Kết nối đầu tư, kinh doanh

TRỊNH DŨNG 10/11/2017 09:47

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) được tổ chức trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã trở thành sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại quốc tế lớn nhất tại Việt Nam năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS), thu hút gần 2.000 đại biểu tham dự.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS), thu hút gần 2.000 đại biểu tham dự.

VBS chỉ bàn về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và thu hút đông đảo các nhà đầu tư hàng đầu khu vực quan tâm. Cam kết trước cộng đồng 2.000 doanh nghiệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cải thiện chất lượng thể chế, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế… đã nhận được sự đồng tình của giới doanh nghiệp khu vực. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017 - 2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam thứ 68/190 quốc gia về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm trước.

Các đại biểu cắt băng khánh thành khai trương Công viên APEC Việt Nam 2017.  Ảnh: TRỊNH DŨNG
Các đại biểu cắt băng khánh thành khai trương Công viên APEC Việt Nam 2017. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Doanh nghiệp lạc quan

Hầu hết doanh nghiệp, chuyên gia tham dự VBS đều lạc quan về triển vọng kinh doanh và muốn trở thành đối tác của Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương khẳng định, Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình trong phát triển. Hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớn trung lưu và con số đó sẽ tăng lên 50% vào năm 2035. Cấu trúc tiêu dùng sẽ thay đổi, mở ra các cơ hội cho nhà đầu tư biết nắm lấy cơ hội, đón đầu xu thế. Tuy nhiên, theo dữ liệu của WB, tỷ lệ lao động có kỹ năng của Việt Nam vẫn còn thấp; tăng trưởng hiện tương đối bền vững song vẫn chưa đủ để đáp ứng tham vọng mà Việt Nam đặt ra. Không còn cách nào khác, Việt Nam phải hướng đến mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất và đầu tư cho con người là đặc biệt quan trọng; và phải hướng đến một nền quản trị kinh tế hiện đại, được nhận diện bằng các yếu tố như thể chế thị trường với sân chơi bình đẳng, môi trường pháp luật cạnh tranh và các yếu tố thị trường hiệu quả. Còn Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho biết, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ khi muốn mở rộng kinh doanh trong khu vực ASEAN.

Ông Liam Mallon - Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil cho hay Việt Nam có môi trường đầu tư ổn định. Thành công lớn nhất là tăng tỷ lệ tiếp cận điện năng, đầu tư giáo dục. Nếu Việt Nam chứng minh được mình sẵn sàng thì việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay trong cuộc đua giành đầu tư FDI. Exxon Mobil mong muốn muốn đầu tư, sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Tata Sons Limited Việt Nam - một công ty đã hoạt động tại Việt Nam 10 năm trong nhiều lĩnh vực thép, năng lượng, cà phê, ô tô… nhận định, một quốc gia có chính sách ổn định như Việt Nam, nhà đầu tư sẽ tự tin để kinh doanh. Các nhà đầu tư đều ấn tượng với một “Chính phủ kiến tạo”. CEO Indronil Sengupta khẳng định, bất kỳ quốc gia nào cũng có khó khăn, nhưng mọi việc có thể cải thiện dần dần. VBS được xem như cơ hội để Việt Nam thể hiện mình là điểm đến thú vị cho nhà đầu tư. Trong một góc nhìn khác, Giám đốc cấp cao Hãng sản xuất thiết bị bán dẫn Applied Materials (Hoa Kỳ) - Taylor Sholler nhìn nhận, công ty chưa kinh doanh trực tiếp, chỉ có các nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng những cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khá ấn tượng nên đã bắt đầu có dự định đầu tư sang Việt Nam. Ông Martin Nordenstahi -  phụ trách khu vực châu Á Tập đoàn Abbott cho biết, Abbott mong muốn mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Hiện Abbott cũng đang triển khai hợp tác với Bộ Y tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, và Abbott cam kết giúp Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh mở, thân thiện thông qua các hoạt động tham vấn xây dựng chính sách.

Tận dụng cơ hội

Khai trương Công viên APEC

Hôm qua 9.11, tại TP.Đà Nẵng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, đại biểu 21 nền kinh tế thành viên APEC dự lễ khai trương Công viên APEC Việt Nam 2017. Công viên APEC được đặt ở phía tây cầu Rồng, quận Hải Châu, là nơi trưng bày tác phẩm điêu khắc của 21 nền kinh tế thành viên gửi tặng chủ nhà Việt Nam.
Các nền kinh tế thành viên APEC đã lựa chọn và đóng góp những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa phong phú của khu vực cũng như chủ đề Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai”. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, công viên này là nỗ lực góp phần mở rộng, làm sâu sắc hiểu biết của người dân về APEC, kết nối người dân trong khu vực và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Công viên này sẽ trở thành biểu tượng cho sức sáng tạo, sức sống và tinh thần hợp tác của APEC và sẽ thêm một điểm du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng.
Công viên APEC được xây dựng trên khu đất hình tam giác có diện tích 3.047m2 tại khu vực giao giữa đường 2.9 và đoạn nối dài đường Bạch Đằng (Bình Hiên, Hải Châu).T.D

Theo ông Philipp Rösler - Giám đốc Điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, công nghệ, cơ sở hạ tầng mà chính là người dân. Đó là giới trẻ. Môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện, nhưng không ít thách thức Việt Nam phải đối mặt dù có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Còn WB cho biết luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, giúp thực hiện các chương trình nghị sự thúc đẩy phát triển bao trùm của hệ thống tài chính và hợp tác với Việt Nam huy động nguồn lực để phát triển.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, tiến trình cải cách đã đi được một chặng đường dài, nhưng điều mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế còn quan ngại trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam chính là sự thiếu đồng bộ của thể chế, tính minh bạch và khả năng tiên lượng của chính sách. Việt Nam là một nền kinh tế đi sau, tiềm năng về tài chính, công nghệ còn thấp; doanh nghiệp mới phát triển gần đây; kiến thức, kinh nghiệm chưa nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có với lợi thế so sánh vượt trội trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp - gắn liền với nền ẩm thực, du lịch và kinh tế sáng tạo gắn với công nghệ thông tin. VBS là diễn đàn có tầm ảnh hưởng lớn nhất để người đứng đầu chính phủ, các bộ ngành, địa phương của Việt Nam có thể giới thiệu với bạn bè những thông điệp và chương trình tiếp tục cải cách mạnh mẽ của mình hướng tới các chuẩn mực hàng đầu trên thế giới. VBS chính là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận các khuyến nghị về môi trường thể chế, mô hình kinh doanh từ các chuyên gia và CEO hàng đầu thế giới. Điều quan trọng hơn, vị thế, vai trò doanh nghiệp đang được đánh giá cao. VBS chính là cơ hội chắp nối cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với những đối tác tiềm năng từ các nền kinh tế APEC.

Theo ông Lộc, hội nghị mở ra nhằm giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội xúc tiến đầu tư khi gặp lãnh đạo và CEO doanh nghiệp hàng đầu khu vực. Chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy” cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về chính sách kinh tế và tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ được gặp gỡ, chia sẻ thông tin về xu thế thương mại và hội nhập quốc tế cũng như kinh nghiệm hợp tác tại Việt Nam và khu vực APEC. “Việt Nam có cơ hội thể hiện cho quốc tế thấy năng lực phát triển kinh tế ở một thành phố hiện đại, năng động như Đà Nẵng, hay ở Quảng Nam và các tỉnh, thành phố khác của miền Trung; cho thấy Việt Nam là một thành viên tích cực với các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đổi lại, Việt Nam có thể thu hút được sự ủng hộ từ thành viên APEC cho các mục tiêu kết nối đầu tư, kinh doanh…” - ông Lộc nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG