APEC và cơ hội Việt Nam

TRỊNH DŨNG 13/11/2017 11:00

Mỗi hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) luôn mang lại vận hội mới cho mỗi nền kinh tế thành viên. Việt Nam được gì sau thành công của Năm APEC 2017?

Tin liên quan

  • APEC 2017 qua lăng kính báo chí quốc tế
  • Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ
  • Thông qua Tuyên bố chung Đà Nẵng
  • APEC và ASEAN lần đầu tiên đối thoại
  • Bế mạc Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017
  • Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình: "Đóng cửa sẽ khiến các nước tụt lại phía sau"
Các lãnh đạo APEC chụp ảnh lưu niệm tại Đà Nẵng. Ảnh: T.DŨNG
Các lãnh đạo APEC chụp ảnh lưu niệm tại Đà Nẵng. Ảnh: T.DŨNG

Lựa chọn hợp lý

Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC đã kết thúc chiều 11.11 với việc thông qua Tuyên bố Đà Nẵng. Có thể tóm gọn tuyên bố này gồm 5 điểm chủ yếu. Đó là sự khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng APEC phát triển bao trùm và tự cường về kinh tế, tài chính, xã hội; tăng cường trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để thích ứng môi trường làm việc và thị trường lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số; chiến lược phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh, bền vững và sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường an ninh lương thực - nước - năng lượng, phát triển nông thôn và đô thị, cải cách cơ cấu; nâng cao năng lực, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy thương mại tự do và mở ở châu Á - Thái Bình Dương, nỗ lực hướng đến hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết khu vực, góp phần để châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên hợp tác tự do, mở, công bằng, minh bạch, bao trùm và nâng cao vai trò, vị thế của APEC - một diễn đàn có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Tuyên bố Đà Nẵng cũng thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Quan trọng nhất là người dân và doanh nghiệp đứng ở vị trí trung tâm.

Hội nhập mang lại nhiều cơ hội cho người dân, doanh nghiệp

Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch ABAC 2017 (Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC) khẳng định càng hội nhập kinh tế, Việt Nam sẽ phát triển. Hiện có một số nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có xu hướng đóng cửa để bảo hộ sản xuất nội địa, nhưng những nền kinh tế như Singapore, Nhật Bản… càng mở rộng cửa thì càng phát triển. Việc tham gia ASEAN, APEC, WTO chứng minh rằng càng hội nhập, người dân và doanh nghiệp càng hưởng lợi. Việt Nam đang ngày càng hội nhập. Cách đây 30 năm, Việt Nam không có đầu tư nước ngoài thì nay có đến 20.000 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Chính sự hội nhập sẽ còn tạo ra sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo, nhà quản lý, doanh nghiệp và chịu áp lực cạnh tranh. Sẽ có những doanh nghiệp phá sản, đó là điều chắc chắn, nhưng số doanh nghiệp còn lại sẽ phát triển khỏe mạnh.

Một tuyên bố chung thể hiện sự bao quát mọi vấn đề quan tâm của các nền kinh tế thành viên với chủ đề Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã được đánh giá là một lựa chọn hợp lý của Việt Nam. Ông Sergio Ley López - Chủ tịch Ủy ban châu Á và châu Đại Dương (thuộc Hội đồng doanh nghiệp Mexico) khẳng định APEC 2017 đã tiếp nối “tham vọng” tạo ra một khu vực thương mại tự do cũng như thúc đẩy hội nhập khu vực và toàn cầu hóa. Cấu trúc và các cơ chế hợp tác của APEC là một “liều thuốc giải độc” tốt nhất đối với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, vì tương lai của thế giới là nhờ toàn cầu hóa. Không thể đi ngược lại được.  Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định lấy hợp tác kinh tế làm nền tảng, xóa bỏ các rào cản thương mại và đầu tư. APEC đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng và chuyển đổi để trở thành diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế. Mở cửa tự do hóa về thương mại, đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, các chiến lược, chương trình về tăng trưởng, kết nối đã trở thành định hướng dài hạn cho hoạt động của APEC, mở ra hàng trăm lĩnh vực hợp tác cụ thể. Thông qua Tuyên bố chung Đà Nẵng, APEC đã khẳng định và phát huy vai trò tiên phong trong việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại và đầu tư, kết nối, cũng như cách thức để người dân được thụ hưởng đồng đều từ quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. Đóng góp vào việc tạo dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Cơ hội mới của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Bùi Thanh Sơn nói mỗi một cơ chế hợp tác đều đem lại giá trị nhất định cho Việt Nam. Từ khi tham gia APEC vào năm 1998, diễn đàn này đã trở thành động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đưa hội nhập kinh tế Việt Nam lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Hiện trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam có 13 đối tác là thành viên APEC. Không chỉ vậy, việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC. APEC hiện chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 79% tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Theo khảo sát có 37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, tăng từ 28% năm bất chấp những biến động về chính sách thương mại và căng thẳng chính trị ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC.

APEC Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam hội nhập.  TRONG ẢNH: Quang cảnh hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: T.DŨNG
APEC Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam hội nhập. TRONG ẢNH: Quang cảnh hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: T.DŨNG

APEC sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Những cuộc tiếp xúc song phương với các tập đoàn kinh tế lớn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã mang lại những hiệu ứng kinh tế khả quan khi các công ty này cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam hay gia tăng vốn lớn. Ông Trần Châu – Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc nói sẽ thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa từ phía Việt Nam để cân bằng thương mại hai nước và chọn Việt Nam là điểm đến để mở rộng đầu tư, tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Bà Monica Whaley – Chủ tịch các doanh nghiệp thuộc Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ nói doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Không chỉ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam mà họ còn đang nỗ lực trở thành cầu nối để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng không có gì ngạc nhiên khi mức độ lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam hay nước ngoài đang ở mức cao, bởi gần 50% các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới.

Không chỉ thu hút FDI, ngay cả kêu gọi vốn viện trợ cũng có dấu hiệu khả quan. Bà Kwakwa – Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á – Thái Bình Dương khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đánh giá rủi ro, cơ cấu hệ thống tài chính và đột phá xử lý nợ xấu, thúc đẩy các dự án PPP và giúp Việt Nam xây dựng cơ chế thu hút nhiều hơn từ khu vực tư nhân bằng nhiều hình thức khác. Một tín hiệu tốt là bà Kwakwa khuyến khích Việt Nam đưa ra danh sách các dự án trọng điểm cần thu hút đầu tư và WB có thể tham gia hỗ trợ như dự án đường cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất… trong bối cảnh Việt Nam đã chạm đến trần nợ công, khó tiếp cận các khoản vay.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG