Đưa sản phẩm làng nghề ra thế giới

VĨNH LỘC 07/11/2017 09:41

Hai cửa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Quảng Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và TP.Minamiboso tài trợ vừa được khai trương tại Hội An, trở thành nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống địa phương đến người mua và du khách.

Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống Quảng Nam được giới thiệu, bày bán tại cửa hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu Quảng Nam - Việt Nam.Ảnh: V.LỘC
Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống Quảng Nam được giới thiệu, bày bán tại cửa hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu Quảng Nam - Việt Nam.Ảnh: V.LỘC

Kết nối làng nghề trong nước và Nhật Bản

Cửa hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu Quảng Nam - Việt Nam đặt tại Làng lụa Hội An trưng bày hơn 10 nhóm sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh và Nhật Bản như tơ lụa, thổ cẩm, vật lưu niệm, mỹ phẩm, vật dụng bằng giấy được chế tác từ dừa nước… Tham quan cửa hàng, du khách có thể bắt gặp nhiều sản phẩm được chế tác từ nguồn nguyên liệu địa phương như thổ cẩm Cơ Tu; lồng đèn được làm từ thân cây dừa nước; khăn choàng cổ, áo lụa tơ tằm Quảng Nam; mỹ phẩm được làm từ cây trái dâu tằm hay từ quả biwa của Nhật Bản… Theo ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh (đơn vị đối tác của JICA), cửa hàng là một hợp phần của dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch – Mở rộng sản xuất rau an toàn và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống”. Mục đích của dự án không chỉ là nơi giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm tơ lụa và hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của Quảng Nam mà lâu dài còn mở rộng ra các vùng miền cả nước, kể cả Nhật Bản phục vụ du khách tham quan, mua sắm. “Cửa hàng được đặt tại Làng lụa Hội An sẽ là điểm nhấn trong quá trình hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần giải quyết đầu ra cho hàng thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân cũng như các làng nghề truyền thống Quảng Nam, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - ông Sinh nói.

Việc thiết lập cửa hàng tại Làng lụa Hội An cũng là quá trình tạo chuyển biến về cách nghĩ, cách làm theo tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản trong chiến lược tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam theo hướng du lịch. Đặc biệt, dù dự án chỉ tư vấn, hỗ trợ về sản phẩm đặc trưng, cách thức trưng bày, bán hàng nhưng đã mang đến một cách tiếp cận mới khoa học và hiện đại hơn so với cách làm truyền thống. Ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam nhìn nhận, việc hình thành cửa hàng với sự hỗ trợ của JICA rất ý nghĩa và hợp lý nhằm khôi phục, khơi dậy những tiềm năng, giá trị quý của các nghề truyền thống, nhất là trong tình hình hiện nay một số nghề như tơ lụa, thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ đang dần mai một. Theo ông Vũ, việc JICA chọn Làng lụa để đặt cửa hàng đã được khảo sát, chuẩn bị khá lâu và rất kỹ vì Làng lụa Hội An là một trong những điểm được nhiều du khách tham quan. Đây sẽ là một showroom giới thiệu, tìm kiếm, xúc tiến đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh. Do đó, cửa hàng không chỉ trưng bày sản phẩm tơ lụa Quảng Nam, thổ cẩm Cơ Tu hay sản phẩm từ Cù Lao Chàm, dừa nước Cẩm Thanh… mà còn có vai trò tựa như một văn phòng quảng bá, tiếp thị đến du khách. Ngoài ra, nơi đây cũng sẽ tổ chức những hội thảo, tọa đàm về nghề, mời các chuyên gia về lĩnh vực marketing thiết kế mẫu mã, sản phẩm để đáp ứng nhiều phân khúc thị trường, cũng như trao đổi về kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm với các nước, nhất là Nhật Bản. Việc khai trương cửa hàng là sự khởi đầu cho hàng loạt những cố gắng trong tương lai”.

Bảo tồn nghề thủ công truyền thống

Ngoài hỗ trợ Cửa hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu Quảng Nam – Việt Nam tại Làng lụa Hội An, dự án cũng đã hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản Quảng Nam (tại số 35 Nguyễn Thái Học, Hội An) về cách thức trưng bày, bán hàng và chọn lựa sản phẩm giới thiệu, quảng bá đến khách. Bà Ngô Thị Thiên - Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ cho rằng, việc JICA hỗ trợ nhà trưng bày thiết kế lại không gian bài trí hàng hóa sau hơn 2 năm hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cửa hàng, tạo ra điểm giới thiệu và bán hàng tin cậy của khách khi du lịch đến Hội An. “Với sự hỗ trợ này tôi hy vọng thời gian tới nhà trưng bày sẽ phát triển hiệu quả hơn với tư cách là điểm giới thiệu, tìm hiểu, trải nghiệm của khách với các tinh hoa làng nghề Quảng Nam đặc sắc và hấp dẫn” - bà Thiên chia sẻ.

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong phát triển du lịch yếu tố sản phẩm bản địa rất quan trọng. Hầu hết du khách khi du lịch đến một vùng đất mới đều muốn mua một sản phẩm nào đó của địa phương mang về. Khách đến Quảng Nam không chỉ được trải nghiệm các giá trị văn hóa và thiên nhiên tại chỗ mà còn được khám phá các giá trị, sản phẩm văn hóa làng nghề. Thực tế, thời gian qua một số địa phương như Hội An, Điện Bàn, Đông Giang, Nam Giang… khi xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đều gắn với bảo tồn các làng nghề. “Du lịch địa phương phát triển cũng là cơ hội để du khách bốn phương đến với mình, nếu mình có một giá trị văn hóa để giới thiệu khách trải nghiệm thì sẽ tạo nên sự khác biệt, mang đến sự hứng thú cho du khách, đồng thời cũng giúp người dân địa phương có cơ hội bảo tồn làng nghề và nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững, khi đó làng nghề cũng sẽ có điều kiện bảo tồn tốt hơn” - ông Cường nói.

Cửa hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu Quảng Nam – Việt Nam tại Làng lụa Hội An là một trong 3 cửa hàng ở Việt Nam hiện nay được JICA hỗ trợ nhằm giúp địa phương bảo tồn, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề ra thế giới. Ông Fumio Kato – Trưởng dự án JICA tại Quảng Nam chia sẻ, Quảng Nam như quê hương thứ hai của ông. Hơn 10 năm qua ông vẫn thường xuyên đến Quảng Nam với khoảng 40 lần. Câu chuyện các làng nghề bị mai một do sự phát triển là vấn đề mà Nhật Bản đã đối diện nhiều năm trước, và ông không muốn điều đó lặp lại ở Quảng Nam. “Chúng ta phải tránh lặp lại ở Quảng Nam câu chuyện của Nhật Bản trước đây. Tôi đã đến các làng nghề, trao đổi với người dân, nghệ nhân và lãnh đạo địa phương. Tôi rất vui vì hầu hết đều tâm huyết với sản phẩm thủ công truyền thống, và điều đó đặt ra rất nhiều kỳ vọng. Nhưng tôi nghĩ chỉ có nhà sản xuất hay sự tâm huyết của lãnh đạo địa phương thôi chưa đủ, cần phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp để quảng bá, quảng cáo rộng rãi sản phẩm làng nghề đến du khách. Về lâu dài các cửa hàng này cũng sẽ được mở rộng không chỉ trưng bày sản phẩm của Hội An, Quảng Nam mà của nhiều địa phương khác để thúc đẩy sản phẩm thủ công trên toàn quốc phát triển ra thế giới” - ông Kato chia sẻ.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC