Nhiều tàu cá thiệt hại nặng nề

VIỆT QUANG 15/11/2017 14:25

Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam không may bị thiệt hại nặng nề do tác động của trận bão lũ vừa qua.

Máy thủy và các thiết bị trên tàu cá QNa-94105 đã hư hỏng quá nặng. Ảnh: V.Q
Máy thủy và các thiết bị trên tàu cá QNa-94105 đã hư hỏng quá nặng. Ảnh: V.Q

Ngư dân lao đao

Những ngày này, 7 ngư dân đồng chủ tàu cá QNa-94105 có công suất 140CV theo nghề lưới vây là Lê Bình, Đặng Phước Thanh, Hà Văn Chín, Trần Công Nhuận, Phạm Văn Phong, Hà Văn Bảy và Nguyễn Thanh Vân (cùng thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) đang tìm cách khắc phục sự cố phương tiện bị chìm trong đợt bão lũ vừa qua. Anh Đặng Phước Thanh kể, nhận được thông tin tác động của cơn bão số 12, các chủ tàu đã đưa tàu cá QNa-94105 vào âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) neo buộc cẩn thận. Tuy nhiên, vào lúc 11 giờ ngày 4.11, tàu cá bị ngập nước, chìm trong âu thuyền. “Thời điểm đó, gió rất mạnh, con tàu dù được neo buộc rất kỹ vào các cột trụ của âu thuyền vẫn bị chao đảo, lắc lư dữ dội. Do va đập mạnh nên thân tàu bị hỏng, nước tràn vào, chìm xuống. Chúng tôi thấy đó nhưng bất lực” - anh Thanh nói. Ngư dân Hà Văn Chín kể thêm: “Trưa 4.11, thấy gió quá mạnh mà âu thuyền Hồng Triều không có đê chắn sóng, che gió nên chúng tôi lên xem. Nước lũ chảy qua âu thuyền quá mạnh mà con đường đất độc đạo dẫn vào âu thuyền bị phá hỏng nên không có cách nào tiếp cận được phương tiện. Chúng tôi thấy con tàu chìm dần mà xót xa vì không có cách nào ứng cứu kịp”.

Ngày 8.11, khi gió đã nhẹ dần và nước lũ không còn chảy xiết, 7 ngư dân mới có thể trục vớt được con tàu bị chìm. “Chúng tôi đã cố gắng vá víu được thân tàu còn toàn bộ máy thủy chính, máy phát điện, hệ thống điện, ngư lưới cụ và các thiết bị thông dụng khác như máy bộ đàm, ắc quy đều hư hỏng hoàn toàn. Dù đã cố gắng cứu chữa bằng mọi cách nhưng chúng tôi không thể xoay xở được gì. Thiệt hại quá lớn” - anh Lê Bình nói. Các ngư dân kể, tàu cá QNa-94105 được 7 anh em ngư dân vay vốn, chung mua về từ Quảng Ngãi với giá 700 triệu đồng. Sau đó, con tàu được cải hoán, nâng cấp, đăng kiểm, cấp giấy phép và sử dụng hành nghề lưới vây trong vòng 3 năm nay. Trong khi các ngư dân còn chưa trả đủ vốn vay của ngân hàng thì hầu như con tàu bị thiệt hại hoàn toàn ngoài phần vỏ mới được vá víu lại. “Khi trục vớt con tàu, chúng tôi đã báo cáo lực lượng biên phòng, UBND xã Bình Dương, Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình đến quay phim, chụp hình, qua đó xem xét có hình thức hỗ trợ nào giúp chúng tôi khắc phục sự cố để phương tiện có thể quay lại đánh bắt trên biển trong thời gian sắp tới. Đến nay, qua liên lạc nhiều lần, chúng tôi vẫn chưa được ngành chức năng trả lời là có được hỗ trợ phần nào để đầu tư lại con tàu hay không” - ngư dân Lê Bình nói. Ông Đặng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, sau sự cố của tàu cá QNa-94105, xã đã có đề xuất với huyện, tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí giúp các chủ tàu sửa chữa lại phương tiện nhưng chưa được hồi âm.

Bảo hiểm vào cuộc

Tàu câu mực khơi QNa-91739 sẽ được bảo hiểm chi trả:
Liên quan đến sự cố tàu câu mực khơi QNa-91739 của ngư dân Lương Tấn Xị (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, Núi Thành) bị chìm ở quần đảo Trường Sa, ông Huỳnh Bá Thanh cho biết, phương tiện này đã được mua bảo hiểm thân tàu với mức 6,7 tỷ đồng. Quan điểm của Bảo Việt là thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó. Tàu câu mực khơi QNa-91739 hiện vẫn còn nằm ở Trường Sa nên chúng tôi sẽ thuê đơn vị giám định độc lập cùng gia đình ngư dân đến đó xác định mức độ thiệt hại trong thời gian sắp tới. Khi làm rõ mức độ thiệt hại của phương tiện này, chúng tôi sẽ thực hiện trách nhiệm bảo hiểm của mình. Còn về 2 trường hợp tử vong của thuyền trưởng và thuyền viên sẽ được Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam chi trả ở mức cao nhất là 70 triệu đồng/người.

Tại âu thuyền Hồng Triều, vào ngày 6.11, tàu cá QNa-95627 có công suất 444CV theo nghề lưới vây của ngư dân Lâm Văn Minh (thôn 6, xã Bình Dương) cũng bị nước lũ tràn vào tàu gây hư hỏng máy chính, khi thân tàu bị va đập mạnh với các phương tiện khác neo trú cùng địa điểm. Ông Minh cho biết, đã mua bảo hiểm thân tàu cho tàu cá QNa-95627 từ Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam với giá trị là 1,020 tỷ đồng. Trong đó, phần vỏ tàu là 450 triệu đồng, máy chính là 350 triệu đồng, các thiết bị còn lại trên tàu là 220 triệu đồng. “Liên hệ qua điện thoại sau sự cố, ngành bảo hiểm huyện Thăng Bình bảo là không được đền bù do ngư dân chủ quan khiến tàu cá bị ngâm nước. Bây chừ tôi phải thuê thợ máy đến xem có thể cứu được cho máy thủy của con tàu không. Chỉ mong máy chính được cứu chữa chứ không thì lao đao vì không thể huy động đủ vốn để thay máy thủy mới” - ông Minh nói.

Chúng tôi đã liên hệ với Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam để tìm hiểu về bảo hiểm đối với tàu cá QNa-95627. Ông Huỳnh Bá Thanh - Phó Giám đốc Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam cho biết, phương tiện này được chủ tàu mua bảo hiểm cho 3 khoản là bảo hiểm thân tàu với giá trị 1,020 tỷ đồng; bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 10 lao động với tổng mức 700 triệu đồng và bảo hiểm ngư lưới cụ với giá trị 270 triệu đồng. Theo phạm vi bảo hiểm, tàu cá mua bảo hiểm bị tổn thất toàn bộ hay tổn thất bộ phận là hậu quả của các sự cố, thiên tai, tai nạn thì sẽ được đền bù. Đối chiếu trực tiếp với trường hợp cụ thể của ông Minh thì có thể được đền bù. Tuy nhiên, cái vướng ở chỗ khi xảy ra tai nạn, lẽ ra ông Minh phải liên hệ trực tiếp đến ngành bảo hiểm, đòi hỏi quay phim, chụp hình, xử lý bước đầu thì ông Minh chỉ nói chuyện qua loa bằng điện thoại. “Chúng tôi yêu cầu đơn vị bảo hiểm Bảo Việt của huyện Thăng Bình đến quan sát, xem xét, xử lý bước đầu trường hợp sự cố của tàu cá QNa-95627. Sau đó, chúng tôi có cơ sở đánh giá thiệt hại và xem xét trách nhiệm của mình. Nếu đảm bảo đúng các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm thì tàu cá của ông Minh được Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam đền bù” - ông Huỳnh Bá Thanh nói.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG