Đêm nghe tiếng... đất nổ

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG 09/11/2017 11:47

Sau một tiếng nổ lớn, toàn bộ ngọn đồi phía sau khu dân cư thuộc thôn 5, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My đổ ập, biến những ngôi nhà phía dưới thành bình địa chỉ trong ít phút. Những người thoát chết trong gang tấc đến giờ vẫn chưa thể hiểu được tại sao mình còn sống, và giờ họ vẫn nằm lắng nghe tiếng đất nổ...

Tin liên quan

  • Lở núi, hơn 60 người dân Trà Bui thoát chết trong gang tấc (clip)
Sau tiếng nổ lớn từ lòng đất, 10 ngôi nhà của người dân thôn 5 đã hoàn toàn bị xóa sổ. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Sau tiếng nổ lớn từ lòng đất, 10 ngôi nhà của người dân thôn 5 đã hoàn toàn bị xóa sổ. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Điều kỳ diệu

Trong lời kể thảng thốt của người dân thôn 5 (xã Trà Bui), vào khoảng 12 giờ trưa ngày 5.11, sau một tiếng nổ lớn từ lòng đất thì toàn bộ ngọn đồi đã đổ ập xuống. Mọi người chỉ biết kéo nhau chạy, càng nhanh càng tốt.

Hơn 60 người thoát chết trong gang tấc. Điều kỳ diệu đó sẽ không xảy ra nếu không có sự quyết liệt của lực lượng phòng chống bão lụt của xã. Trưa đó, sau khi nghe tiếng nổ mạnh từ lòng đất, phía chân đồi đã có dấu hiệu sạt lở thì lập tức lãnh đạo UBND xã Trà Bui kêu gọi tổ chức di tản dân. Anh Hồ Văn Biên - Trưởng Công an xã cùng Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui Nguyễn Dương Phi ngay tức khắc chạy lên thôn 5 để vận động bà con di dời. “Lúc đầu, chúng tôi giúp những người dân vận chuyển đồ đạc, chủ yếu là lương thực từ những ngôi nhà sàn qua những ngôi nhà xây kiên cố hơn. Cứ nghĩ vậy là an toàn rồi, nhưng không ngờ... ” - ông Nguyễn Dương Phi nói.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, sau khi thị sát tình hình, ngay trong ngày 8.11, UBND huyện đã lập tức cử một đoàn đưa 3 tấn gạo và 1 số nhu yếu phẩm như mỳ gói, dầu ăn, nước mắm, muối và áo quần... đưa lên cứu trợ cho bà con. Đồng thời, huyện đã họp và phân công 1 người trong Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp cắm điểm ở thôn 4, Trà Bui phối hợp với lực lượng của xã, kịp thời giải quyết những khó khăn hiện tại của người dân.

Cái không ngờ của ông Phi chính là lòng đất vẫn tiếp tục nổ, nhà rung lắc. Cảm giác về một thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào khiến ông cùng anh Biên lại ngược dòng lên đây để đưa hết tất cả bà con rời khỏi nhà. Nhưng một số người kiên quyết không chịu, bởi hơn 20 năm nay, chỗ này chưa từng bị sạt lở. Ngay cả khi động đất kích thích do thủy điện Sông Tranh 2 gây ra thường xuyên trước đây, thì nơi này vẫn đứng vững. “Một số người kiên quyết ở lại vì tất cả gia sản, đồ đạc của họ vẫn ở đó. Đến mức chúng tôi phải kéo từng người một ra khỏi nhà. Nhiều lúc bực quá, không kể trên dưới gì nữa mà nạt lớn giờ chú có chịu đi không, chết kiểu nào không chết, muốn chết trong bùn lầy à?” - anh Trần Ngọc Phúc, Xã đội phó xã Trà Bui kể.

Cứ thế giằng co. Những người hoảng loạn lại tìm về hướng núi. Cán bộ xã lập tức dùng 2 chiếc xe máy chặn đường, hướng họ về thôn 4 để tránh sạt lở. Ngay khi người cuối cùng được đưa ra khỏi nhà thì dưới lòng đất phát ra tiếng nổ lần thứ 3. Và mọi thứ biến mất trong tích tắc. Hai chiếc xe máy dùng để chặn người dân cũng bị cuốn trôi theo dòng đất đá. Bất lực là cảm giác chung của tất thảy mọi người khi chứng kiến bùn đất vùi sâu ngôi nhà của mình. Nhưng bất chợt, họ như nhận ra rằng, mình thoát chết một cách kỳ diệu. Không phải từ ông trời mà từ chính những người vừa mắng mình té tát.

Chìm trong khốn khó

Sự việc xảy ra từ trưa ngày 5.11, nhưng do toàn xã đã bị chia cắt, cô lập, toàn bộ hệ thống điện đài, thông tin liên lạc vô hiệu nên phải đến trưa 7.11, sau khi đã hết đường xoay xở, những cán bộ xã mới nương theo lòng hồ Sông Tranh 2 tìm ra nơi có sóng để báo về cho chính quyền huyện.

Hiện cuộc sống của người dân vùng bị sạt lở gặp vô vàn khó khăn.
Hiện cuộc sống của người dân vùng bị sạt lở gặp vô vàn khó khăn.

Ngay sau khi nhận được thông tin của cán bộ xã Trà Bui, chúng tôi cùng ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My và một số cán bộ lên đường tiếp cận hiện trường. Mất gần 1 tiếng lội bộ từ xã Trà Đốc ngược lên thân đập phụ của thủy điện Sông Tranh 2, rồi từ đó men theo lòng hồ chừng 2 tiếng nữa thì mới tới được thôn 5 xã Trà Bui. Thấy người đến, hàng trăm người dân đổ ra vây kín. Họ không kể khổ, chỉ đứng sát vào nhau, như thể chia hơi ấm trong những bộ quần áo ướt nhèm. “Nhà có mười mấy con heo, mấy chục bao lúa. Ki cóp mãi mới được chừng ấy, nhưng nay đã nằm ở dưới đó mất rồi. Sau này, hết lũ cũng chẳng biết lấy gì mà ăn” - ông Hồ Văn Hùng, một trong những người có nhà bị cuốn trôi nói như khóc. Ông nói như không tin chuyện đó đã xảy ra. Những tài sản quý giá nhất mà ông dành dụm được chốc lát đã chôn vùi xuống lòng hồ. Còn giọng bà Hồ Thị Hồng thì đều như tiếng thở: “Giờ không có nhà ở, không gạo ăn. Mấy hôm rồi chỉ có mỗi bộ quần áo trên người!”. Khó khăn đang bủa vây tất cả người dân nơi đây. Không điện, không nước, thiếu lương thực, nước uống, gạo ăn... là những thứ dễ thấy ngay lúc này.

Sau khi thôn 5 xảy ra chuyện, những tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất vẫn tiếp tục. Xã đã tiến hành di dời luôn cả thôn 6 và thôn 5 về ở chung với thôn 4. Tổng cộng có hơn 300 người đang nương tựa vào nhau qua từng ngày. Cán bộ xã đi vận động quanh thôn tìm gạo ăn, quyên góp áo quần, xin củi về để giúp những người gặp nạn vượt qua cái đói, cái rét của mưa lũ. Nhưng những người này lại không chịu đón nhận sự giúp đỡ đó. Ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Trà Bui nói trong bất lực: “Thôn 5, 6 là người dân tộc Ca Dong, còn ở thôn 4 là người Mơ Nông. Người dân thôn 5, 6 cho rằng người Mơ Nông có bùa chú nên tuyệt đối không dám nhận. Người ta đã cho mình gạo để ăn, củi để đốt, áo quần để mang mà kiên quyết không nhận. Có vận động cỡ nào cũng chịu”. Sự việc bắt nguồn từ xa xưa, khi còn đang ở dưới lòng hồ chưa di dời thì hai bên đã có những lời đồn đoán về nhau. Càng nghiêm trọng hơn khi xảy ra sạt lở, người dân được đưa về đây thì bất ngờ, một người đàn ông vì hoảng loạn lên cơn co giật, bọt mép sùi trắng. Ngay lập tức, già làng của họ quỳ xuống rồi khấn vái để xua đuổi tà ma. Trong khi đó, các cán bộ xã phải tiến hành hô hấp, xoa bóp để cứu mạng sống người này. Rất may đã không có sự cố đáng tiếc xảy ra. Nhưng cũng từ đó, tín niệm về dân thôn 4 có bùa ngải càng ăn sâu trong họ. “Đến mức ban đêm họ không dám ra khỏi nhà đang ở. Họ lùi sâu, nép vào nhau sợ sệt. Mà ác nữa là trong số hơn 300 người dân đang tá túc ở đây có rất nhiều trẻ em. Mưa lạnh, không có áo quần để thay nên sinh bệnh; sốt, khóc cả đêm mà không biết phải làm thế nào. Anh em đã đi vận động quanh thôn, xin từng gói mì tôm về nấu cho họ ăn từng bữa” - ông Tiến nói. Chính vì vậy, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My luôn nói với bà con là phải tin tưởng nhau. Người sẵn sàng dang tay cứu mình lúc nguy khó đã quý, đừng phụ lòng họ. Những khó khăn mà bà con đang gặp phải, huyện đã biết và sẽ cố gắng hỗ trợ bà con trong thời gian tới. Ít nhất sẽ không để phải đói, phải khát, nhưng hãy biết đùm bọc nhau trước đã.

Bóng tối ập xuống nhanh. Cả thôn chỉ le lói vài đốm lửa sưởi ấm cho những đứa trẻ ngồi quanh. Chiếc ca nô tròng trành đưa chúng tôi trở về huyện lúc nửa đêm. Tiếng ông Tuấn như lạc giữa tiếng nổ của máy, tiếng gốc cây mục va vào mạn thuyền: “Thiên tai đúng là ác quá”. Chỉ mong sao, trong mỗi đêm sau này, người dân Trà Bui không còn phải thấp thỏm lắng nghe tiếng đất nổ. Phép màu đã đến với họ một lần, bây giờ, chỉ mong thêm một lần nữa, là xóa đi ngăn cách giữa 300 con người Ca Dong và làng Mơ Nông, để cùng bước qua những ngày khó khăn!

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG