Cần xác định thời điểm "phát hiện vi phạm" để tính thời hiệu giải quyết tố cáo

VĂN PHƯỚC 09/11/2017 11:35

Sáng 8.11, Tổ đại biểu Quốc hội số 16 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Quảng Nam, Bắc Kạn, Bến Tre và Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành thảo luận tổ góp ý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Chủ trì phiên thảo luận, đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, gợi ý một số nội dung còn có ý kiến khác nhau để các đại biểu tập trung làm rõ, như: khái niệm “tố cáo”; về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; hình thức tố cáo, thời hiệu tố cáo; điểm “dừng” trong tố cáo và vấn đề bảo vệ người tố cáo,…

Chủ trì phiên thảo luận, đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chủ trì phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) cho rằng, quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền tại Khoản 6, 8, Điều 12 không phù hợp. Vì trong trường hợp cơ quan, tổ chức bị giải thể, sáp nhập với cơ quan, tổ chức khác thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũ không còn quyền lực, không thể giải quyết vụ việc theo đơn tố cáo và điều này sẽ dẫn đến điều luật không khả thi. Về thời hiệu tố cáo, hầu hết đại biểu cho rằng cần xem xét đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, không nên quy định cứng là 3 năm hoặc 5 năm, dễ dẫn đến xung đột pháp luật. Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, việc quy định 3 năm hoặc 5 năm không quan trọng, mà quan trọng là xác định thời điểm để tính thời hạn, nếu căn cứ thời điểm “kể từ ngày có hành vi vi phạm” như trong dự thảo là không phù hợp trên thực tế, vì nhiều vụ việc vi phạm đã lâu nay mới phát hiện thì đã hết thời hiệu; nên cần xác định thời điểm “phát hiện vi phạm” để làm căn cứ tính thời hiệu là phù hợp nhất. Cũng theo đại biểu Phan Thái Bình, không nhất thiết phải quy định cụ thể gửi đơn tố cáo bằng hình thức nào (kể cả thư điện tử), quan trọng là quy định chặt chẽ điều kiện đủ để thụ lý, giải quyết một đơn tố cáo theo đúng pháp luật, điều này vừa khắc phục được tình trạng bỏ qua các tố cáo đúng người, đúng hành vi vi phạm pháp luật, vừa khuyến khích người dân tích cực tham gia tố giác hành vi vi phạm pháp luật, làm trong sạch bộ máy hành chính, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Đại biểu Phan Việt Cường cho rằng, nội dung của “Điều 3 - Phạm vi áp dụng của Luật Tố cáo” và “Điều 26 - Trình tự giải quyết tố cáo” chưa bao quát được trường hợp giải quyết đơn tố cáo. Thực tiễn hoạt động của các cơ quan thanh tra cho thấy nhiều cuộc thanh tra đột xuất được tiến hành để giải quyết các đơn tố cáo. Do đó, cần bổ sung vào Điều 26 một khoản quy định: Việc giải quyết tố cáo thông qua hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thông báo thụ lý tố cáo, thông báo kết quả giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của luật này.

* Chiều cùng ngày, Tổ ĐBQH số 16 tiếp tục thảo luận cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam. Đa số đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng nhằm cải thiện hệ thống giao thông đường bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam… Đại biểu Phan Việt Cường bày tỏ sự quan tâm đến các giải pháp kỹ thuật nút giao thông, đường ngang; công trình cầu, hầm; công trình thoát nước. Theo đại biểu, khi đầu tư tuyến đường qua khu vực thường xuyên bị lũ lụt phải tính toán khắc phục tình trạng tuyến đường dọc Bắc - Nam làm cản trở dòng chảy từ tây sang đông gây ngập úng sâu, nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh đến tầm quan trọng của báo cáo đánh giá tác động môi trường, khi thực trạng hiện nay có quá nhiều dự án giao thông đường bộ chưa đánh giá đúng tác động môi trường, để lại những hậu quả nặng nề mà người dân phải gánh chịu, như: ô nhiễm môi trường do bụi đất, ngập úng, do sạt lở đất đắp làm bồi lấp nhà, lấp đất sản xuất, nổ mìn gây nứt nhà dân, khi thi công xe trọng tải nặng làm hư hỏng hệ thống đường giao thông của tỉnh, huyện, xã trong vùng dự án,… Để dự án thực thi đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động ảnh hưởng môi trường của dự án, tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách thận trọng và trách nhiệm; chú trọng đầu tư hệ thống đường dân sinh, điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội cho người dân trong vùng dự án. Nhất là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người dân trong vùng dự án chuyển đổi nghề nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Về nguồn lực đầu tư, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Chính phủ cần tính toán cân đối nguồn lực đảm bảo thực hiện dự án, trong điều kiện ngân sách khó khăn, trong 11 dự án thành phần thì phải phân kỳ đầu tư vào dự án nào có tính cấp thiết nhất và phải tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả kinh tế các dự án đã đầu tư, phát huy tối đa nguồn lực đất nước…

VĂN PHƯỚC

VĂN PHƯỚC