Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số
Việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong những ưu tiên của cuộc họp Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) 2017 tại TP.Đà Nẵng.
Lin Chong-Wey (người thứ hai từ trái sang phải) và các thành viên sử dụng ứng dụng “Friendly Restaurant”. Ảnh: Pioneer Post |
Diễn ra từ ngày 4 - 6.11, đây là cuộc họp lần thứ tư của ABAC trong năm nhằm xây dựng bản kiến nghị trình các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong Tuần lễ cấp cao từ ngày 6 đến 11.11. Cuộc họp ABAC lần này thu hút sự tham gia đông đảo thành viên ABAC đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Dựa trên cơ sở chủ đề của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam tập trung vào 4 ưu tiên: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, DNNVV trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Làn sóng công nghệ số đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của DNVVN trong khối APEC nói riêng và toàn cầu nói chung. Hiện các nền kinh tế trong khu vực APEC có 110 triệu DNNVV, chiếm 98% tổng số DN, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và sử dụng lao động chiếm đến 54% dân số. DNNVV có tiềm năng tăng trưởng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, chiếm 4% giá trị gia tăng trong GDP của khu vực APEC, cũng như 23,4% việc làm. Do đó, việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ được xem là giải pháp quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp APEC nói chung, nhất là tại các nền kinh tế đang phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực. “DNNVV là động lực phát triển kinh tế và thịnh vượng của APEC. Sự phát triển nhanh chóng của việc số hóa đã làm thay đổi cách thức hoạt động của DNNVV” - Tiến sĩ Li Wei-Sen của Trung tâm Xây dựng năng lực sẵn sàng trong tình trạng khẩn cấp của APEC nhận định.
Ví như, mô hình kinh doanh O2O (Online to Offline) đang bùng nổ, là chiến lược kinh doanh đưa khách hàng tiềm năng từ kênh online như thông qua email hoặc quảng cáo trực tuyến đến cửa hàng thực tế. Hay nói cách khác, mô hình O2O tạo ra sản phẩm và dịch vụ nhận diện trực tuyến, cho phép khách hàng tiềm năng nghiên cứu dịch vụ khác nhau và sau đó ghé đến cửa hàng thực tế để mua hàng. Năm 2012, Lin Chong-Wey nhà sáng lập công ty OurCityLove ra mắt ứng dụng “Friendly Restaurant”, tổng hợp các nhà hàng tiếp cận tại 12 thành phố ở Đài Loan, Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và Malaysia. Ứng dụng này đưa ra mô tả ngắn gọn về từng nhà hàng với những món ăn cụ thể để khách lựa chọn, đặt bàn trước khi đến quán. Đến nay, “Friendly Restaurant” mang về cho OurCityLove doanh thu hàng năm lên đến một triệu USD. Sáng kiến O2O của APEC nhằm mục đích làm cho việc buôn bán qua biên giới trở nên dễ dàng, rẻ hơn và nhanh hơn đối với DNNVV.
Một trong những chủ đề ưu tiên của Việt Nam trong năm APEC 2017 là nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, DNNVV trong kỷ nguyên số. Qua đó thể hiện mong muốn của Việt Nam được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho DNNVV của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận mạng thông tin và thị trường toàn cầu một cách hiệu quả.
NAM VIỆT