Tiếng nói người trẻ đến từ APEC
Diễn ra từ ngày 6 đến ngày 11.11, Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC trở thành nơi để những người trẻ tuổi đến từ 21 nền kinh tế APEC bày tỏ, đề xuất những ý tưởng, hướng đến xây dựng một khu vực phát triển và thịnh vượng chung.
Chương trình Tiếng nói tương lai APEC được Việt Nam bàn giao cho Papua New Guinea, nền kinh tế chủ nhà APEC 2018. |
Gắn kết tuổi trẻ APEC
Diễn đàn năm nay quy tụ 160 đại biểu (113 thanh niên quốc tế) là thanh niên, sinh viên đến từ 17/21 nền kinh tế APEC. Trong 6 ngày hoạt động các đại biểu đã tham dự nhiều sự kiện ý nghĩa như Hội thảo thanh niên APEC; thăm Làng trẻ mồ côi Hòa Bình (Phú Ninh), Làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ), trải nghiệm nghề đèn lồng Hội An; tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 tại Đà Nẵng… Ông James Soh, Đồng chủ tịch, Hội đồng Lãnh đạo tiếng nói APEC chia sẻ, đây là một sự trải nghiệm thú vị với các đoàn đại biểu tiếng nói APEC, nhất là với những người đã từng tham dự các cuộc họp của APEC tại Việt Nam từ năm 2006.
Thông qua các nội dung hoạt động của chương trình, 160 bạn trẻ không chỉ đóng góp ý tưởng, đề xuất kiến nghị đến lãnh đạo các nền kinh tế APEC mà còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa địa phương để hiểu hơn về Quảng Nam như là vùng đất của sự thân thiện và hiếu khách. Bạn Nguyễn Cẩm Tú – sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính (Hà Nội) - một đại biểu tham dự diễn đàn chia sẻ, qua diễn đàn đã mang đến cho bạn rất nhiều bài học. Đó không chỉ là sự hiểu biết về một vùng đất mới; kiến thức liên quan đến những vấn đề quan trọng của xã hội hay toàn cầu mà còn là bài học về sự tiếp cận với các nền văn hóa đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. “Những bạn trẻ tham dự diễn đàn đều rất tài giỏi, tôi học được ở họ về khả năng lãnh đạo, sự tự tin, tâm huyết mong muốn đóng góp cho cộng đồng của các bạn trẻ APEC” - Nguyễn Cẩm Tú tâm sự.
Tại diễn đàn năm nay nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận và nhận sự quan tâm của đại biểu tham dự, từ biến đổi khí hậu đến việc làm, bình đẳng giới vì một thế giới hòa bình kể cả ý tưởng thành lập một trường đại học APEC với những quy chuẩn do các nền kinh tế đặt ra… Họ hy vọng các nhà lãnh đạo trong APEC có thể xem xét và thực hiện những ý tưởng đó trong tương lai để giới trẻ có cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn. Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố thanh niên 2017 với 4 nội dung gồm: đóng góp của thanh niên đối với tầm nhìn APEC 2020 và tương lai; hòa nhập về kinh tế, tài chính và xã hội; phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là kết quả của sự trao đổi, bàn bạc đầy trách nhiệm dựa trên những đề xuất, quan tâm của thanh niên 2017 tạo cơ sở để thúc đẩy những ý tưởng cho tương lai.
Quảng bá hình ảnh Quảng Nam
Theo ông Jame Soh - Đồng chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo tiếng nói APEC, 4 nội dung trên đã được các đại diện đại biểu bàn bạc nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Trong đó, sự hòa nhập về kinh tế, xã hội và tài chính là cần thiết cho sự phát triển bền vững của tất cả nền kinh tế. Đối với các nền kinh tế APEC, phát triển cân bằng là điều quan trọng để mang lại hạnh phúc cho người dân. “Hòa nhập xã hội có thể đạt được thông qua sự bình đẳng về cơ hội và nền tảng. Những nền kinh tế đáp ứng đầy đủ các cơ chế hỗ trợ để mọi thành viên của xã hội phát huy đầy đủ tiềm năng của họ sẽ đạt được sự thịnh vượng. Các nền kinh tế cần tiếp tục cung cấp những giải pháp rõ ràng nhằm dỡ bỏ các rào cản xã hội; tăng cường quyền năng cho thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người dân bản địa cũng như cải thiện khả năng kết nối cho những người ở khu vực nông thôn; giúp đỡ các đối tượng này vượt qua rào cản….” - ông Jame Soh phân tích.
Đặc biệt, để phát triển nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ số, thế hệ trẻ của APEC cần nâng cao khả năng thích nghi, khả năng đáp ứng nhu cầu việc làm; cập nhật các chương trình giáo dục thông qua các nguồn dữ liệu và học hỏi kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển. Thông qua Tuyên bố thanh niên 2017, các đại biểu bày tỏ sự tin tưởng sự tiến bộ, công bằng và nền tảng giáo dục là điều cần thiết đối với sự phát triển kinh tế bền vững của APEC; góp phần tạo động lực thúc đẩy xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho khu vực.
Có thể khẳng định, chương trình Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC đã mở ra những cơ hội và trách nhiệm nhằm thực hiện những ý tưởng từ giới trẻ, hướng đến một khu vực APEC thịnh vượng có sự tham gia tích cực của thanh niên. Cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy việc thực thi các chính sách tự do tiếp cận thị trường và mở rộng thương mại để đạt được những bước tiến cũng như sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt là sự tin tưởng các thế hệ trẻ của APEC sẽ xóa nhòa những khoảng cách khác biệt giữa các nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy truyền thông; giảm chi phí khởi nghiệp; tạo ra nhiều cơ hội cho những người trẻ thông qua những hình thức, thông điệp khác nhau. “Diễn đàn là nơi mà những kinh nghiệm có được và tình hữu nghị sẽ còn tồn tại mãi. Xin cảm ơn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sự kiện tốt đẹp này. Đối với các đoàn đại biểu thanh niên đến từ 17 nền kinh tế APEC, xin được cảm ơn sự hợp tác và thấu hiểu của các bạn” - ông Jame Soh nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, thông qua những hoạt động của diễn đàn tại Quảng Nam sẽ là cơ hội tốt để địa phương giới thiệu các giá trị văn hóa Quảng Nam đến với bạn bè quốc tế. “Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 và phải tập trung khắc phục hậu quả, chúng tôi rất tiếc đã chưa thể tạo điều kiện tốt nhất để các bạn có dịp trải nghiệm, hiểu rõ hơn về Quảng Nam. Hy vọng thời gian tới, quý vị đại biểu sẽ sắp xếp thời gian, quay lại với Quảng Nam và sẽ có cơ hội tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm nhiều hơn. Tôi tin rằng, diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 sẽ đem đến một tương lai tươi sáng cho thế giới qua hoạt động của các thanh niên, đại diện tiêu biểu của các nền kinh tế thành viên APEC như chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của APEC - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.
KHÁNH LINH