Giữ làng... trước con sóng
Hàng loạt áp lực đặt ra cho những ngôi làng duyên hải ven biển trước những cuộc công nghiệp hóa mau chóng… Giữ bản sắc văn hóa làng ven biển như thế nào đang là trăn trở của nhiều người.
Cuộc sống ở làng chài ven biển. ảnh: X.H |
1. Trong khi dư luận đang “ngóng” trước những thông tin về việc quy hoạch làng chài của TP.Đà Nẵng, thì tại Quảng Nam, sự thay đổi của những ngôi làng ven biển cũng đã bắt đầu âm ỉ. Nhiều nhất vẫn là cảnh quan làng thay đổi để thích ứng với những dự án du lịch sắp “đổ bộ”, chưa kể một bộ phận cư dân mới đang thành hình tại đây. Và những con tàu đi biển bắt đầu được trưng dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Nghề biển bao đời cũng đã rục rịch thay đổi. Nguyễn Duy Vỹ (Tam Hải, Núi Thành) nói những chuyến biển bây giờ, thanh niên ngày càng hiếm. Thay vào đó, họ bắt đầu đi học nghiệp vụ du lịch, nhà hàng, nấu ăn… để không còn phải bươn bả cho những chuyến biển dài ngày nữa. Xã đảo này, đi đâu, cũng nghe người ta râm ran bàn chuyện sẽ làm du lịch như thế nào.
Bây giờ, không cần phải đợi đến lễ cầu ngư mới nghe người làng biển hát bả trạo. Làng Trung Thanh, Thượng Thanh, Hạ Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ)… có rất nhiều thành viên ở trong CLB Bả trạo của địa phương này. Và họ tự tìm cách giữ vốn liếng làng mình trước những đổ xô ngày một khác lạ của những dòng văn hóa mới đang tiệm cận mình. Ông Đỗ Mỹ Tân – người xã Tam Thanh, có cơ hội đi dọc các vùng quê ven biển của Quảng Nam, kể một chuyện rằng chưa bao giờ thấy cái điệu hò khoan bả trạo làng biển được dùng nhiều như vậy. “Cũng cái lối hò hát đó, nhưng không phải chỉ lễ tết mới nghe mới thấy. Giờ người ta muốn phát triển du lịch biển, thì cái vốn văn hóa truyền thống cũng được tận dụng nhiều hơn” - ông Tân nói. Chuyện đó, nghĩ thế nào thì cũng là chuyện vui. Vì vốn dĩ, khi cất lên một làn điệu truyền thống, dù bất cứ ở không gian hoàn cảnh nào, thì hãy nghĩ là may thay văn hóa dân gian không chỉ để cất giữ hay hoài niệm. Trước những cơn sóng xô, không phải đổ về từ biển cả mênh mông, mà từ làn sóng đô thị hóa, di dân, thì còn giữ được, mang được đến vùng đất mới – cách không xa làng ven biển cũ, những ký ức làm nên làng mình, là điều may mắn. Và Tam Thanh – một vùng đất mới được “thức dậy” từ khoảng hơn 2 năm nay, đã có nhiều sự đổi thay, bắt đầu từ tâm thức của người ở biển. Chưa thể nhận diện những tốt xấu trong cuộc xoay chuyển này, nhưng ít nhất, một chính quyền địa phương biết nâng niu vốn văn hóa cổ truyền – dẫu để “tận dụng” nó, vẫn là một điều nên chăng…
Và rồi đi dọc con đường ven biển đã nối từ Tam Thanh đến tận cảng thị cũ, những vùng đất mới – đôi phần lạ lẫm với rặng dừa, hàng phi lao, đã xôn xao cho nhiều câu chuyện mới. “Tiếng hát” làng duyên hải tạm ngưng để nhường chỗ cho chuyện đất cát, chuyện sinh kế của người làng. Hình như, trong các cuộc quy hoạch để đưa người làng biển nhường “tầm nhìn” trước biển cho những “ông chủ” lớn, hẳn người ta đã quên về một không gian văn hóa chỉ có khi làng ở gần biển. Vô hình trung, những làng tái định cư cho dân vùng biển, cũng như làng mới ở nơi người ta nhường ruộng vườn xây dựng thành phố mới, đều giống nhau ở cách thức vận hành. Những ngôi nhà hộp mọc lên, chen chúc. Và người già vùng biển hay vùng ven đô, hệt như những gốc cổ thụ vừa được “bứng” từ rừng già để về sống trong thành phố, đơn côi, lạc lõng. Ông Trần Tám (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) ở khu tái định cư Lệ Sơn, mùa này, ngồi bó gối trước nhà nhìn đường sá lạ lẫm. Từ bãi cát trắng, bây giờ đã lác đác nhà dân. Mùa hè thì oi nồng, mùa này thì mưa gió xiên xéo, dù cái nhà mình ở đã 2 tầng vững chãi. Nhưng hình như, cái nhà ba gian ở nơi ngay bây giờ đã là tuyến đường dẫn xuống cầu Trường Giang, vẫn gây thổn thức. Khu tái định cư vẫn chưa hẳn ổn định, nghề biển vẫn cầm cự, nhưng mỗi chiều bước chân về nhà mới này, xem chừng chưa quen.
2. Chưa kể, chuyện sinh hoạt làng mạc hồi trước, giờ vắng hẳn. Đi dọc vùng ven biển, đứng nhìn vào những tấm tôn – pano đã khéo léo che kín một khoảng không gian rộng, đi sâu vào những vùng đất mới, nơi đã yên chuyện nhà cao cửa rộng, lại thấy thăng trầm đời người – hình như không phải ở mảnh đất cắm dùi. Đi thêm chút nữa, đến vùng biển An Bàng. Rất nhiều những xóm chài nhỏ mất đi, rặng dương chắn biển bị đốn, xóm gần như bị xóa sổ và một khu nghỉ dưỡng rất sang đang ngự. Những người dân trong xóm, quày quả nhau lại, mỗi buổi chiều rủ nhau qua bãi bên kia để… bán hàng rong. Đó là câu chuyện thật… Và tiếng hát của họ, trong một thiết chế văn hóa vừa được xây cẩu thả, lạnh lẽo vang lên… Nhà văn Phan Thị Vàng Anh trong một ghi chép của mình về chính không gian làng biển An Bàng – nơi chị dành hơn 10 năm sinh sống, rằng “tôi ước gì những người lãnh đạo Hội An nhìn ra giá trị của những xóm chài. Trông chúng có thể bé nhỏ thật, nếu đo bằng tiêu chuẩn xi măng bốn sao, năm sao. Nhưng chúng làm cho cả một vùng biển thành ấm cúng vì ở đó “có dân”. Còn gì lạnh lẽo hơn là cảm giác cả một vùng biển “vắng dân” và chỉ còn du khách?”.
Nhưng vệt màu dài khởi đi từ các làng biển, không hẳn chỉ có gam trầm. Ông Lý Như Sanh – giọng ca của vùng biển Núi Thành, bao năm chân chưa thôi nghỉ để đi kiếm tìm đồng vọng cho mình. Trong mắt nhìn của người nghệ sĩ “chân đất” này, làng chài còn thì linh hồn, văn hóa biển bao đời vẫn còn. Những nỗi lo chỉ gợn lên khi đi tìm một lớp người kế thừa cho vốn văn hóa truyền thống, nhưng cái tinh thần của người làng biển thì bao đời vẫn vậy. Cuộc hội của làng quê ven biển chưa bao giờ thiếu người ở làng. Và cái đất đầu sóng ngọn gió như Núi Thành, làng ven biển là điều đầu tiên làm nên thành tố văn hóa cho chính vùng đất. Và khi bắt đầu cho câu chuyện phát triển một đường hướng mới, hẳn chính quyền phải nghĩ đến chuyện sinh kế bao đời của người dân vùng này vẫn phải gắn với biển cả. Ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ, ngay ở việc xây dựng dự án cảng cá Tam Quang thành quy mô cấp 1 với công suất 16 nghìn tấn/năm, nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của nghề khai thác hải sản Quảng Nam. “Đây sẽ là đầu mối tập trung và phân phối hàng hải sản trên địa bàn tỉnh cũng như đến khu vực duyên hải miền Trung. Dự án sẽ hình thành khu hậu cần nghề cá có đầy đủ các loại hình dịch vụ như xăng dầu, ngư lưới cụ và các mặt hàng thiết yếu khác. Các loại hình cứu hộ, cứu nạn cũng như khu neo đậu tránh trú bão An Hòa (thuộc 2 xã Tam Quang, Tam Giang, Núi Thành) cho tàu cá sẽ được kết nối, tạo thuận lợi đặc biệt cho sản xuất nghề cá. Hệ thống giao thông, sân bãi, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải và các công trình kiến trúc, phụ trợ quy mô lớn như chợ đầu mối hải sản, hơn 20 ki ốt bán hàng, kho sơ chế, cấp đông, khu sản xuất nước đá, nhà xe, bồn xăng, hệ thống phòng cháy chữa cháy… để người dân thuận tiện. Cùng với đó, các dự án phát triển du lịch biển đang bắt đầu khởi động và bao giờ chúng tôi cũng đặt yếu tố văn hóa bản địa là điều cần phải ưu tiên phục hồi, phát huy” - ông An nói. Sự phát triển của một vùng đất, khi muốn đi đường dài, theo đúng kiểu phát triển bền vững, thì hẳn nhiên cần phải đặt giá trị văn hóa ngang bằng với giá trị kinh tế, lợi nhuận…
LÊ QUÂN