Quốc hội thảo luận dự án Luật An ninh mạng và Luật Bí mật nhà nước

NHO TUẤN 13/11/2017 21:46

(QNO) - Chiều nay 13.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương và 39 điều, được ban hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật Nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng tham gia góp ý các dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng tham gia góp ý các dự thảo luật.

Thực tiễn công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước (năm 2000) và các văn bản hướng dẫn trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Khái niệm bí mật nhà nước còn chung chung, phạm vi bí mật nhà nước xác định theo từng cấp độ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đối tượng thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước chưa đảm bảo tính khả thi, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa rõ...; theo thống kê từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước nhưng các chế tài xử lý còn yếu và thiếu, chưa đảm bảo tính răn đe; xử lý còn nể nang, thiếu chủ động... 

Tham gia thảo luận, hầu hết các đại biểu đều cho rằng việc ban hành Luật này trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết, song một số nội dung quy định chưa đầy đủ cần được bổ sung nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, bao quát trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Đoàn ĐBQH Quảng Nam bày tỏ băn khoăn đối với các quy định về đảm bảo bí mật nhà nước trong hoạt động tố tụng, tư pháp; theo đó, dự thảo Luật cần quy định mức độ các đối tượng tham gia và tiếp xúc với tài liệu mật một số vụ án, đặc biệt là các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước; đồng thời, cần quy định riêng, đặc thù về độ mật và giải mật trong hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế công tác tố tụng.

Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 8 chương, 55 điều, ban hành nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng, phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, hoàn thiện chính sách nghiên cứu, phát triển chiến lược, chia sẻ thông tin về an ninh mạng và mở rộng hợp tác quốc tế về an ninh mạng.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản thống nhất với việc ban hành dự án Luật; tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần làm rõ việc quản lý đối với các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài như thế nào để có giải pháp quản lý phù hợp trong dự thảo Luật An ninh mạng; vì thực tế trong thời gian qua, việc quản lý, ngăn chặn đối với các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài còn hết sức khó khăn, chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; đồng thời, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị rà soát, điều chỉnh một số nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa dự thảo Luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng, Bộ Luật Hình sự...; đề nghị bổ sung hành vi cấm “lợi dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” tại Khoản 7, Điều 8; sửa đổi Điểm d, Khoản 2 Điều 47 theo hướng chỉ quy định doanh nghiệp xóa bỏ thông tin trên hệ thống thông tin do doanh nghiệp trực tiếp quản lý vì quy định như dự thảo “yêu cầu doanh nghiệp xóa bỏ thông tin trên không gian mạng” là không khả thi, vì doanh nghiệp chỉ quản lý một phần nhỏ không gian mạng.

Đồng tình với đại biểu Phan Thái Bình, đại biểu Nguyễn Đình Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng nhiều nội dung dự thảo Luật An ninh mạng còn trùng lắp, chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng cần được rà soát, xử lý; đồng thời, đề nghị rà soát, điều chỉnh, tránh chồng chéo về chức năng giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đối với vấn đề quản lý nhà nước về an ninh mạng. Đại biểu Nguyễn Quang Dũng cũng bày tỏ lo lắng khi nhiều nội dung quy định của dự thảo Luật chưa chặt chẽ, thiếu rõ ràng, dễ dẫn đến tùy tiện trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là các quy định về biện pháp bảo vệ an ninh mạng tại Điều 6, quy định về cơ quan chủ quản tại Điều 32.

Dự thảo Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là 02 dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến tại Hội trường trước khi xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV.

NHO TUẤN

NHO TUẤN