết, gây lãng phí. Đại biểu dẫn chứng Báo cáo Chính phủ về chi phí cho quản lý các quỹ của bảo hiểm xã hội là rất lớn. Tổng chi phí theo Báo cáo Chính phủ năm 2017 là 11.900 tỷ, gần bằng 14 nghìn tỷ của ngành thuế. Cần nghiên cứu điều chỉnh lại cho hợp lý.

Tranh luận trong các diễn đàn của Quốc hội là một điểm mới trong hoạt động của Quốc hội khóa 14, quá trình này đã và đang đạt được những kết quả rất tích cực, tạo ra không khí dân chủ và mang tính xây dựng, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới. (VĂN PHƯỚC)