Qua 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Xây dựng niềm tin, tạo sự đồng thuận
Từ thực tiễn cho thấy, nơi nào chính quyền địa phương tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của nhân dân thì nơi ấy không phát sinh điểm nóng, hạn chế được tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài...
Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp, giải quyết nội dung đơn kiến nghị của 110 giáo viên vào chiều 22.5.2017. Ảnh: H.GIANG |
Giải quyết từ cơ sở
Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân II (Núi Thành) cho biết, dù điều kiện cơ sở vật chất của UBND xã Tam Xuân II chưa được đảm bảo, nhưng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của nhân dân đã được lãnh đạo địa phương hết sức quan tâm. Lịch tiếp công dân được bố trí vào ngày thứ 5 hằng tuần, nhưng khi công dân có nhu cầu đến giải quyết công việc, lãnh đạo xã đều phải tiếp, xử lý. Đối với các vấn đề trong quyền hạn giải quyết của địa phương, chính quyền xã tập trung xử lý dứt điểm, còn vượt thẩm quyền thì xin ý kiến cấp trên để giải quyết, trả lời cho công dân theo lịch hẹn. “Cũng có khi công dân điện thoại phản hồi cho tôi rằng, cơ quan chính quyền giải quyết công việc của họ còn rề rà, chậm; hay thắc mắc là không biết thủ tục hành chính của họ giải quyết đến đâu rồi mà chưa thấy kết quả. Công dân “tương tác” với mình như vậy là rất tốt. Trong các trường hợp này, riêng lĩnh vực được giao phụ trách, tôi tiếp nhận thông tin, cho kiểm tra, hẹn sẽ trả lời trực tiếp cho công dân. Nhờ tập trung làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư ngay từ cơ sở nên thời gian qua tại địa phương không xuất hiện tình trạng đơn thư vượt cấp, xảy ra điểm nóng” - ông Đồng chia sẻ.
Trong những năm qua, UBND phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) không tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo nào của công dân. Nội dung đơn thư phản ánh của nhân dân trên địa bàn phường chủ yếu là tranh chấp đất đai và kiến nghị liên quan đến việc đền bù giải tỏa. Qua công tác tiếp công dân, các nội dung phản ánh đều được phân loại và được UBND phường Hòa Hương giải quyết kịp thời, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Theo ông Lê Hồng Tuyến - Chủ tịch UBND phường Hòa Hương, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phường. Làm tốt công tác này tại cơ sở không chỉ sẽ tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân đối với các chủ trương phát triển mà cái được lớn hơn đó chính là xây dựng được niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền cơ sở; giữ gìn được tình làng nghĩa xóm, mối đoàn kết gắn bó trong nội bộ nhân dân. “Kinh nghiệm của địa phương trong việc giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị là tổ chức đối thoại với nhân dân từ cơ sở. Lấy kiến rộng rãi của nhân dân để thực hiện hòa giải thành công các vụ việc tranh chấp, hạn chế đến mức thấp nhất việc công dân gửi đơn khởi kiện ra tòa án, bởi lẽ khi hai bên đã khởi kiện ra tòa thì tình làng nghĩa xóm sẽ bị rạn nứt” - ông Tuyến nói.
Tạo sự đồng thuận
Quảng Nam thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân định kỳ Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân, toàn tỉnh tiếp nhận, xử lý hơn 21 nghìn đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, chủ yếu về lĩnh vực đất đai (chiếm hơn 80%). Trong đó, có 3.811 đơn khiếu nại, 422 đơn tố cáo; hơn 16.790 đơn phản ánh, kiến nghị, nặc danh. Các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước các cấp tổ chức tiếp dân thường xuyên 24.529 lượt, tiếp định kỳ 4.881 lượt, tiếp đột xuất 1.462 lượt. UBND tỉnh tiếp thường xuyên 1.397 lượt, trong đó có 7 đoàn đông người với 134 người; Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện đầy đủ luật tiếp công dân định kỳ theo quy định của luật, đã tiếp 150 lượt với hơn 390 người, trong đó có 21 đoàn đông người với 306 người. |
Từ khi TP.Tam Kỳ lên đô thị loại 2, các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn nhiều, các nhà đầu tư đến Tam Kỳ tăng, công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng tăng lên. Vì vậy, xuất hiện nhiều đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, đó là quyền dân chủ của người dân, họ có quyền bảo vệ quyền lợi của mình, nếu xét thấy cơ quan công quyền giải quyết chưa thỏa đáng. Trách nhiệm của lãnh đạo thành phố là phải tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, đồng thời chỉ đạo bộ phận tiếp công dân, cũng như các phòng ban thực hiện nghiêm túc lịch công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các văn bản quy định hiện hành. “Thời gian qua, Thường trực Thành ủy, UBND, HĐND có kế hoạch tiếp công dân định kỳ. Đối với một số nội dung công việc, lãnh đạo thành phố còn chủ động bố trí lịch tiếp công dân để đối thoại, giải thích, giải quyết các nội dung kiến nghị của công dân. Bên cạnh đó, rà soát các nội dung, giao cho các phòng ban tham mưu công tác tổ chức tiếp dân, giải quyết đơn thư. Nhờ vậy, kết quả giải quyết đơn thư trong thời gian qua đạt tỷ lệ cao, thấu tình đạt lý, đem lại sự hài lòng cho người dân. Có sự đồng thuận cao, từ đó, người dân chấp hành tốt chủ trương về thu hồi, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các công trình trên địa bàn thành phố được đẩy nhanh ” - ông Tuấn nói.
Giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ở một số địa phương mới đây cho thấy, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân trong thời gian qua được UBND cấp xã, cấp huyện quan tâm thực hiện khá nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng bức xúc, khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp và bước đầu tạo lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Phân tích về nguyên nhân của các hạn chế, khó khăn trong công tác này, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng - Trưởng đoàn giám sát cho rằng, Luật Tiếp công dân quy định thời lượng mà Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện trực tiếp tiếp công dân như hiện tại là chưa phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật liên quan. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND các cấp được ủy quyền cho các Phó Chủ tịch UBND phụ trách, chịu trách nhiệm ở từng lĩnh vực công việc. Do đó, Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện có quyền phân công, ủy quyền cho các phó chủ tịch UBND thay mặt UBND trực tiếp tiếp công dân, xử lý, giải quyết những nội dung, vấn đề công dân yêu cầu liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách. Các chính sách pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất để triển khai các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây thường xuyên thay đổi, chính sách ban hành sau thường có lợi hơn so với chính sách ban hành trước, dẫn đến sự không công bằng giữa người bị thu hồi đất trước và sau (chỉ trong thời gian ngắn) nên phát sinh khiếu nại, tố cáo...
HÀN GIANG