Tình người trong mưa lũ

CHÂU TẤN 06/11/2017 17:23

(QNO) - Mưa lũ gây cô lập hoàn toàn nhiều khu dân cư tại huyện Duy Xuyên mấy ngày qua. Người dân vùng rốn lũ nỗ lực giúp nhau vượt qua thiên tai, hoạn nạn mặc dù khó khăn vẫn còn nhiều và lương thực, nước uống đang cạn dần.

Bà Diệu đang quay về nhà vận chuyển những vật dụng còn lại. Ảnh: CHÂU TẤN
Bà Diệu đang quay về nhà vận chuyển những vật dụng còn lại. Ảnh: CHÂU TẤN

Giúp đỡ nhau trong hoạn nạn

Mưa không ngớt, gió thổi liên hồi, nước lũ từ thượng nguồn dồn dập đổ về, những ngôi nhà dần ngập trong dòng nước đục ngầu. Người dân thôn 1 xã Duy Thành (Duy Xuyên) tập trung lại, chia ra từng nhóm để cùng giúp nhau đưa gia súc tránh lũ, kê vật dụng có giá trị lên cao hơn. Ai cũng khẩn trương để hoàn tất công việc trước khi lũ vào nhà. Hai chiếc ghe nan, 4 con người cắt lũ đến nhà bà Huỳnh Thị Lợi khi trời bắt đầu tối. Chỉ sau mấy chục phút những vật dụng cần thiết được kê lên cao, gia súc được đưa đến chân cầu tránh lũ. “Mẹ góa, con côi, nhờ mấy anh em trong tổ giúp đỡ chứ không cũng trôi hết…” - bà Lợi nói vội rồi khiêng chiếc tivi lên gác lửng.

Người dân đưa trâu bò vượt lũ lên đồi cao. Ảnh: CHÂU TẤN
Người dân đưa trâu bò vượt lũ lên đồi cao. Ảnh: CHÂU TẤN

Những người đàn ông, thanh niên trong thôn ngâm nước lũ mấy ngày nay, chiếc áo mưa trở thành chiếc chăn trên người, họ cũng không buồn thay, đôi chân chai sần là thế mà cũng bây giờ đã bắt đầu dấu hiệu rạn nứt. Đêm xuống họ ngủ cùng đàn gia súc, bảo vệ tài sản cho dân làng. Thế nhưng, chẳng ai lấy đó làm buồn.

Ông Lê Đình Thắng - Trưởng thôn 1, xã Duy Thành (Duy Xuyên) cho rằng: “Tình làng nghĩa xóm là quan trọng nhất nên khi lũ lên chúng tôi giúp đỡ hết nhà này đến nhà khác, đưa đồ đạt, vật dụng lên nơi khô ráo như thế giúp bà con đỡ thiệt hại tài sản, bà con an toàn thì chúng tôi cũng vui. Và đây là việc làm ý nghĩa nhất trong ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc sắp tới”.

Tất nhiên sức người có hạn, sự tàn phá của thiên tai thì quá kinh khủng, không ít con trâu, con bò là tài sản của chính người nông dân ấy trôi theo dòng nước lũ đục ngầu. Thế nhưng tin rằng sau lũ lụt họ sẽ vượt qua khó khăn từ sự chia sẻ của cộng đồng, để chân cứng đá mềm lội bùn sâu.

Chờ nước lũ rút

Nước lũ làm cho tuyến đường ĐH6 - tuyến giao thông quan trọng nhất tại xã Duy Thành ngập sâu gần 1m, có đoạn hơn 1,2m. Vì vậy, người dân di chuyển bằng ghe nhỏ rất khó khăn và nguy hiểm. Nhà chỉ có 2 mẹ con, trong lúc nước lên nhanh, bà Lê Thị Diệu (Thôn 1, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) đành nhìn lũ cuốn trôi các vật dụng gia đình, lương thực bị ngâm nước gần hết. “Mua mấy gói mì làm canh ăn đỡ mấy ngày nữa, lo lắng không biết lũ còn kéo dài mấy ngày nữa đây” - bà Diệu nói.

Người dân dựng lèo bảo vệ đàn gia súc. Ảnh: CHÂU TẤN
Người dân dựng lều bảo vệ đàn gia súc. Ảnh: CHÂU TẤN

Người dân ở đây cho biết, đợt lũ này lớn nhanh hơn dự tính, trong khi đó dự báo chậm nên người dân gặp khó khăn khi ứng phó. Bên cạnh đó nước lũ về trong đêm, nhiều khu vực mất điện nên nông sản bị ướt, nhiều gia cầm,  gia súc bị chết. Ông Lê Đình Tín cùng nhiều người trong thôn 1, xã Duy Thành (Duy Xuyên) vừa giúp một hộ hàng xóm đưa con heo nái nặng cả 100kg lên gác tránh lũ trở về, bước chân xuống, chiếc ghe tròng trành theo dòng nước chảy mạnh, ông Tín nói: “Mới thấy nó xuống được chút, bà con ai cũng mừng, chừ lại lên nữa thiệt không biết hồi mô cho rút đây. Quan trọng là thông báo của cơ quan chức năng chậm hơn lũ nên bà con chúng tôi xoay xở không kịp”

Hiện tại, nước lũ gây ngập sâu các tuyến đường giao thông huyết mạch đi các xã khu trung, khu tây và khu đông của huyện Duy Xuyên. Các địa phương bị nặng nhất như xã Duy Trinh, Duy Châu, Duy Thành và Duy Vinh bị cô lập hoàn toàn. Người dân Duy Thành phải di chuyển gia súc lên cầu Trường Giang để tránh lũ. Tuy nhiên, gia súc đang thiếu thức ăn, mưa lạnh và nguy cơ chết do kiệt sức.

CHÂU TẤN

CHÂU TẤN